Những đám cưới vàng ở “ốc đảo Hansen”

02/08/2007 00:53 GMT+7

Sau cái nhíu mày suy nghĩ, trưởng thôn Hòa Vân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) Trần Hoài Đức đưa tay nhẩm tính: Trong số 90 hộ gia đình toàn thôn, có 14 cặp vợ chồng bị bệnh phong đã ngoài tuổi thất tuần còn sống khỏe mạnh, gắn bó với nhau hơn 40 năm tình nghĩa. Với thôn Hòa Vân, đó thật sự là một kỳ tích!

"Tình yêu Hansen"

Mọi người vẫn gọi thôn Hòa Vân (hay làng Vân), nơi tập trung của những bệnh nhân phong là "ốc đảo Hansen". Nghe như một tiếng thở dài. Con đường đến Hòa Vân lần này vẫn không có gì khác so với hơn một năm trước chúng tôi đã từng có dịp đến. Vẫn sỏi đá gồ ghề và cỏ lau rậm rạp giăng mắc bước chân người. Đứng từ đèo Hải Vân, tưởng chừng khoảng cách đến thôn Hòa Vân chỉ gần như một cái với tay, vậy mà phải lội bộ vượt núi và lê bước trên bờ biển hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi mới nghe được tiếng chó sủa đầu thôn. Cách đây hơn 40 năm, cũng trên con đường dốc đá còn chưa ấm bước chân người này, ông Huỳnh Luôn và bà Thu lặng lẽ dìu dắt nhau tìm đến vùng đất mới.

... "Vừa ngoài 30 tuổi, tôi đón nhận hung tin khi phát hiện ra mình bị bệnh phong". Khẽ đưa nhịp võng, người đàn ông 84 tuổi Huỳnh Luôn mở đầu câu chuyện với những đoạn ký ức đan xen, đứt quãng của một thời, một đời. Thời bấy giờ, bệnh phong là cái gì đó quá ghê gớm nên nạn nhân của nó phải chịu sự ghẻ lạnh, ác cảm của mọi người. Có những nơi, những người bệnh còn bị chôn sống, hay cho vào rừng ở riêng, cách ly ra khỏi cuộc sống của cộng đồng. Với ông, đời mình coi như đã tàn! Không muốn làm khổ gia đình, ông quyết định ra đi biệt xứ để lại đằng sau là 2 đứa con kháu khỉnh và người vợ mà ông khuyên nên đi bước nữa. Ông phiêu bạt từ Bắc vào Nam để mưu sinh bằng nghề làm thợ hồ với mong muốn sẽ sống nốt những tháng ngày hẩm hiu còn lại. Và Quy Hòa là điểm dừng chân định mệnh. Khi ở đấy, ông đã cảm và chia sẻ với một người phụ nữ cùng cảnh ngộ, nhỏ hơn mình 10 tuổi là bà Thu - vợ ông bây giờ.

Bà Thu cố nhớ lại quá khứ cách đây hơn 40 năm mà mình đã từng cố gắng quên đi. Năm 23 tuổi, khi đã là gái một con, bà mới biết mình đang mang một trong tứ chứng nan y. Người đàn bà trẻ như rơi xuống tận cùng nỗi đau khi đứa con duy nhất bị chết sau đó không lâu. Không chịu nổi sự ghẻ lạnh và sự mặc cảm bệnh tật, để chồng đi bước nữa, bà quyết định "bỏ đi để thoát chết", cho dù tương lai phía trước mịt mùng. Số phận đã đưa đẩy cho hai mảnh đời tưởng chừng đã héo úa gặp nhau. Mầm sống tình yêu đã giúp họ gượng dậy vượt qua những ngày đen tối ấy để đến hôm nay, đối diện trước mặt tôi là cặp "vợ chồng son" đã bước qua tuổi thất tuần.

Hồi đó, ông thấy cũng thương, bà thấy cũng thương, rồi thương nhau, rồi quyết định góp gạo thổi cơm chung. Năm 1964, đám cưới đã diễn ra lặng lẽ, giản dị và mộc mạc như tình yêu của họ! Không pháo hồng, không gia đình, anh em, họ hàng - ngày hợp hôn cách đây 43 năm của ông Luôn - bà Thu chỉ có tấm chân tình, cô dâu, chú rể và sự chứng kiến của một vài người bạn, y bác sĩ trong trại...


