Trẻ em và những nguy cơ của mùa hè

12/05/2007 17:51 GMT+7

Phòng bệnh cho trẻ vào mùa nóng 1. Say nắng: Biểu hiện: Trẻ sốt cao, da nóng khô, không có mồ hôi, mạch nhanh, buồn ngủ, lú lẫn rồi bất tỉnh.

Xử lý: Đưa trẻ vào chỗ mát và cởi quần áo ngoài. Dùng nước ấm lau toàn thân và đắp khăn mát lên trán trẻ, không nên tìm mọi cách hạ nhiệt nhanh cho trẻ bằng nước lạnh, nước đá vì khi da gặp lạnh, các lỗ chân lông thu hẹp lại sẽ khó tản nhiệt hơn. Nếu trẻ vẫn còn tỉnh táo, bạn có thể cho trẻ uống một ly nước chanh đường hoặc cam tươi. Nếu thân nhiệt trẻ không hạ vẫn sốt cao, cần đưa ngay trẻ đến trung tâm y tế để tránh bị co giật.

Chỉ nên cho trẻ vui đùa dưới nắng trước 9 giờ sáng để hệ xương phát triển tốt. Tránh để trẻ dưới 6 tháng tuổi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Khi bế trẻ đi chơi, nên chọn những nơi có bóng mát hoặc dùng ô che nắng. Nếu đi biển, hãy mang theo kem chống nắng và thoa cho trẻ trước khi ra nắng 30 phút.

Các trò chơi vận động cũng như thời tiết nắng nóng khiến trẻ dễ đổ mồ hôi, nên phải tắm rửa thường xuyên để giữ vệ sinh thân thể. Nên tắm nước ấm vừa phải. Không tắm ngay khi vừa đi nắng về, khi đang đổ mồ hôi.

2. Mụn nhọt:

Vào mùa hè, trẻ rất dễ nổi mụn nhọt. Mức độ nhẹ, có thể tự khỏi. Nặng hơn, có thể gây đau nhức, sốt, biếng ăn, có thể phải chích mụn để thoát lưu mủ.

Thường xuyên tắm rửa sạch sẽ và gội đầu cho trẻ. Tránh cho trẻ nghịch ngợm với đất, cát bẩn. Cho trẻ uống thật nhiều nước rau quả. Không tự ý nặn hoặc bôi thuốc lên mụn vì có thể gây nhiễm trùng nặng hơn.

3. Bệnh đường hô hấp, tiêu hóa:

Mùa nóng, trẻ thường bị mất nước dẫn đến tiểu ít, niêm mạc khô và sau đó sẽ bị sốt, ho... Do vậy, phụ huynh cần chú ý cho trẻ uống nhiều nước. 

Khi trẻ đi phân lỏng hơn 3 lần/ngày thì cần bù nước và ion bằng cách uống Oresol. Nếu không có Oresol thì thay bằng nước muối đường, nước cháo muối...

Nếu bệnh không giảm trong vòng 3 ngày hoặc có kèm theo: ói mửa nhiều, sốt cao, khát nước nhiều, ăn uống kém, có máu trong phân (phân đen)... thì cần đưa đến bác sĩ ngay.

Tuyệt đối không lạm dụng thuốc kháng sinh cho trẻ bởi việc uống thuốc tùy tiện sẽ gây nhiều tai biến nguy hiểm trước mắt cũng như lâu dài.

Để đề phòng tiêu chảy, thức ăn nên nấu chín, hợp vệ sinh và sử dụng nước sạch.

4. Viêm não và sốt xuất huyết:

Đây là hai bệnh mùa hè đáng ngại nhất bởi chúng đều liên quan đến muỗi và có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn. Trẻ sốt cao 39 - 40 độ C liên tục trong 2 - 3 ngày, ngày thứ 3 - 4 có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu dưới da. Nặng hơn nữa có thể nôn ra máu, đi tiêu ra máu. Cần lưu ý các dấu hiệu nặng như vật vã, chân tay lạnh, tiểu ít hoặc không tiểu phải đưa đi cấp cứu. Trong sốt xuất huyết, lúc nhiệt độ giảm cũng là lúc trẻ bị sốc, trụy tim mạch, rất nguy hiểm. Nên đưa trẻ em đi tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo đúng quy định.

Phòng tránh tai nạn cho trẻ vào mùa hè

1. Ngạt nước:

Nếu trẻ dưới 4 tuổi thì không nên cho tập bơi, vì cơ thể chưa phát triển thích hợp. Không được để trẻ bơi xa khu vực có chiều cao quá đầu trẻ. Cũng không nên tập thói quen mặc áo phao khi xuống nước để trẻ dạn nước, sẽ mau biết bơi hơn.

2. Nhiễm trùng:

Mùa hè nắng nóng dễ phát sinh dịch bệnh, dễ gây mất nước, nhiễm trùng và sốt cho trẻ. Do vậy, lưu ý trẻ luôn uống nước thường xuyên, đặc biệt là khi trẻ chơi thể thao hay đi dã ngoại. Riêng với các trò chơi trong nhà như thảy đá, banh chuyền, nhảy dây, chơi ô ăn quan, lưu ý trẻ chơi ở nơi thoáng mát, không chơi trên lề đường... Nhưng cũng không nên chơi ở những góc kẹt ẩm tối, dễ bị muỗi và côn trùng đốt, chích.

Khi chơi ở công viên, chỉ nên cho trẻ chơi tại các cầu tuột, đu quay bằng nhựa để tránh bị trầy xước, nhiễm trùng, uốn ván...

3. Vệ sinh ăn uống:

Cơ cấu tốt nhất cho việc chọn lựa nước uống hàng ngày là 60% nước giải khát thông thường, 20% sữa các loại và 20% nước trái cây tươi các loại.

Nhớ cắt móng tay của trẻ thật ngắn và cho trẻ rửa tay trước khi ăn uống để tránh nguy cơ bị tiêu chảy. Đừng cho trẻ uống trà đá, nước mía bán dạo trong công viên, lề đường. Chỉ nên dùng nước trắng đun sôi để nguội hoặc đã tiệt trùng, tránh dùng các loại nước giải khát có đường hay nước đóng chai có gas.

4. Đừng mở máy điều hòa nhiệt độ quá thấp:

Sự thay đổi nhiệt độ từ nóng đến lạnh đột ngột sẽ khiến những mạch máu vốn đang ở trạng thái giãn nở bình thường tức thời bị co lại, dẫn đến huyết áp tăng cao. Ngoài ra, do phòng có máy điều hòa phải đóng kín nên không khí lưu thông kém, nếu ở lâu sẽ dễ bị thiếu oxy, chóng mặt, khô cổ, tim đập nhanh. Vì vậy, việc thường xuyên mở cửa để không khí lưu thông là rất cần thiết.

TS B.M.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.