Khó huy động vốn từ chứng khoán

14/12/2008 23:58 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán (TTCK) sụt giảm mạnh đang mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn. Nhưng trên thực tế, việc huy động vốn từ chứng khoán thời điểm này cực kỳ khó.

Hủy kế hoạch

Công ty cổ phần (CTCP) vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) vừa chính thức công bố hoãn kế hoạch triển khai chào bán cổ phiếu để tăng vốn. Trước đó, TSC đã nhận được giấy phép chào bán 7.887.085 cổ phiếu, trong đó chào bán 300.000 cổ phiếu cho ban điều hành và chương trình thu hút nguồn nhân lực, 3.087.085 cổ phiếu thông qua đấu giá và 4.500.000 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu tình hình TTCK, TSC nhận thấy đây không phải là thời điểm thuận lợi cho việc phát hành thêm cổ phiếu nên đã hoãn cho tới khi “điều kiện thuận lợi”.

Trước đó, CTCP cơ khí điện Lữ Gia (LGC) phải hủy kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu cho đối tác chiến lược và cán bộ công nhân viên. Theo kế hoạch được Hội đồng quản trị LGC thông qua, công ty sẽ chào bán 469.490 cổ phiếu, trong đó đối tác chiến lược là 350.000 cổ phiếu và cán bộ công nhân viên là 119.490 cổ phiếu, nhưng kế hoạch này không thành vì thị trường không thuận lợi.

CTCP bảo hiểm Viễn Đông cũng đã phải xin ý kiến cổ đông về việc hủy bỏ phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 300 tỉ đồng lên 600 tỉ đồng, dù đã chốt danh sách phát hành. Theo phương án, cổ đông hiện hữu được mua cổ phiếu phát hành thêm theo tỷ lệ 10:4, với giá bằng mệnh giá, nhưng suốt thời gian dài giá cổ phiếu của công ty trên thị trường tự do chỉ xoay quanh 6.000 - 7.000 đồng/CP. Vì thế, phương án phát hành không thể thực hiện được. Công ty này chỉ tiếp tục phát hành 16,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, với giá không thấp hơn mệnh giá, trong khi kế hoạch ban đầu là không thấp hơn 20.000 đồng/CP.

Hàng loạt công ty khác cũng đang đứng trước khó khăn về việc phát hành thêm, như Tổng công ty xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam, CTCP đầu tư và thương mại DIC... với cùng một lý do: thị trường không thuận lợi.

Thị trường "biếng ăn"

Đó là nhận định của ông Huy Nam, chuyên gia chứng khoán về tình trạng khó thành công của việc phát hành thêm hiện nay. “Khi thị trường đã rơi vào tình trạng biếng ăn thì dù thức ăn ngon hay dở đều không có ý nghĩa. Việc các công ty hủy hay hoãn kế hoạch phát hành là khôn ngoan” - ông Nam nói. Một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM cũng cho rằng, khi giá chứng khoán trên thị trường đang trong chiều hướng “rơi tự do” như hiện nay thì việc lên kế hoạch huy động vốn từ chứng khoán thông qua phát hành thêm cổ phiếu là rất liều lĩnh. Trên thực tế, việc các cổ đông lớn trong và ngoài nước đang đua nhau bán ra cho thấy, bỏ tiền mua cổ phiếu phát hành thêm lúc này là rất khó khăn dù ai cũng nói giá đó là hấp dẫn cho việc đầu tư lâu dài. Chuyên gia này khuyến cáo, các công ty muốn phát hành thêm phải tính toán mức độ thành công của thị trường, phản ứng của cổ đông cũng như các nhà đầu tư trước khi lập phương án.

Một vấn đề đặt ra là, khi kế hoạch phát hành thêm không thành công thì các đơn vị phát hành có rơi vào tình trạng khó khăn vì thiếu vốn? Giám đốc một công ty niêm yết - đang đứng trước tình trạng phá sản kế hoạch phát hành thêm - cho biết, thời hạn cuối cùng để nộp tiền đăng ký mua cổ phiếu phát hành thêm của công ty này là đầu năm sau. Nếu kế hoạch phát hành thất bại, công ty sẽ tìm vốn từ nguồn khác là các tổ chức tài chính. “Đầu năm sau, lãi suất chắc chắn đã giảm mạnh hơn mức hiện nay, chúng tôi sẽ vay vốn ngân hàng để triển khai hoạt động theo đúng kế hoạch đề ra” - ông nói. Một số công ty lại tính đến việc ngưng triển khai dự án nếu không huy động được vốn bởi dự báo tình hình kinh tế năm 2009 vẫn còn nhiều khó khăn.

TTCK không thuận lợi, cổ phiếu giá rẻ tràn lan, nhà đầu tư không còn nhiều cảm hứng nên việc huy động vốn từ chứng khoán trở nên khó khăn với các doanh nghiệp. Rất nhiều kế hoạch phát hành thêm đang được hoãn lại để chờ thời điểm thuận lợi hơn, khi "bệnh biếng ăn" của thị trường được chữa trị.

Thị trường vẫn đang dò đáy
> Cần nguồn vốn mới

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.