DN trẻ kết nối, đột phá cùng nâng cao thứ hạng kinh tế của đất nước

14/12/2008 08:28 GMT+7

Sáng nay (14.12), phiên đối thoại giữa đại biểu Hội các nhà Doanh nghiệp trẻ (DNT) Việt Nam với Thường trực Chính phủ đã diễn ra một cách sôi nổi tại hội trường Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội các nhà DNT Việt Nam lần 3. Ở buổi làm việc sáng nay, Hội các nhà DNT đã bầu và ra mắt UBTƯ Hội các nhà DNT Việt Nam nhiệm kỳ 3. Anh Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hội DNT TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Cty gạch Đồng Tâm Long An đã được bầu làm Chủ tịch Hội DNT VN khóa 3 (nhiệm kỳ 2008 - 2011). >> Thư của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội các nhà DNT Việt Nam lần thứ III gửi giới doanh nhân trẻ Việt Nam >> "Doanh nhân trẻ Việt Nam đoàn kết, khát vọng, đột phá, phát triển

Ở ngày làm việc thứ nhất, đại hội đã tiến hành thảo luận về nội dung Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động của Hội nhiệm kỳ 2 và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2008 - 2011. Các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo, chỉ đề nghị: Hội cần tăng cường cập nhật những chính sách, ưu đãi cho những DN vừa và nhỏ; đối với những hội DNT cấp tỉnh có đông thành viên thì nên chia nhỏ thành từng nhóm hội viên khác ngành nghề để tạo sự gắn bó, trao đổi có “chất” và chiều sâu hơn; giải thưởng Doanh nghiệp trẻ và Sao Vàng Đất Việt trong thời gian tới phải vươn ra tầm khu vực và thế giới...

Đại hội cũng đã cho ý kiến và thông qua Điều lệ Hội sửa đổi, trong đó đáng chú ý nhất là việc đổi tên Hội thành “Hội Doanh nhân trẻ VN”. Đại hội cũng đã hiệp thương chọn cử 86 DNT tham gia Ủy ban T.Ư Hội nhiệm kỳ 3 (2008 - 2011).

Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội các nhà DNT Việt Nam lần 3, tối qua (13.12), lễ kỷ niệm 15 năm phong trào DNT VN và trao giải thưởng Sao Đỏ 2008 cũng đã được tổ chức. 7 doanh nhân trẻ tiêu biểu đã nhận giải thưởng Sao Đỏ năm 2008 gồm: Nguyễn Bình Đông - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc (TGĐ) Công ty CP Tập đoàn địa ốc Viễn Đông; Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP quốc tế Sơn Hà; Nguyễn Cảnh Hồng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP cửa sổ nhựa Châu u; Hà Thị Hương - TGĐ Công ty CP khoáng sản và công nghiệp Cao Bằng; Đặng Hồng Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Sài Gòn Thương Tín; Đỗ Thị Thu Hằng - Chủ tịch HĐQT Công ty phát triển KCN Biên Hòa; Tống Quốc Trường - TGĐ Tổng công ty tài chính CP Dầu khí VN.

Ở ngày làm việc thứ 2, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội các nhà DNT Việt Nam lần 3 vinh dự đón ông Nguyễn Sinh Hùng - UV Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ tới dự và sẽ thay mặt Chính phủ đối thoại trực tiếp với các đại biểu Hội các nhà DNT Việt Nam. Đến tham dự phiên đối thoại còn có ông Vũ Trọng Kim - UV TW Đảng, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc VN; ông Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Lê Danh Vĩnh - Thứ trưởng Bộ Công thương; ông Đàm Hữu Đắc - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội; ông Nguyễn Toàn Thắng - Phó thống đốc NHNN Việt Nam; ông Nguyễn Quân - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ; ông Diệp Kỉnh Tần - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Trương Văn Đoan - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư; ông Phạm Văn Phượng - Phó Chủ nhiệm VP Chính phủ...

Tham gia chủ trì phiên đối thoại hôm nay cùng Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng là chị Lâm Phương Thanh - Bí thư thường trực TW Đoàn.

 
UV Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Đại hội. Ảnh K.T.Long

Diễn đàn lần này là cơ hội để các doanh nhân trẻ được trực tiếp nghe thông tin và các ý kiến chỉ đạo quý báo từ các đồng chí lãnh đạo, đồng thời bày tỏ những quan tâm và suy nghĩ của mình về tình hình phát triển kinh tế đất nước, về hoạt động doanh nghiệp và tương lai phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Phiên đối thoại giữa các doanh nhân trẻ với Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng sẽ xoay quanh 3 nội dung chính:

  • Hội nhập kinh tế quốc tế: Thách thức, cơ hội và những định hướng cho doanh nghiệp VN; các giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do khủng hoảng tài chính toàn cầu.
  • Môi trường kinh doanh: Vai trò của Hội doanh nghiệp trẻ VN trong tham gia xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch.
  • Phát triển đội ngũ doanh nhân trẻ VN: Mục tiêu, vai trò của doanh nhân trẻ và biện pháp phát triển đội ngũ doanh nhân trẻ VN.

