Mỹ thay "đầu đạn" hạt nhân

05/01/2007 23:46 GMT+7

Mỹ vừa cách chức Giám đốc Cơ quan an ninh hạt nhân trong một nỗ lực nhằm chấn chỉnh hệ thống kiểm soát vũ khí và an ninh hạt nhân. Sự thay đổi này được thực hiện sau một loạt sự cố rò rỉ bí mật quốc gia.

Bộ trưởng Năng lượng Samuel Bodman đã quyết định cách chức Giám đốc Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia (NNSA) Linton Brooks, nhân vật đứng đầu chương trình vũ khí hạt nhân của nước Mỹ. Đây là một thay đổi thuộc cấp dưới bộ, nhưng vì nó liên quan đến kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới nên sự kiện này được đánh giá là "trọng đại" đối với nước Mỹ và được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.

Theo hãng tin AP, Bộ trưởng Bodman giải thích cho quyết định sa thải của mình như sau: cơ quan hạt nhân dưới thời Brooks không khắc phục được các vấn đề về an ninh một cách thỏa đáng. "Đội ngũ quản lý và những vấn đề ở đây có quan hệ hết sức hệ trọng với an ninh nước Mỹ. Vì thế, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tôi đã quyết định rằng đây là thời điểm thay lãnh đạo NNSA", ông Bodman nói. "Nạn nhân" Brooks thì cho biết trong vòng từ 2 tới 3 tuần nữa, ông sẽ rời cương vị mà ông đã đảm nhiệm từ tháng 5.2003. 
Theo báo chí Mỹ, Tổng thống Bush sắp thay một loạt vị trí quan trọng trong quân đội và hệ thống ngoại giao. Theo đó, đô đốc William Fallon sẽ làm Tổng tư lệnh phụ trách Iraq và Afghanistan, thay đại tướng John Abizaid; trung tướng David Petraeus sẽ thay đại tướng George Casey làm Tư lệnh lực lượng mặt đất tại Iraq; Đại sứ Mỹ tại Iraq Zalmay Khalilzad sẽ làm Đại sứ tại LHQ thay ông John Bolton; Đại sứ Mỹ tại Pakistan Ryan Crocker sẽ thay ông Khalilzad; Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia John Negroponte sẽ làm Thứ trưởng Ngoại giao, phó đô đốc về hưu Michael McConnell sẽ thay ông Negroponte. (BBC)

Sự ra đi của ông Brooks liên quan trực tiếp tới Trung tâm thí nghiệm quốc gia Los Alamos ở bang New Mexico. Đây là nơi đã cho ra đời hai quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản thời Thế chiến 2. Hiện Los Alamos cùng với Phòng thí nghiệm Lawrence Livermore ở California đảm trách việc phát triển vũ khí hạt nhân và an ninh hạt nhân của Mỹ. Trong quá khứ gần, Los Alamos từng trải qua nhiều sự cố nghiêm trọng. Năm 1999, cơ quan điều tra đã cáo buộc nhà khoa học Lý Văn Hòa (gốc Đài Loan) tuồn tài liệu mật về hạt nhân của Mỹ cho Trung Quốc. Vụ này kết thúc bằng việc tiến sĩ Lý kiện ngược lại, buộc nhà chức trách phải bồi thường gần 2 triệu USD. Tháng 7.2004, Trung tâm Los Alamos phải đóng cửa sau khi có thông tin rằng 2 đĩa vi tính chứa bí mật hạt nhân bị mất cắp. Mãi tới 1 năm sau, kết quả điều tra mới cho biết sự cố "mất đĩa" chỉ là một nhầm lẫn trong quá trình kê khai. Sau đó, Bộ Năng lượng Mỹ đã triển khai chương trình bảo mật thông tin hạt nhân không sử dụng đĩa vi tính. Trong khi chương trình này đang được tiến hành thì một sự cố nữa lại xảy ra. Mùa thu năm ngoái, cảnh sát phát hiện trong máy tính của một nghi phạm buôn lậu ma túy có tài liệu mật về hạt nhân được lấy từ Los Alamos.

Những sự cố dồn dập này đã thổi bùng lên làn sóng chỉ trích từ chính giới và tâm lý lo ngại trong dân Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế. Trong hoàn cảnh đó, ông Brooks, với kinh nghiệm hơn 40 năm trong lĩnh vực an ninh quốc gia và giải trừ hạt nhân, được chờ đợi sẽ giúp người Mỹ "vá" những lỗ hổng này. Thế nhưng, cuối cùng thì nhân vật kỳ cựu này đã ra đi mà những vấn đề trong công tác bảo vệ hệ thống vũ khí và công nghệ hạt nhân vẫn chưa được cải thiện. Giới phân tích còn cho rằng sự ra đi của ông Brooks cũng liên quan đến những thay đổi về chính sách an ninh của Tổng thống Bush.

Đ.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.