Lỗ hổng pháp lý trên thị trường chứng khoán

03/02/2009 17:35 GMT+7

Thông báo mua cổ phiếu (CP) quỹ nhưng lại không mua, giao dịch nội bộ không thông báo, công ty chứng khoán không được quản lý tiền của nhà đầu tư vẫn chưa thực hiện triệt để... Tất cả những điều đó đang tồn tại trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Hàng loạt doanh nghiệp đã công bố mua lại CP làm CP quỹ nhưng sau đó không mua hết số lượng đã đăng ký. Cụ thể như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (STB) chỉ mua lại hơn 18,2 triệu CP trong tổng số 25 triệu CP đã đăng ký mua trước đó. STB giải thích do mục đích mua lại CP để bình ổn thị trường nhưng tại một số phiên giao dịch ngân hàng không tham gia mua vào thì giá STB đã ổn định cao.

Trước đó, Công ty cổ phần phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) cũng chỉ mua vào 83.340 CP trong tổng số 300.000 CP đã đăng ký. Theo giải trình, NTL phải nộp tiền sử dụng đất của các dự án và giải ngân vốn cho các công trình trong quý 4/2008... Dù có nhiều lý do đưa ra nhưng nhìn chung, số lượng công ty không thực hiện mua hết CP quỹ trong năm 2008 không phải là ít. Bên cạnh đó, việc vi phạm công bố thông tin trong giao dịch nội bộ luôn luôn xảy ra.

Mới nhất là ngày 6.1, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã gửi công văn yêu cầu bà Nguyễn Thu Phương - thành viên Ban Kiểm soát Công ty cổ phần du lịch và thương mại Vinpearl (VPL) - giải trình về việc đã mua 2.000 cổ phiếu VPL từ ngày 23.12.2008 đến ngày 31.12.2008 mà không công bố thông tin.

Tương tự cổ đông lớn của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) là bà Lâm Mẫu Diệp đã đặt lệnh mua 419.000 cổ phiếu VHC, làm tăng tỷ lệ sở hữu từ 4% lên 5,9% nhưng cũng báo cáo kết quả giao dịch chậm so với quy định... 

Theo TS Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng (trường ĐH Mở TP.HCM) cho rằng quy định về công bố thông tin chưa nêu đầy đủ về việc mua CP quỹ của các công ty. Ví dụ như nguồn vốn để mua CP từ đâu? Nếu không mua hết số lượng đã công bố thì trách nhiệm của công ty đó như thế nào?... Riêng việc HOSE chỉ nhắc nhở và có yêu cầu giải trình đối với các cá nhân có vi phạm trong công bố thông tin trước khi giao dịch cũng chỉ mang tính hành chính. "Phải có chế tài bắt buộc chứ không phải là nhắc nhở hay chỉ đề nghị. Vì điều đó sẽ không đủ mạnh khiến cá nhân và công ty thực hiện nghiêm túc. Trong khi những thông tin đó lại ảnh hưởng trực tiếp đến giá CP và quyền lợi của những nhà đầu tư khác", TS Nguyễn Văn Thuận nói.

Tương tự, ông Nguyễn Việt Hải, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán ACB nhận định việc mua CP quỹ không phải là mục đích bình ổn giá mà thực tế là một cách chi trả cổ tức cho nhà đầu tư khi công ty kinh doanh có lãi. Việc giao dịch CP quỹ của các công ty niêm yết ở các nước được kiểm soát rất kỹ. Do đó cần phải quy định chặt chẽ hơn như khi nào có lãi thực sự mới được mua CP làm CP quỹ. "Tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp không có đủ tiền nhàn rỗi cũng công bố mua lại CP. Điều đó khiến cho nhiều cá nhân lợi dụng thông tin để làm giá CP mà thôi", ông Hải nói.

Chính sách cần nhất quán!

Cuối năm 2008, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra thông báo nhắc nhở các công ty niêm yết thận trọng cân nhắc kế hoạch cũng như quy mô khi phát hành thêm CP để tăng vốn điều lệ trong năm 2009. Thế nhưng, cũng UBCKNN sau đó lại thông báo các công ty niêm yết nào chưa đảm bảo đủ vốn pháp định theo Luật Chứng khoán thì phải chuyển sàn giao dịch (các công ty có vốn dưới 80 tỉ đồng không được giao dịch tại HOSE).

Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp tiến thoái lưỡng nan vì cũng không biết sẽ thực hiện theo thông báo nào. Chưa hết, việc bắt buộc các công ty chứng khoán phải thực hiện kết nối với ngân hàng để chuyển tài khoản tiền của nhà đầu tư sang ngân hàng là một điều cần thực hiện. Thế nhưng đến hiện nay, nhiều công ty chứng khoán vẫn chưa thực hiện được điều này và UBCKNN cũng chỉ ra thông báo nhắc nhở mà không hề có một biện pháp triệt để nào. 

Theo ông Nguyễn Việt Hải, quy chế quản lý về hoạt động của các thành viên tham gia thị trường chứng khoán còn quá nhiều lỗ hổng. Nhất là UBCKNN phải siết chặt hoạt động của các công ty chứng khoán hiện nay cũng như quy định về quản lý rủi ro của công ty chứng khoán. Hoặc ngược lại đối với các sản phẩm bảo lãnh của công ty chứng khoán, hiện các quy định chưa có cơ chế xử lý khách hàng khi họ từ chối mua cổ phiếu và công ty chứng khoán phải lãnh đủ...

TS Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh khi thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh và trầm lắng, thì đây là thời điểm thuận tiện để cơ quan quản lý nhà nước xem xét và điều chỉnh hành lang pháp lý phù hợp hơn, tạo niềm tin cho nhà đầu tư để khi thị trường phát triển trở lại thì các hoạt động sẽ trở nên chuẩn mực và ổn định hơn.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.