Mở màn cho cuộc đối thoại, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã có các gợi ý để các DN trẻ có thể cùng nhau đối thoại, tìm nhiều phương án cho 3 năm hành động sắp tới để vượt qua khó khăn.

Theo Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, 15 năm không dài nhưng Hội DNT đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, lẫn chất lượng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Những lớp doanh nhân nối nhau trở thành làn sóng khát vọng, làm giàu cho chính mình, gia đình và cộng đồng, giúp đất nước sánh vai được các cường quốc. Làn sóng khát vọng đó không chỉ có ở các doanh nhân mà còn là của toàn dân tộc. Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cho rằng doanh nghiệp trẻ phải là đội quân chủ lực trong công cuộc đổi mới và là lực lượng quan trọng trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế. Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh 3 năm trước đây cũng là thời gian đặc biệt khó khăn. Chính vì vậy mà quyết tâm của đại hội là cùng đất nước vượt qua thách thức. Chuẩn bị hành trang thực thi chiến lược 10 năm 2011 - 2020 mà Đại hội Đảng đã đề ra. Các DN trẻ phải giữ vai trò tiên phong, phát huy cao độ sự năng động, tạo ra đột phá trong việc phát triển đất nước.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta luôn xem tính cạnh tranh và phát triển là yếu tố hàng đầu. Đặc điểm cạnh tranh khốc liệt đã được Hội DNT phát hiện, thế nên giữa Chính phủ và các doanh nghiệp sẽ cùng đoàn kết để thực thi cạnh tranh bình đẳng, cùng phát triển.

Phó thủ tướng yêu cầu, trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đòi hỏi mỗi DN phải gồng mình để chiến thắng trên sân nhà, trong khu vực. Vươn ra để nắm bắt sức mạnh thời cuộc, từ đó tranh thủ tối đa thuận lợi của thương trường, sức mạnh cộng đồng của quốc tế để có thể hội nhập, chiến thắng và phát triển. Các DN phải là những người chiến thắng trong công cuộc hội nhập đang ngày càng mở rộng. Khó khăn và thuận lợi cùng xuất hiện nhưng các DN nên xem thuận lợi là cơ bản. Mong các DN sẽ tìm ra những phương pháp đối thoại để bàn về vấn đề này.

Sự nghiệp xây dựng một DN là lâu dài nhưng 3 năm của nhiệm kỳ này là rất nặng nề vì những khủng hoảng kinh tế... Những ảnh hưởng đó đã có thể nhìn thấy được ở nhiều lĩnh vực, tác động mãnh liệt đến nền kinh tế. Nhiều khó khăn như xuất khẩu bị hạn chế, giảm nhập siêu, sản xuất kinh doanh đình đốn, mất việc làm... ảnh hưởng đáng kể đến đời sống xã hội. Vấn đề hiện nay là các DNT phải tìm ra giải pháp để Chính phủ cùng các doanh nghiệp để hành động quyết liệt, theo bài bản thống nhất để vượt qua khó khăn ngắn hạn này.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, gói kích cầu tổng thể đã được Chính phủ đưa ra nhưng đòi hỏi tất cả vẫn phải hành động, hành động một cách khẩn trương, kịp thời.

Ngay sau phần phát biểu đề dẫn của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng là ý kiến của doanh nhân Cao Tiến Vị, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty giấy Sài Gòn. Anh cho rằng, hiện nay Việt Nam và thế giới nằm trong cuộc khủng hoảng toàn cầu. "Như chúng tôi biết tại Trung Quốc, chính quyền đã có những chính sách đặc biệt từ tháng 6 đến tháng 11 về thuế, vốn để giúp cho các doanh nghiệp của họ vượt qua khó khăn. Chúng tôi muốn hỏi Chính phủ đã, đang và sẽ làm gì, giải pháp và có những chính sách gì để giúp đỡ các doanh nghiệp trong nước nhất là các doanh nghiệp trẻ?", doanh nhân Cao Tiến Vinh đặt câu hỏi.

 
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch kiêm TGĐ tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch hội Doanh nghiệp trẻ TP Hà Nội đang đặt câu hỏi - Ảnh: T.Sơn

