Nhà hát Opera Berlin: Hủy một vở kịch Mozart vì lý do tôn giáo

28/09/2006 00:39 GMT+7

Có lẽ chưa bao giờ trên thế giới lại xảy ra những sự việc đáng tiếc bắt nguồn từ những hành động hoặc lời nói - có hoặc không có chủ ý - ám chỉ về thế giới Hồi giáo như hiện nay.

Đối với nhiều quốc gia, thế giới Hồi giáo được coi như một phạm trù rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Trước đây, nếu như nhà thờ Thiên Chúa giáo phải cần đến 359 năm mới hủy bỏ sự kết tội chống lại nhà vật lý, toán học và thiên văn học Galileo Galilei thì vị giáo hoàng đương nhiệm Benedict XVI lại "chỉ cần" có hai ngày để "tạo khoảng cách" với thế giới Hồi giáo vì một đoạn trích dẫn đã có cách đây 500 năm. Vị Bộ trưởng Tư pháp vừa từ nhiệm người Hà Lan Piet Hein Donner đã từng tuyên bố việc giới thiệu chính thức đạo luật Hồi giáo là có thể nếu 2/3 người dân Hà Lan bày tỏ ý kiến về điều này. Cảnh sát London cho biết họ sẽ thông báo và hỏi ý kiến Hiệp hội cộng đồng Hồi giáo trước khi đưa ra lời kêu gọi thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố có liên quan đến người Hồi giáo.

Mới đây nhất, Nhà hát Opera Berlin (Đức) đã thông báo hủy bỏ vở kịch của Mozart Idomeneo - được lên kế hoạch biểu diễn vào giữa tháng 10 - sau khi Cục Hình sự liên bang (LKA) giải thích về mối nguy hiểm khi vở kịch này được trình diễn. Bởi trong phần dựng cảnh của đạo diễn Hans Neuenfels cho vở kịch của Mozart hơn 200 năm trước, có cảnh vị vua Idomeneo của Kreta bước lên sân khấu với một cái bao đầy máu có đựng những chiếc đầu bị chặt của Poseidon, chúa Jesus, Đức Phật, đấng tiên tri Mohammed và giơ cao lên biểu lộ sự chiến thắng. 

Ít nhất thì từ cuộc tranh cãi xung quanh bức tranh biếm họa Mohammed cũng có thể biết rằng người Hồi giáo đặc biệt nhạy cảm nếu như có một vấn đề nào đó liên quan đến nhà tiên tri của họ và ở đó có một giới hạn dù rất nhỏ nhưng không tiện để vượt qua. Việc hủy bỏ vở nhạc kịch Opera Idomeneo tại Berlin là một dấu hiệu cho thấy sự sợ hãi trước những phản cảm có thể xảy ra đối với người Hồi giáo trong tình hình căng thẳng tôn giáo hiện nay đồng thời thể hiện một sự đầu hàng. Trong khi đó, điều đáng quan tâm không phải là sự sợ hãi mà là sự thui chột các hoạt động văn hóa vốn dĩ không hề có chủ tâm gì.

Nếu như những sự kiện này không diễn ra trong bối cảnh căng thẳng hiện nay trên thế giới về vấn đề Hồi giáo thì có lẽ sẽ không xảy ra những phản ứng mãnh liệt đến như vậy của tín đồ Hồi giáo.

Thùy Trâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.