Học cùng thầy "ảo"

12/09/2007 16:01 GMT+7

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc học ngoại ngữ ngày càng trở nên dễ dàng, tiện lợi cho những ai có nhu cầu tiếp cận với môn học này. Chỉ cần có một máy tính nối mạng, bạn có thể cùng học, cùng nói, cùng nghe và thường xuyên giao tiếp cùng "thầy ảo" của mình, đôi khi ảo lại hiệu quả và thú vị hơn cả thật.

Ảo mà... thật

Chị Nguyễn Hồng Hạnh -  nhân viên kinh doanh của Công ty SDC, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương - người thường xuyên tiếp cận cùng "thầy ảo" cho biết: "Mình đang học năm thứ 2 ngành biên dịch tiếng Anh hệ đào tạo qua mạng. Mỗi ngày mình đều lên mạng để tiếp cận các bài học. Bài học gồm có nghe, nói, đọc, viết thể hiện qua các bài test, các đoạn video clip, hình ảnh và đặc biệt là trao đổi trực tuyến với... thầy ảo - những người không thấy mặt bao giờ để nhờ thầy trả lời những thắc mắc trong quá trình học. Tiếp xúc với thầy ảo cũng có cái thú vị, tuy chẳng nhìn thấy mặt nhưng được cái là "các thầy" rất tận tâm, thậm chí rất hài hước, và có một số thầy khiến mình phải tự tưởng tượng xem thầy là ai mà... đáng yêu đến thế!".

Cũng là một học viên đang theo học lớp đào tạo tiếng Anh qua mạng, Nguyễn Minh Tiến, nhân viên của Công ty du lịch P.T (Q.1, TP HCM) lúc nào cũng kè kè bên người chiếc laptop, chỉ cần có thời gian rảnh là anh lên mạng và học. Tiến cho biết: "Khi rảnh là mình lên mạng học ngoại ngữ trực tuyến để được các thầy giáo người bản ngữ hướng dẫn cách phát âm, luyện giọng, bên cạnh đó, mình cũng được các thầy cô người Việt hướng dẫn một số vấn đề về cách học, mua tài liệu, CD-Room... Học với thầy ảo sướng là không bị “chăm sóc” kỹ, không bị điểm danh... Nhưng vất vả ở chỗ mình phải tự thân vận động”.

Thật trong... ảo

Để có một đội ngũ giảng viên phụ trách giảng dạy cho các học viên qua mạng là điều rất khó khăn với các trung tâm đào tạo qua mạng. Thạc sĩ Lê Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo thường xuyên ĐH Đà Nẵng (CCE) cho biết: “Nếu ở giảng đường, một giảng viên có thể giảng bài cho hàng trăm học viên thì ở đây, chúng tôi phải ghi hình, thu âm, cập nhật liên tục các câu hỏi của các học viên để các giảng viên trả lời trực tuyến gần như 24/24 giờ.

Vì thế khối lượng công việc của giảng viên ảo xem ra nhiều hơn giảng viên thật trên giảng đường. Cái khó nữa là so với việc giảng dạy trên giảng đường là giảng dạy trực tiếp, dễ truyền tải điều giảng viên muốn nói đến học viên không chỉ qua ngôn ngữ mà còn điệu bộ, ánh mắt, nét mặt... Còn "thầy ảo" thì chỉ truyền tải bài học cho học viên qua mạng nên khá vất vả, phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao mới mong hoàn thành được nhiệm vụ của mình".

Thanh Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.