Riêng doanh nhân Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch kiêm TGĐ tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch hội Doanh nghiệp trẻ TP Hà Nội lại phát biểu hết sức tâm huyết. Anh cho biết: “Trong thời kỳ gặp nhiều khó khăn lớn như giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, các tỉnh thành chưa có các cuộc tọa đàm sâu sắc để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn. Những lúc khó khăn này, doanh nghiệp tư nhân cảm thấy hơi không được vui vì không thấy có được sự trợ giúp kịp thời. Việt Nam rất cần những đầu tàu, những hạt nhân, việc tạo ra các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước thì được hỗ trợ, những nỗ lực tạo ra các tập đoàn kinh tế tư nhân thì chưa được như thế. Chúng ta cần công bằng, sự đóng góp của thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế Nhà nước, chúng ta cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để tạo thành các tập đoàn lớn. Doanh nghiệp tư nhân có thể làm được những điều doanh nghiệp Nhà nước đang làm. Chúng tôi rất mong muốn có nhiều cơ hội để có thể có cơ hội đóng góp với đất nước. Chúng tôi đang trông chờ vào sự đột phá. Những lúc như thế này, việc đột phá là rất cần sự định hướng, chỉ đạo và hỗ trợ của Chính phủ. Chúng ta cần những Hội nghị Diên Hồng để hiến kế, phát triển đất nước”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã giải đáp những thắc mắc vừa nêu của các doanh nghiệp. Ông cho biết, chính sách của Chính phủ là bình đẳng với mọi thành phần kinh tế và luôn tìm mọi biện pháp để đẩy nhanh thủ tục hành chính. Vấn đề là phải với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp trẻ. Có thể chỗ này chỗ kia còn khi chưa bình đẳng với các doanh nghiệp, Chính phủ sẽ tiếp thu để sửa đổi, sao cho mọi chính sách đến được với các DN. Vừa qua Chính phủ đã thực hiện được một số biện pháp, những việc chúng ta đã làm được như đẩy mạnh kích cầu ở nhưng sản phẩm chọn lọc như: công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện… Nhiều công trình hạ tầng xã hội đang được phát triển để từ đó kêu gọi đầu tư và tạo ra kích cầu cho sản xuất phát triển. Chúng ta cũng đẩy mạnh các biện pháp để đảm bảo an sinh xã hội, để hỗ trợ các đối tượng khó khăn, tạo điều kiện để sản xuất kinh doanh phát triển..

 
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đang giải đáp những vấn đề mà các đại biểu nêu ra. Ảnh T.Sơn

Những tháng gần đây, việc kìm chế lạm phát đã có kết quả, Chính phủ đã liên tục 4 lần hạ lãi xuất ngân hàng, đây là biện pháp để giảm chi phí đầu vào của sản xuất. Chúng ta cũng có chính sách cho người sản xuất ra sản phẩm, nhất la sản xuất ra lương thực, thực phẩm, những ngành nghề đem lại giá trị xuất khẩu hàng hóa cao. Tất cả đều được thực hiện chính sách tín dụng, tài chính và tạo điều kiện thuận lợi. Do đó, tốc độ sản xuất kinh doanh và lượng hàng hóa xuất khẩu của VN vẫn tăng.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, sắp tới các biện pháp kích cầu của Chính phủ sẽ thực hiện quyết liệt hơn, khẩn trương hơn. Chúng ta sẽ tăng thêm vốn để đầu tư vào các lĩnh vực nhà ở cho các đối tượng xã hội, dân nghèo... Chúng ta sẽ giải quyết các vấn đề hạ tầng, trong đó ưu tiên giao thông, thủy lợi, ưu tiên trường học, bệnh viện, nhất là trường học bệnh viện ở các vùng khó khăn. Chúng ta sẽ gia tăng vốn để đảm bảo đào tạo nghề. Chương trình đào tạo 1 triệu lao động nông thôn và chương trình kích cầu tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên vay ưu đãi để học nghề, học cao đẳng, đại học để đào tạo rèn nghề đi xuất khẩu lao động nước ngoài; để đào tạo ra những thành phần lao động có thể tham gia sản xuất nông nghiệp lớn, làm công nghiệp, dịch vụ... Riêng về tài chính tín dụng sẽ có chính sách quan trọng như giảm thuế, lùi nộp thuế, VAT sẽ hoàn trước kiểm sau, thuế xuất khẩu sẽ lùi thời hạn nộp thuế, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có mức giảm cao hơn, ưu tiên nhiều hơn.

Chính phủ sẽ tiếp tục hạ lãi suất, tạo điều kiện giữ ổn định các ngân hàng, ngân hàng đang thừa vốn khả dụng. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ vay hơn nhưng vay sao làm ăn hiệu quả để cả doanh nghiệp và ngân hàng cùng sống và phát triển. Chính sách tiền tệ sẽ có 1 bước nới lỏng cần thiết để các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Chính phủ không phân biệt tín dụng, thuế khóa giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Ông khẳng định doanh nghiệp tư nhân là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng thừa nhận rằng, công cuộc cải cách hành chính chưa đủ thành công để giải phóng năng lực của tất cả các thành phần kinh tế. Cải cách hành chính là một công cuộc lâu dài và chúng ta cần phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Trong gói giải pháp kích cầu lần này, một trong những mục tiêu là Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian làm các thủ tục như cấp phép, cấp đất, thuế khóa... để sao cho các thủ tục từ vài chục bước chỉ còn dăm ba bước, từ vài năm đến còn mấy tháng. Đây là biện pháp làm sao đưa sức mạnh, đưa tiền vào cuộc sống một cách nhanh nhất.

