LHQ muốn chuyển giao quyền lực tại Kosovo

14/06/2008 00:04 GMT+7

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm 12.6 đã tiết lộ kế hoạch cơ cấu lại sứ mệnh của LHQ tại Kosovo, trong đó có việc trao cho EU một số quyền hạn ở lãnh thổ này.

"Ý định của tôi là điều chỉnh các mặt hoạt động của lực lượng quốc tế ở Kosovo để  EU tiếp quản một vai trò nổi bật tại lãnh thổ này", ông Ban tuyên bố trong một lá thư gửi Tổng thống Fatmir Sejdiu của Kosovo, theo Hãng tin Reuters. Tại thủ phủ Pristina của Kosovo, Tổng thống Sejdiu phát biểu trước báo giới rằng: "Tôi đã nhận được lá thư từ Tổng thư ký Ban. Chúng tôi không thể bình luận. Chúng tôi vẫn đang phân tích nó". Thông báo trên của ông Ban được đưa ra vài ngày trước khi Kosovo thông qua hiến pháp mới, dự kiến diễn ra vào ngày mai.

Chi tiết của kế hoạch tổ chức lại phái bộ của LHQ ở Kosovo (UNMIK) chưa được công bố nhưng ông Ban tiết lộ kế hoạch này sẽ được áp dụng trong một khoảng thời gian giới hạn và không tổn hại đến vị thế của Kosovo, Reuters cho biết. Giới ngoại giao hy vọng ông Ban sẽ đưa ra một số thay đổi, theo đó một phái bộ gồm 2.200 nhân viên cảnh sát và tư pháp của EU sẽ đến Kosovo để đảm bảo an ninh tại đây, theo Reuters.

Tuy nhiên, kế hoạch kể trên của LHQ đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Nga. Moscow, vốn phản đối Kosovo độc lập, đã khẳng định phái bộ EU không thể hiện diện tại Kosovo vì chưa được HĐBA LHQ thông qua, theo Hãng tin BBC. Hôm 12.6, Nga đã đề nghị cách chức ông Joachim Ruecker, người đứng đầu UNMIK, vì ông này chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho một phái bộ của EU mà Nga cho là bất hợp pháp, theo AP. Nga cho rằng UNMIK không thể tự rút ngắn sứ mệnh này và chỉ có HĐBA (nơi Nga có quyền phủ quyết) mới có quyền thông qua việc kết thúc sứ mệnh của UNMIK. "Bất cứ hành động nào có liên quan tới UNMIK hoặc việc thay đổi cơ cấu hiện diện của lực lượng quốc tế tại Kosovo chỉ có thể được thực hiện dựa trên quyết định của HĐBA", Hãng tin Reuters trích dẫn một đoạn trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga. Đây không phải là lần đầu tiên Nga phản đối phái đoàn EU. Còn nhớ, EU cũng đã từng cử một phái đoàn đến Kosovo hồi tháng 2 trước khi lãnh thổ này tuyên bố tách khỏi Serbia nhưng việc triển khai này đã bị ngưng lại do vấp phải sự phản đối của người Nga và Serbia.

Trong khi đó, Reuters cho biết nhà chức trách Serbia hy vọng việc tái tổ chức UNMIK sẽ trao cho họ quyền hạn lớn hơn trong việc quản lý vùng đất phía bắc Kosovo, nơi có đông người Serbia sinh sống. Thế nhưng, một số nhà phân tích lo ngại điều này có thể là bước đầu dẫn tới sự chia cắt ở Kosovo, từ đó có thể tạo nên tình trạng rối loạn an ninh khó có thể lường trước được.

Châu Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.