Gắn bó với nhau lúc cuối đời

Và Hòa Vân ngày nay đã bắt đầu từ những mối tình và cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc của những người như ông Luôn - bà Thu. Ở Hòa Vân ngày nay, hơn 20 cặp vợ chồng bệnh nhân phong ngoài 50 tuổi, chỉ có một vài cặp có con như vợ chồng ông Trần Ngọc Lạc - Dương Thị Nam; vợ chồng ông Đặng Hưng - Đặng Thị Lai..., nhiều người vẫn tự an ủi mình "đối với bệnh nhân phong, chuyện con cái trời cho ai thì nấy quý!".

Tình già

Trước mặt chúng tôi bây giờ là những cặp vợ chồng bệnh nhân phong tóc bạc, da mồi. Cuộc sống hiền hòa, êm đềm của "ốc đảo Hansen" ba bề sóng vỗ, nằm thu mình ra ngoài vòng xoay của cuộc đời là đủ lý tưởng để nuôi dưỡng tình yêu, làm lành những vết thương trên da thịt, những vết thương trong tâm hồn của những bệnh nhân phong. "Có nhiều lúc tưởng đã đầu hàng số phận nhưng nghĩ về hạnh phúc mà mình đang có như vậy là đã may mắn lắm. Tự dưng mọi khó khăn trở nên nhẹ tênh", bà Thu thật thà tâm sự. Thời còn trẻ, hằng ngày, chồng đi làm, bà Thu ở nhà làm ruộng, nuôi gà, trồng rau, cơm nước. Tuy lúc đó bệnh đã hết nhưng những công việc bình thường trở nên quá khó khăn vì di chứng nó để lại là bàn tay, bàn chân bị co rút quá nửa.

Ngoài những ngón tay cụt ngủn, co rút có phần dị dạng mà căn bệnh để lại, cuộc sống của những căp vợ chồng phong cũng như hàng trăm, hàng nghìn cặp vợ chồng già bình thường khác. Vẫn những giận hờn trách móc, những nụ cười lạc quan, một cuộc sống an nhàn tự tại vui hưởng tuổi già. Thỉnh thoảng, có gì ngon, ông Luôn - bà Thu lại chia sẻ với cặp vợ chồng già ở cách nhà vài bước chân là ông Phạm Bồng - bà Đoàn Thị Duyên cũng đã góp gạo thổi cơm chung trong hơn 40 năm. Trước khi đến với nhau, ông từng có vợ 3 năm nhưng chưa có con, bà thì đã là gái một con. Họ như những mảnh ghép được tạo hóa sắp xếp lại để bù đắp cho nhau. Ở cuối thôn Hòa Vân, mọi người thường bắt gặp hình ảnh hai cặp vợ chồng già mắc võng dưới gốc xoài lắng nghe tin tức từ chiếc rađio cũ mèm - người bạn thân thiết của họ - và đàm đạo. Khi thì thấy họ chống gậy mang cho nhau con cá, cọång rau, quà của những người bà con đến thăm.

Người thôn Hòa Vân sống tình nghĩa. Thương những cặp vợ chồng già không con cháu, mọi người không ai bảo ai tự chia nhau trông nom giúp đỡ nếu họ đau ốm, nằm viện. Phải chăng vì vậy mà nỗi tủi thân về bệnh tật, hoàn cảnh được vơi đi ít nhiều?

Chúng tôi tự hỏi liệu sức mạnh nào đã giúp họ vượt qua căn bệnh quái ác cùng những bi kịch cuộc đời do nó đem lại; và thầm phục họ, những cặp vợ chồng bệnh phong đã có hơn 40 năm tình nghĩa - những đám cưới vàng. Những đám cưới vàng mà thước đo của nó không dựa trên sự đong đếm của thời gian mà bằng nghị lực sống và tình yêu con người...

V.P.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.