Nhân dịp Đại hội và kỷ niệm 15 năm phong trào DNT Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có bức thư tràn đầy tình cảm và tâm huyết gửi đến doanh nhân trẻ. Chủ tịch dặn dò:

“Đất nước ta còn đang rất nghèo, nghèo so với nhiều nước trên thế giới, nghèo so với tiềm lực của chính mình và đòi hỏi sự nỗ lực vươn lên của mỗi người Việt Nam chúng ta. Tôi đã có một thời gian đầy ắp những kỷ niệm tuổi trẻ khi còn làm công tác thanh niên. Kinh nghiệm từ quãng thời gian công tác đó và từ niềm tin sâu thẳm trong tôi, tôi thấy thế hệ trẻ năng động và sáng tạo luôn luôn là động lực vô bờ bến cho sự phát triển của đất nước, dân tộc. Đó là một tiềm năng to lớn cần khai thác, phát huy trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”…

…Các bạn đang ở thời điểm rất hạnh phúc. Hạnh phúc bởi các bạn đang rất trẻ. Tương lai thuộc về các bạn. Hạnh phúc vì đất nước đang từng ngày từng giờ đổi mới để tiến kịp với bè bạn năm châu. Hạnh phúc vì giới doanh nhân ngày càng được Đảng và Nhà nước tin cậy, được nhân dân ngưỡng mộ và ủng hộ. Hạnh phúc bởi các bạn đã có 15 năm trải nghiệm và phát triển”.

Ông Trần Đình Hạ - Chủ tịch DNT Lai Châu cho rằng, VN đang có một số dự án hiệu quả để phát triển đất nước như năng lượng, cầu cảng nhưng tiếp cận các nguồn vốn vay trung và dài hạn tại các Ngân hàng (NH) là rất khó khăn. Vậy Chính phủ sẽ giúp các DN tiếp cận nguồn vốn bằng những giải pháp nào? Nếu tiếp cận nguồn vốn với nước ngoài cần Chính phủ hay các NH bảo lãnh thì có được hay không ?

Liên quan đến vấn đề về vốn, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Toàn Thắng trả lời trực tiếp.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, do khủng hoảng tài chính thế giới khiến các DN gặp một số thách thức. Những lúc này thì DN và ngân hàng cần hợp lực để vượt qua khó khăn. Các DN cần có sự tăng cường liên kết cả chiều dọc và chiều ngang: từ cung ứng đầu vào đến phân phối sản phẩm; và cả việc chia sẻ kinh nghiệm phân phối cung cầu.

Ông Thắng cho biết: “Hiện tại, các DN đang rất quan tâm vấn đề tiếp cận vốn của NH và Ngân hàng Nhà nước đã có một số biện pháp về vấn đề này. Về vĩ mô, chúng ta thi hành chính sách tiền tệ chặt chẽ nhưng vẫn linh hoạt, tạo môi trường bình đẳng chung cho tất cả các DN. Hiện lãi suất đang giảm dần để DN tiếp cận vốn vay dễ hơn; sau 4 lần giảm thì lãi suất của các NH trong nước đang ở mức 13 - 14,5%/năm. NHNN cũng chủ trương phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để tạo điều kiện hỗ trợ cho DN tiếp cận vốn”.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cũng cho biết một số biện pháp cụ thể trong thời gian tới là: chú ý cho vay đối với các DN vừa và nhỏ, các dự án có hiệu quả khả thi, sản xuất nông nghiệp nông thôn... Đối với khoản vay không trả nợ đúng hạn do tác động của khủng hoảng, Thống đốc NHNN cũng cho biết đã có phương án để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Ngân hàng cũng tiếp tục lắng nghe ý kiến của DN để tháo gỡ khó khăn, cụ thể là vừa qua NHNN đã thành lập 2 tổ công tác xử lý khó khăn cho DN vừa và nhỏ trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM. Qua đó, xem xét từng vấn đề khó khăn cụ thể của DN, đề xuất phương án giải quyết và tiếp tục cải tiến quy trình nghiệp vụ trong vay vốn.

Riêng về ý kiến đặt ra về bảo lãnh vốn vay đối với nước ngoài, ông Thắng cho biết các NH có thể thực hiện được nhưng vẫn tùy thuộc vào quy mô của từng dự án để xem xét từng trường hợp cụ thể.

Như để khẳng định cho sự hỗ trợ tối đa đối với DN trẻ, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định ngay sau đó: “Tôi tái khẳng định vốn không thiếu, chúng ta nên cải cách thủ tục hành chính cho vay nhưng các dự án phải có hiệu quả. NHNN phải tổ chức gặp gỡ tại địa phương để tìm hiểu về các dự án một cách cụ thể, xúc tiến việc tạo điều kiện vay vốn.

Chính phủ chỉ đạo NH sẵn sàng bảo lãnh cho các dự án đầu tư được hiệu quả hay Bộ tài chính bảo lãnh, thẩm quyền thuộc các Tổng giám đốc NH, cao hơn là NHNN và Bộ tài chính. Năm 2009, Chính phủ cũng đã có chính sách bảo lãnh vốn vay của nước ngoài sẽ là từ 1,5 - 2 tỉ USD”.

