Thời điểm quyết định của Zimbabwe

19/03/2007 00:19 GMT+7

Tổng thống Robert Mugabe đang chuẩn bị đặt Zimbabwe trong tình trạng khẩn cấp nhằm giữ ổn định cho chế độ và đối phó với sức ép ngày càng tăng từ trong nước và quốc tế.

Các nguồn tin có thẩm quyền Zimbabwe cho biết chính phủ của ông Mugabe đã đồng ý trên nguyên tắc tại cuộc họp tuần trước về việc ban bố tình trạng khẩn cấp, nếu các biện pháp hiện nay không "đem lại trật tự cho đất nước". Tình trạng khẩn cấp có nghĩa là chế độ thiết quân luật, mọi hoạt động đối lập bị cấm và việc di chuyển của công dân bị hạn chế tối đa. Lần cuối cùng Zimbabwe bị đặt dưới tình trạng khẩn cấp là đầu những năm 80 thế kỷ trước, khi chính quyền Mugabe tấn công vào lực lượng ly khai ở miền nam nước này. Khi đó, 20.000 dân thường đã chết trong cuộc xung đột. 

Tại thủ đô Harare hôm 17.3, chính phủ đã thu giữ thi thể của nhà hoạt động đối lập Gift Tandare nhằm ngăn chặn việc đám tang của ông này có thể trở thành một tâm điểm của phong trào chống đối. Ông Tandare đã bị cảnh sát bắn chết trong một cuộc nhóm họp hôm chủ nhật tuần trước. Cũng trong vụ bố ráp này hàng loạt các thành viên chủ chốt của phong trào đối lập bị bắt giữ. Theo lời kể của nhân chứng, các nhân viên tình báo quân đội có vũ trang đã tràn vào nơi quàn và cướp xác của ông Tandare mang đi. 

Các phe phái đối lập đang thề sẽ hạ bệ Tổng thống Mugabe bằng một phong trào bất tuân luật pháp trong dân chúng. Không chỉ bị cáo buộc là độc tài và tham nhũng, Tổng thống Mugabe còn bị coi là nguyên nhân của nạn thiếu thốn lương thực trầm trọng và tình trạng lạm phát tăng đến mức khủng hoảng 1.600% và IMF dự kiến sẽ lên đến 5.000% vào cuối năm nay.

Nói qua điện thoại từ Harare, người đứng đầu Phong trào Thay đổi Dân chủ Morgan Tsvangirai cho biết ông đã bình phục từ những chấn thương do cảnh sát gây ra trong vụ đàn áp cuối tuần trước. Các bức ảnh về gương mặt biến dạng của ông này đã được in trên các tờ báo trên khắp thế giới, gây được sự chú ý nhiều hơn của công luận về đất nước miền nam châu Phi này. "Mọi thứ đều tồi tệ", Tsvangirai nói với phóng viên hãng tin BBC trong chương trình truyền thanh sáng qua, "nhưng tôi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng này đã tiến đến điểm then chốt của nó và chúng ta có thể chứng kiến khởi đầu cho sự cáo chung nền độc tài".

Ngoại trưởng Úc Alexander Downer thông báo rằng nước này đang lên kế hoạch sơ tán công dân Úc nếu như cuộc khủng hoảng vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Các nước khác có số lượng công dân sống tại Zimbabwe lớn cũng có những kế hoạch tương tự nhưng từ chối việc thảo luận công khai vấn đề này.

Trong khi đó, Tổng thống Mugabe đã chỉ trích lực lượng đối lập đã chủ mưu gây ra tình trạng bạo lực hiện thời. Ông cũng đòi trục xuất các nhà ngoại giao phương Tây ra khỏi Zimbabwe. "Tôi đã yêu cầu bộ trưởng ngoại giao triệu tập các đại sứ đến và đọc cho họ nghe đạo luật ngăn ngừa sự tụ tập phá rối trật tự. Chúng ta sẽ nói với họ rằng đất nước này không phải là một mảnh của châu u", ông Mugabe tuyên bố.

Tình trạng bạo lực hiện đang lan tràn khắp các thành phố của Zimbabwe. Tổng thống Mugabe đã thẳng thừng tuyên bố sẽ tiếp tục mạnh tay nếu các hoạt động biểu tình chống đối tiếp tục diễn ra. Trên đường phố các đám đông tụ tập từ bốn người trở lên đều bị cảnh sát giải tán. Một người dân cho biết các hộp đêm tại thủ đô Harare đã phải đóng cửa gần hết vì không ai dám ra đường sau buổi tối.

Trung Hà
(AP, The Observer, Independent)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.