Cái bắt tay của hai cường quốc hạt nhân

05/10/2008 23:25 GMT+7

Thỏa thuận lịch sử giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân - Mỹ và Ấn Độ - đã tạo ra những luồng dư luận trái ngược trên thế giới.

Nhu cầu

Sau thời gian đàm phán lâu dài, thỏa thuận hạt nhân dân sự Mỹ – Ấn Độ đã tiến những bước quan trọng khi được cả Hạ viện lẫn Thượng viện Mỹ thông qua. Dự kiến vào giữa tuần này, Tổng thống Mỹ George W.Bush sẽ phê chuẩn thành luật thỏa thuận hợp tác lịch sử trên. Vậy là sau hơn 3 thập niên cấm các quan hệ hạt nhân dân sự với Ấn Độ, cuối cùng người Mỹ đã bắt tay với “gã khổng lồ” đang lên của châu Á.

Trở lại với thời điểm cách đây hơn 30 năm, vào năm 1974, Ấn Độ đã thực hiện vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên của mình ở Pokhran. Vụ thử mang tên Smiling Buddha. Đây là lần đầu tiên một quốc gia ngoài nhóm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ thử vũ khí hạt nhân. Sau sự kiện chấn động này, Mỹ đã cấm các hoạt động hợp tác hạt nhân với Ấn Độ. Thời gian sau đó, bên cạnh việc chạy đua vũ khí hạt nhân với Pakistan, Ấn Độ cũng đã xây dựng được một ngành công nghiệp hạt nhân dân sự khá phát triển, đóng góp lớn vào việc cung cấp năng lượng cho đất nước đông dân thứ nhì hành tinh.

Theo số liệu của Trung tâm Thông tin uranium có trụ sở tại Úc, hiện Ấn Độ có 14 lò phản ứng hạt nhân dân sự và 9 lò khác đang trong giai đoạn thi công. Năng lượng hạt nhân chiếm khoảng 3% lượng điện năng quốc gia. Theo kế hoạch phát triển năng lượng của mình, Ấn Độ dự kiến nâng tỷ lệ năng lượng hạt nhân lên 25% trong tổng điện năng quốc gia vào năm 2050. Trong thời đại mà giá dầu lửa đang đi lên, Ấn Độ rất cần những nguồn năng lượng khác để đáp ứng cơn khát năng lượng của nền kinh tế đang phát triển bùng nổ.

Để đạt được mục tiêu trên, Ấn Độ rất cần hợp tác với các cường quốc hạt nhân có trình độ công nghệ cao hơn, mà Mỹ là một trong số đó. Hợp tác với Mỹ, Ấn Độ không những dễ dàng tiếp cận được công nghệ hạt nhân của cường quốc số 1 thế giới mà còn có thể triển khai dễ dàng các chương trình hợp tác hạt nhân với các nước khác. Ngoài ra, Ấn Độ cũng rất cần nguồn nguyên liệu uranium từ bên ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước. Vì vậy, một thỏa thuận hạt nhân với Mỹ là ưu tiên hàng đầu.

Hợp tác với Ấn Độ cũng là điều mà người Mỹ mong muốn, bởi nếu chậm chân, họ sẽ để mất vị khách hàng khổng lồ này vào tay Pháp, Nga, Anh..., những quốc gia có công nghệ hạt nhân hàng đầu thế giới khác.

Lo ngại

Giới chức hai nước Mỹ – Ấn Độ tỏ ra rất hoan hỉ trước thỏa thuận hợp tác này. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng lạc quan trước cái bắt tay giữa Ấn Độ và Mỹ vì thỏa thuận này cũng cho phép IAEA giám sát một số cơ sở hạt nhân dân sự của Ấn Độ. Tuy nhiên, thỏa thuận trên cũng gây ra nhiều lo ngại.

Hiện Ấn Độ là một trong số ít các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng lại không tham gia vào Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT). Thỏa thuận giữa Mỹ và Ấn Độ, tất nhiên chỉ có hiệu lực đối với khu vực hạt nhân dân sự. Nhưng việc không có một sự ràng buộc nào đối với chương trình vũ khí hạt nhân của Ấn Độ chính là điều đáng lo ngại. BBC dẫn lời chuyên gia hạt nhân Mark Fitzpatrick của Viện Nghiên cứu chiến lược London nói rằng thỏa thuận trên là “một thảm họa cho nỗ lực không phổ biến hạt nhân”. Ông Fitzpatrick cho rằng bước đi này tạo ra cái gọi là “tiêu chuẩn kép” theo hướng có lợi cho Ấn Độ, và rằng các quốc gia như Pakistan, Iran và CHDCND Triều Tiên và thậm chí cả Ai Cập cũng có thể coi đây là cái cớ để thúc đẩy chương trình hạt nhân của mình.

Điều đáng lo ngại nhất - theo ông Fitzpatrick - là thỏa thuận trên có thể khiến Pakistan sợ sẽ bị tụt hậu về công nghệ hạt nhân so với Ấn Độ, trong đó có hạt nhân quân sự. Từ đó làm nảy sinh một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ráo riết hơn. Theo các số liệu mang nhiều tính ước đoán thì hiện Ấn Độ và Pakistan có khoảng 60 - 70 đơn vị vũ khí hạt nhân. Và hai nước có khả năng sản xuất thêm từ 5 - 10 đơn vị mỗi năm. Ấn Độ và Pakistan lại luôn có mối quan hệ căng thẳng. Vì thế bản thỏa thuận giữa Mỹ với Ấn Độ đã làm dấy lên lo ngại sẽ tạo thêm không khí căng thẳng cho khu vực Nam Á.

Mặt khác, dù thỏa thuận giữa Mỹ và Ấn Độ chỉ nằm trong khuôn khổ hạt nhân dân sự, nhưng nó cũng có thể tác động tới khu vực hạt nhân quân sự của quốc gia Nam Á. Chuyên gia Fitzpatrick phân tích: với thỏa thuận trên, Ấn Độ sẽ có thể nhập nhiều nguyên liệu uranium hơn để phục vụ cho sản xuất điện năng. Lúc đó, nguồn uranium trong nước sẽ được dồn nhiều hơn cho mục đích quân sự. Theo ông Fitzpatrick thì bằng cách này, Ấn Độ có thể tăng khả năng tinh chế uranium cho mục đích quân sự lên 5 - 10 lần. Đấy chính là những lý do khiến nhiều người lo ngại, dù giới chức Mỹ và Ấn Độ cũng như các quan chức LHQ hoan nghênh thỏa thuận hợp tác hạt nhân lịch sử nói trên.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.