Trở lại câu hỏi của đại biểu đoàn Lai Châu về việc hiện tại một số DN VN đã và đang đầu tư nước ngoài, Chính phủ và các Bộ, Ngành có những giải pháp gì giúp DN đầu tư ra nước ngoài ?

Ông Trương Văn Đoan, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết: “Trong luật đầu tư, chúng ta có hẳn một chương về đầu tư ra nước ngoài. Các doanh nghiệp có thể dựa vào đó để định hướng. Trong đó có quy định các lĩnh vực khuyến khích đầu tư và các lĩnh vực cấm đầu tư ra nước ngoài. Chúng ta có một nghị định cam kết khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Một điều quan trọng nữa là chúng ta có những quy định pháp lý về tài chính, ngân hàng mà các doanh nghiệp muốn đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ.

Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài ở khoảng 10 nước. Trong đó, nhiều nhất là ở Lào, với khoảng 700 triệu USD, sau đó là Nga, Angieri, Đông u… Ước tổng vốn đầu tư ra nước ngoài là khoảng hơn 1 tỉ USD. Hiện giờ, chúng ta đã cử tham tán về đầu tư ra 9 nước mà chúng ta cho là thị trường quan trọng, tiềm năng”.

Ông Đoan cũng nhận định trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài cũng có một số khó khăn. Thứ nhất, đây là lĩnh vực mới, dù luật đầu tư cũng có một chương nhưng chưa đủ; luật pháp quy định chưa thật sự đầy đủ. Thứ hai là chưa có đủ thông tin với các đối tác nước ngoài. Thứ ba, rào cản khá lớn đối với một số nước hiện các doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư chính là sự khác biệt giữa luật lệ và thực tế. Thế nên doanh nghiệp muốn đầu tư phải am hiểu thị trường, am hiểu tập quán chính trị.

Ông Đoan cũng thừa nhận, hiện chúng ta chưa có một chính sách hiệu quả về mảng đầu tư ra nước ngoài. Có một số dự án nhỏ, có khi chỉ 300 - 400 ngàn USD, nhưng bấy nhiêu đó cũng là quan trọng, vậy mà các dự án đó lại thiếu những chăm chút, khiến cho các DN thấy “cô độc”. Có nhà đầu tư nói rằng: “Chúng tôi chuyển về hàng triệu USD, nhưng khi muốn chuyển 300 ngàn USD ra nước ngoài  mua cửa hàng, xưởng sản xuất thì chúng tôi gặp khó khăn”. Chúng ta hiện vẫn chưa có định hướng về các ngành, các lĩnh vực một cách rõ ràng; trừ Lào chúng ta có một số định hướng như thủy điện, cao su…

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Chính sách cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đã có, Bộ Kế hoạch Đầu tư và các Bộ Ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện để hỗ trợ thuận lợi cho các doanh nghiệp. Đến nay, chúng ta đã ký khoảng 100 hiệp định đầu tư với các nước trên khắp nước, và chúng ta cũng đã có khoảng hơn 100 hiệp định chống đánh thuế hai lần. Đây là cơ sở để bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam ra đầu tư ở nước ngòai. Chính phủ cũng tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngòai cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước… đưa các doanh nghiệp tham gia các diễn đàn để trao đổi, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Chúng ta cũng cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia tổ chức triển lãm ở nước ngoài, cho nước ngoài vào triển lãm ở Việt Nam. Đó là môi trường tốt để doanh nghiệp hòa nhập và tìm cơ hội. Đầu tư ra nước ngoài cũng cần có sự am hiểu, đoàn kết thì chúng ta mới có thể thành công. Ngay cả nông thôn, chúng ta sẽ đưa nông dân Việt Nam ra nước ngòai, góp phần làm giàu cho mình và bình ổn an ninh lương thực toàn thế giới”.

 
Lãnh đạo Bộ Ngành đang giải đáp những vấn đề mà các đại biểu nêu ra. Ảnh T.Sơn

Hội trường tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình dường như “nóng” hơn khi một DN trẻ đã đề cập thẳng vào vấn đề thời sự hiện nay xoay quanh giải pháp kích cầu 1 tỉ USD mà Chính phủ vừa đưa ra.

Doanh nhân này cho biết, việc giải ngân gói kích cầu này nếu chỉ được thực hiện tại Ngân hàng Đầu tư phát triển thì nên xem xét lại. Bởi nếu giải ngân nhanh thì dễ mất tiền, nhưng lâu quá thì sẽ không còn giá trị? Ngoài ra, đa số các phương pháp kích cầu đều tập trung sử dụng vào dự án cầu đường, nhà ở... mà xuất khẩu tiêu dùng không thấy. Trong khi đó, đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ lại nằm trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng. Doanh nhân này cũng mạnh dạn kiến nghị Chính phủ có thể hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ một phàn trong gói kích cầu vừa nêu hay không?

