Tiểu thương "dài cổ" chờ xây chợ

19/06/2008 00:29 GMT+7

Khởi công từ tháng 10.2004, đến nay công trình "chợ mới Tân An" chỉ xây xong được... bộ khung sườn. Đùng một cái, chính quyền quyết định bán khung sườn đó cho một đơn vị khác xây siêu thị.

Chậm rồi bán luôn khung chợ

Để chuẩn bị xây chợ nói trên, từ năm 2001, chính quyền đã chi hàng chục tỉ đồng đền bù giải tỏa 73 hộ dân, san lấp mặt bằng... Theo bản vẽ, ngôi chợ được  thiết kế hiện đại, có cả thang nâng và thang cuốn. Sau khi công trình được khởi công, giữa năm 2005, thị xã Tân An cũng đã trình UBND tỉnh Long An phê duyệt phương án bán 600 quầy sạp. Theo hợp đồng với đơn vị thi công là Công ty Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp), thời gian thi công là 12 tháng, bắt đầu từ 17.10.2004. Nhưng rồi phía thi công luôn trễ hẹn, nhiều lần có văn bản xin gia hạn. Đầu tiên là gia hạn đến 31.7.2006, sau đó lại gia hạn đến 31.12.2006, rồi kéo dài cho đến nay... 

Cách đây 3 năm, ngày 11.8.2005, thường trực HĐND tỉnh Long An đã có văn bản lưu ý: "Những tồn tại, yếu kém trong việc triển khai dự án chợ Tân An chủ yếu là do năng lực của nhà thầu. Ban quản lý dự án phải theo dõi từng hạng mục công trình. Nếu nhà thầu thi công trễ tiến độ thì phải xử lý theo quy định". Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cũng có văn bản nhắc nhở: "Công trình chợ mới Tân An thi công quá chậm, UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nhiều lần nhưng tình hình vẫn không chuyển biến. UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND thị xã Tân An làm việc lần cuối cùng với đơn vị thi công để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư". Tuy nhiên, sự trì trệ vẫn tiếp tục kéo dài.

Điều bất ngờ đối với hàng trăm tiểu thương là vào tháng 6.2007, Chủ tịch UBND tỉnh Long An có văn bản thông báo: "Do ngân sách nhà nước không có khả năng tiếp tục đầu tư hoàn thành công trình chợ mới Tân An nên UBND tỉnh đồng ý cho chuyển nhượng hạng mục nhà lồng chợ, kiến trúc và kết cấu mái công trình này cho Sài Gòn Co.op với giá 20 tỉ đồng để tiếp tục đầu tư. Ngoài số tiền trên, UBND tỉnh giao UBND thị xã Tân An làm việc với Sài Gòn Co.op ứng cho ngân sách thị xã mượn 6,6 tỉ đồng để thanh toán cho đơn vị thi công".

Tiểu thương bán cá ở chợ phường 4 phải đốt đèn cầy vì bị chủ chợ cắt điện - Ảnh: Phấn Đấu

Hơn 500 hộ tiểu thương sẽ đi đâu?

Như vậy, trên 500 hộ tiểu thương đang buôn bán tạm bợ, nhếch nhác chờ được bố trí vào chợ mới sẽ đi đâu? Ông Lê Văn Quốc, Trưởng ban Quản lý dự án chợ Tân An, trả lời: "Theo dự kiến trước đây, sau khi xây chợ xong sẽ ưu tiên cho 73 hộ bị giải tỏa đất được mua sạp. Riêng hơn 400 hộ mua bán ở đường Trưng Nữ Vương (và trên 100 hộ ở các khu vực khác) trước đó bị giải tỏa vì mục đích làm bờ kè chớ không phải vì xây chợ mới. Do vậy, chủ trương của tỉnh và thị xã Tân An là sẽ tiếp tục di dời họ qua chợ tạm ở phường 2". Ông Quốc cũng cho biết: "Trước đây chỉ dự kiến vậy thôi chớ chính quyền không hứa điều gì ngoài việc sẽ ưu tiên cho 73 hộ bị giải tỏa đất được mua quầy sạp. Và để thực hiện lời hứa này, chúng tôi phối hợp với Sài Gòn Co.op vẫn ưu tiên cho họ với điều kiện phải kinh doanh theo đúng mô hình siêu thị hoặc là mỗi hộ được giải quyết một lao động".

Như vậy, hàng trăm hộ đang kinh doanh ở các chợ tạm hiện nay sẽ còn tiếp tục kinh doanh tạm dài dài để chờ chợ phường 2 xây xong. Nhưng chợ phường 2 thì chỉ mới có trên ý tưởng, chưa có dự án, nên không thể biết chừng nào xây xong. Khốn khổ nhất có lẽ là số hộ trước đây kinh doanh ở khu chợ cá trên đường Ngô Quyền, phường 1. Khi bị giải tỏa để làm bờ kè sông Bảo Định, họ được dời tạm về dốc cầu Trương Định, phường 2. Khoảng tháng 9.2007 thì họ tiếp tục bị dời ra chợ tư nhân ở phường 4. Mới đây, ông Năm Xuân (chủ chợ phường 4) yêu cầu các hộ bán cá phải dời đi nơi khác vì ông cần lấy lại mặt bằng. Bà con lại kêu cứu chính quyền và không chịu di dời. Vậy là ông Năm Xuân cắt điện, cắt nước, khiến họ phải sử dụng đèn dầu hoặc chạy máy phát điện để buôn bán vào buổi tối và rạng sáng, tình cảnh hết sức khó khăn.

Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.