Mấy bài học chị Thùy Trâm để lại

20/12/2006 01:45 GMT+7

Ngày 20/12/2006 là một ngày đáng nhớ với những ai từng đọc và yêu kính chị Thùy Trâm qua "Nhật ký" chị gửi lại. Đây là ngày khánh thành và đưa vào hoạt động "Bệnh xá Đặng Thùy Trâm" ngay tại mảnh đất Phổ Cường - Đức Phổ - nơi chị Thùy Trâm từng sống hết mình vì nhân dân, đồng đội, thương bệnh binh, cũng là nơi chị ngã xuống vào một chiều mùa hạ năm 1970.

Bệnh xá Đặng Thùy Trâm được xây dựng nên từ những đồng tiền đóng góp của hàng vạn người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, kể cả đóng góp của những người ngoại quốc vì lòng yêu mến chị Trâm và đất nước Việt Nam. Một bệnh xá nhỏ nhưng là nơi tụ hội của những tấm lòng cao đẹp, của tình người không phân biệt, của tình yêu vượt lên và chiến thắng, của nhịp cầu "bắc qua vực thẳm" hận thù, kết nối tình hữu nghị mới và chắc chắn sẽ bền vững giữa nhân dân hai nước Việt-Mỹ. Nhân một ngày rất đáng nhớ này, có thể nhắc nhau về mấy bài học sống mà chị Thùy Trâm để lại cho chúng ta, những bài học không hề cũ qua thời gian.

1) Chỉ sống với tình yêu, sống hết mình vì người khác. Đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm, điều mà tôi tâm đắc nhất chính là tình yêu của chị Thùy Trâm. Chị đã yêu nhân dân mình, đồng đội mình, quê hương mình, người yêu của mình với cùng một tình yêu chân thành tự đáy lòng. Tình nguyện đi vào cuộc chiến đấu, không phải chị Trâm không nghĩ đến cái chết. Chị nghĩ đến nó nhiều là đằng khác, và đó là điều dễ hiểu. Nhưng chị còn nghĩ đến những thương bệnh binh đang sống nhiều hơn, nghĩ đến nhân dân Đức Phổ nhiều hơn, nghĩ đến những đứa em kết nghĩa, những người anh đồng đội nhiều hơn.

2) Luôn biết tự hỏi mình: mình sống như thế đã xứng đáng chưa? Chị Thùy Trâm không hề tự hỏi mình đã được những gì mà luôn tự hỏi mình sống như thế đã xứng đáng chưa? Đó cũng lại là một cách tự vấn rất lý tưởng, nhưng không phải không thực hiện được với những người bình thường, miễn là họ luôn muốn sống cho có ích. Sống có ích, trước hết là với cộng đồng, với nhân dân, với chính cuộc sống quanh mình.

3) Luôn biết mở lòng và tha thứ. Biết tha thứ ngay với cả những người đã làm khổ mình vì rất nhiều lý do, trong đó có những lý do ích kỷ và ngu ngốc. Điều này không ít người, nhất là những người trí thức, phải đối mặt trong cuộc sống hằng ngày, giữa những người cùng cơ quan, những "đồng chí đồng đội" với mình. Cách xử sự của chị Thùy Trâm về mối quan hệ này rất đáng cho chúng ta học tập.

4) Mỗi ngày sống với một điều tốt, làm một việc tốt. Cái này tưởng dễ mà thực ra không dễ chút nào. Nhất là với người thầy thuốc thì làm một việc tốt mỗi ngày cũng đã góp phần cứu giúp những bệnh nhân của mình. Còn sống với một điều tốt mỗi ngày chính là tự giúp mình trở nên người hoàn thiện hơn, đẹp hơn.

5) Trung thực, dám đối mặt với cái xấu. Đó là phẩm chất của người chiến sĩ, nhưng những người bình thường đều rất cần có cho mình phẩm chất này. Sự trung thực nhiều khi khiến chúng ta phải gặp khó khăn, phải trả giá, nhưng đó là những cái giá "đáng để trả". Còn dám đối mặt với cái xấu thì đúng là phẩm chất mà bất cứ ai có được nó cũng đều có thể tự hào.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.