Giải đáp thắc mắc này, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh rằng, không hề có chuyện chỉ có một Ngân hàng Đầu tư phát triển thực hiện việc giải ngân dự án này. Tính toán tổng thể của Chính phủ về việc thực hiện gói kích cầu nêu trên sẽ phải bao gồm từ nhiều nguồn. Hiện nay Chính phủ đã thực hiện chính sách miễn giảm, hoãn chậm việc thu thuế đối với các doanh nghiệp. Thay vì nộp nhanh thì sẽ được miễn giảm, giúp các doanh nghiệp sử dụng chính đồng vốn của mình để đầu tư. Đó là một trong những chính sách để kích cầu hỗ trợ cho chính các DN.

Ngoài ra, còn có việc sử dụng Quỹ dự trữ Nhà nước của Chính phủ để đầu tư ra bên trong lẫn bên ngoài. Các lĩnh vực đầu tư sẽ chủ yếu để hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh tiêu thụ sản phẩm. Làm vậy để kích cả cung lẫn cầu. Từ đây đến cuối tháng, Chính phủ sẽ có nghị quyết cụ thể về vấn đề này và công bố cụ thể. Đây cũng là chính sách của Chính phủ hỗ trợ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ đã làm việc với các tỉnh, thành địa phương và các ngành để triển khai một cách bản, tránh thất thoát. Đồng thời cũng công bố luôn thời gian thực hiện dự án kích cầu này được nhanh chóng thực hiện”.

Riêng đại biểu Phan Đình Tuệ - Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Đắk Lắk lại đặt ra những vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Anh cho rằng: “Chúng ta biết là thời kỳ này đang xảy ra khủng hoảng toàn cầu, khó khăn về kinh tế trong nước nhưng tôi nghĩ là chúng ta không nên quá lo lắng mà nên hy vọng và thấy đây cũng là cơ hội để phát triển. Các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta hiện nay đem lại kim ngạch xuất khẩu đạt 15 tỉ đô la trong năm 2008, tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp hiện nay chưa bền vững. Bài toán phòng ngừa rủi ro cho các sản phẩm này hiện nay vẫn chưa có, giá nông phẩm lúc lên rất cao, lúc rớt giá thê thảm. Tôi mong Chính phủ xem xét đưa ra những giải pháp cụ thể thành lập những quỹ bảo hiểm cho các sản phẩm nông nghiệp ?”.

Những vấn đề mà anh Phan Đình Tuệ đặt ra cũng là nỗi ưu tư của nhiều doanh nghiệp có mặt tại diễn đàn. Đồng cảm với nỗi lo đó, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ: “Về bảo hiểm cho các sản phẩm nông nghiệp, hiện nay chúng đang xúc tiến xây dựng quỹ bảo hiểm cho cây cà phê, cao su, cây lúa. Nhà nước sẽ tiếp tục thúc đẩy hình thành cơ chế bảo hiểm này. Chúng ta dùng nhiều biện pháp không chỉ là bán bảo hiểm mà còn cần xây dựng thêm nhiều kho dự trữ, bảo quản các loại sản phẩm nông nghiệp có thêm thời gian để đảm bảo thế mạnh của những sản phẩm này.

Hiện này Chính phủ đã có chính sách về lãi suất hỗ trợ nông dân, nông nghiệp. Doanh nghiệp trẻ cần đi vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Về phía Chính phủ sẽ tạo cơ chế chính sách đủ mạnh để các doanh nghiệp tiếp cận sâu hơn nữa vào khu vực này”.

Giám đốc doanh nghiệp bảo hiểm Toàn cầu khu vực Tây Bắc, thuộc Đoàn DN tỉnh Sơn La đặt vấn đề: “Hiện nay, một số tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa có năng lực cạnh tranh rất thấp. Nhiều doanh nghiệp thuộc các địa phương này năng lực cạnh tranh cũng không cao. Tôi xin hỏi Chính phủ có phương hướng, giải pháp gì để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp? Việc cải cách thủ tục hành chính ở các địa phương sẽ được làm như thế nào? Sao Chính phủ không làm thí điểm ở một tỉnh để tập trung đưa năng lực cạnh tranh của tỉnh này từ thấp lên trung bình?”.

Một vấn đề khác cũng được đại biểu này đặt ra đó là, trong gói giải pháp kích cầu của Chính phủ chưa quan tâm nhiều đến ngành bảo hiểm. Hiện chúng ta chưa có chính sách hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm đến với người dân, đặc biệt là nông dân. Đại biểu này đơn cử, tại sao chúng ta không có chính sách cho doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra dịch vụ bảo hiểm cho sản phẩm nông nghiệp chẳng hạn. 

Giải đáp ưu tư này, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết: “Việc nâng cao năng lực cạnh tranh là việc chung của đất nước, của nền hành chính quốc gia. Công tác quản lý nhà nước đang được cải cách và sẽ tiếp tục được làm ở toàn quốc. Trọng tâm năm nay là Chính phủ hoàn thiện thể chế để phù hợp với thông lệ quốc tế, thứ hai là tập trung cải cách thủ tục hành chính, trong đó tập trung vào cải cách thủ tục cấp đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, tín dụng, ngân hàng… Đó là các vấn đề quan trọng liên quan đến doanh nghiệp, đến người dân.
 
Để nâng cao năng lực cạnh tranh còn nhiều điểm khác nữa, như đào tạo để nâng cao năng lực nguồn nhân lực… Ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, chúng ta tạo điều kiện cho các cháu không chỉ được học miễn phí, mà còn phải tạo điều kiện cho các cháu có ăn, có mặc thì các cháu mới học. Không chỉ học phổ thông mà cả đào tạo nghề, đào tạo việc làm… Bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở cần phải cải tiến.

Về việc hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm, tôi cho rằng vấn đề được nêu ra rất xác đáng, đề nghị Bộ Tài chính lưu ý. Chúng ta khuyến khích các nhà kinh doanh bảo hiểm hỗ trợ nông dân, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia bảo hiểm cho các sản phẩm nông nghiệp. Chúng ta sẽ hỗ trợ cho người thụ hưởng bảo hiểm này, để họ có kinh phí để tham gia bảo hiểm. Chúng tôi đang khuyến khích Bảo Việt rồi HSBC tham gia bảo hiểm cho các sản phẩm nông nghiệp, kể cả bảo hiểm tự nguyện con người cho nông dân, bảo hiểm hưu trí, y tế… Bên cạnh đó, chúng ta khuyến khích các loại hình bảo hiểm cùng phát triển”.
 
Anh Bùi Minh Lực, Chủ tịch hội Doanh nghiệp trẻ Yên Bái đặt vấn đề, đa số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, chúng ta đang thua trên sân nhà, đặc biệt là lĩnh vực bán lẻ. Ngay tại thủ đô Hà Nội, chúng tôi chưa thấy một doanh nghiệp nào có quy mô lớn như Metro và Big C. Trong các lĩnh vực về bất động sản và tài nguyên khoáng sản, các doanh nghiệp VN đang rất khó khăn khi tiếp cận, nhất là vốn. Làm thế nào để 10 năm hay 20 - 30 năm nữa, chúng ta sẽ có doanh nghiệp lớn phân phối hàng cho trong nước và đưa ra thế giới.

Đề cập đến vấn đề vừa nêu, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh cho biết: “Theo cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO, từ 1.1.2009, chúng ta mở cửa thị trường bán lẻ cho doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta chưa mở cửa ngay với một số mặt hàng như sắt thép, phân bón, xi măng, xăng dầu, kim loại quý…

Riêng về việc làm sao để phát triển các doanh nghiệp phân phối của Việt Nam thì theo tôi điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Viêt Nam; môi trường pháp lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam gia nhập thị trường, chúng ta có cơ chế chính sách hợp lý để kiểm tra, điều tiết thị trường; môi trường vĩ mô ổn định; thay đổi kết cấu hạ tầng; chất lượng nguồn nhân lực. Thêm vào đó, chúng ta làm sao khai thác tối đa kết cấu hạ tầng và nhân lực. Tôi cho rằng đây là giải pháp tổng thể, cần nỗ lực của cả Trung ương và địa phương, đặc biệt là nỗ lực của các doanh nghiệp”.
 
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh thêm: “Về thị trường bán lẻ và các doanh nghiệp phân phối là vấn đến lớn đáng lưu tâm. Chính phủ và Bộ Công thương đang tiếp tục đưa ra chính sách để phát triển thị trường phân phối, từ lúa gạo đến hàng hóa tiêu dùng. Chúng ta phải phát triển nhanh nếu không sẽ bị thua thiệt. Bộ Công thương, các địa phương, doanh nghiệp cần có nỗ lực, các doanh nghiệp cần phải cố gắng vì đây là lĩnh vực sinh lời, thậm chí sinh lời rất cao”.

Vẫn còn rất nhiều câu hỏi, nhiều ưu tư được đặt ra ở diễn đàn đối thoại sáng hôm nay. Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng thời gian 100 phút đã trôi qua nhưng tất cả dường như vẫn không muốn dừng lại. Các DN vẫn đang muốn nói mà Chính phủ và các Bộ, Ngành vẫn đang muốn nghe và ngược lại. Chính vì đây là cơ hội để tất cả gặp nhau ở cùng một mục tiêu và quan điểm. Nhà nước và các DN sẽ còn phải hợp tác tốt hơn, thông qua nhiều hình thức và phải thực hiện một cách bền bĩ để những người thiết kế chính sách hiểu được tâm tư nguyện vọng của các DN. Chính sách tốt phải đi vào cuộc sống và các DN phải đưa hơi thở cuộc sống vào chính sách hiện hữu. Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng rằng Hội Doanh nghiệp trẻ VN là một cơ cấu tổ chức kết nối các DN với nhau, kết nối với các cơ quan Chính phủ được tốt hơn, mà phiên diễn đàn đối thoại hôm nay là một minh chứng.

Sau phần đối thoại đầy sôi nổi, anh Trần Bá Dương đã công bố danh sách Ủy ban TW Hội các nhà DNT Việt Nam nhiệm kỳ 3 gồm 86 đại biểu, trong đó có 25 đại biểu thuộc Đoàn Chủ tịch.

Anh Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hội DNT TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty gạch Đồng Tâm Long An đã được bầu làm Chủ tịch mới Hội Doanh nghiệp trẻ VN khóa 3 (nhiệm kỳ 2008 - 2011). Các Phó Chủ tịch: Nguyễn Mạnh Cường - Phó trưởng ban Mặt trận thanh niên TW Đoàn; Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Hội DNT Hà Nội; Lê Hữu Hoàng - Chủ tịch Hội DNT Khánh Hòa; Mai Hữu Tín - Chủ tịch Hội DNT Bình Dương; Tống Quốc Trường - Công ty dầu khí VN.

Dịp này Thủ tướng Chính phủ cũng đã trao tặng bằng khen cho các anh chị Ủy viên UBTƯ Hội các nhà DNT Việt Nam nhiệm kỳ 2.

DOANH NHIỆP TRẺ KẾT NỐI, ĐỘT PHÁ CÙNG NHAU NNG CAO THỨ HẠNG KINH TẾ CỦA ĐẤT NƯỚC

Chúng ta đang ở một đất nước giàu có nhưng lại rất nghèo. Giàu có bởi đất nước chúng ta ở một vị trí địa lý thuận lợi cho việc thông thương trong nền kinh tế toàn cầu hóa; giàu có vì dân tộc chúng ta có một nền văn hóa hàng nghìn năm lịch sử với những ý chí vươn lên quật cường; giàu có vì người dân Việt Nam vốn có tiếng về trí thông minh, sự cần cù và tính thích nghi cao; giàu có vì một nền kinh tế trẻ với một đội ngũ doanh nhân trẻ hùng hậu…

Song đất nước chúng ta lại đang rất nghèo. Lòng tự hào dân tộc của chúng ta luôn luôn bị xúc phạm bởi thứ hạng kinh tế của đất nước luôn luôn nằm ở top cuối trong gần 200 nước và khu vực; nghèo ở chỗ nhiều nguồn lực tài nguyên của đất nước được xuất ra nước ngoài ở dạng thô với tỷ suất sinh lời rất thấp; nghèo ở chỗ nguồn nhân lực trẻ không được đào tạo đến nơi đến chốn để có thể tạo ra một năng suất lao động cao; nghèo ở chỗ một đội ngũ quản lý doanh nghiệp còn đang ở mức sơ khai trong khi cuộc cạnh tranh toàn cầu đang tràn ra trước mặt…

Có lẽ không ai khác ngoài chúng ta, những người chủ tương lai của nền kinh tế đất nước, phải coi cái nghèo ấy là nỗi nhục mà chúng ta phải rửa. Chúng ta phải đoàn kết để tạo nên sức mạnh mới. Chúng ta phải đầy khát vọng để có thêm ý chí vươn lên. Chúng ta phải có những bước đột phá để đạp đổ những gì trì trệ. Chúng ta phải phát triển vì bản thân giới doanh nhân trẻ chúng ta và vì niềm tự hào của người mẹ Việt Nam vô cùng yêu quý.

Phong trào DNT Việt Nam ra đời đến nay đã được 15 năm. Từ một Câu lạc bộ DNT Việt Nam được thành lập năm 1993 với vài chục thành viên, đến nay Hội đã có trên 7.000 hội viên. Tuy con số chưa phải là nhiều so với trên 500 nghìn doanh nhân trẻ trong cả nước, song các thành viên của Hội đã và đang nỗ lực hết sức mình để trở thành một trung tâm tập hợp sức mạnh của giới doanh nhân trẻ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Với tinh thần “Đoàn kết - Khát vọng - Đột phá -Phát triển”, Đại hội kêu gọi các doanh nhân trẻ Việt Nam ở trong nước và trên thế giới hãy cùng nhau kết nối trong phong trào DNT Việt Nam, cùng nhau tạo ra những đột phá vượt qua các khó khăn, vững vàng phát triển, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu, đẹp.

Với sự ủng hộ và hỗ trợ mạnh mẽ hơn bao giờ hết của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước, với sự tin cậy và tôn vinh của đông đảo tầng lớp nhân dân, với sự tự tin và đầy lòng khát vọng của tuổi trẻ, hơn bao giờ hết, giới doanh nhân trẻ chúng ta đã đến lúc phải gánh vác trọng trách góp phần đưa nền kinh tế đất nước trở nên hùng mạnh để có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ước vọng của Bác Hồ kính yêu.

Giới doanh nhân trẻ chúng ta hãy đoàn kết, chung một ý chí, một khát vọng cao cả để dấn thân vào con đường đầy gian nan song cũng tràn đầy hạnh phúc ấy.

Trích Thư của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội các nhà DNT Việt Nam lần thứ III gửi giới doanh nhân trẻ Việt Nam

Nhóm PV Thanh Niên Online (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.