Xúc tiến thương mại năm 2009, không chờ “sung rụng”

19/02/2009 09:41 GMT+7

Ngay từ đầu năm 2009, hàng loạt cuộc họp từ trung ương tới địa phương bàn về công tác xúc tiến thương mại (XTTM) đã được đưa ra. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương và các doanh nghiệp (DN) để mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 13% với kim ngạch đạt 70,85 tỷ USD.

Linh động nhiều hình thức hỗ trợ DN

Ngày 19-1 vừa qua, Cục XTTM đã ký thỏa thuận hợp tác với Cơ quan XTTM và Đầu tư Anh quốc để tăng cường quan hệ kinh tế song phương và đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thương mại - đầu tư.

Theo đó, hai bên sẽ phối hợp, chia sẻ các thông tin về thị trường, các chính sách kinh tế, thương mại có tác động tới quan hệ giao thương giữa cộng đồng DN của 2 nước. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ giao dịch thương mại 2 chiều như tổ chức đoàn khảo sát, giao dịch thương mại và đầu tư, tham gia các hội chợ triển lãm và đào tạo cán bộ theo yêu cầu.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục XTTM, đây là sự kiện mở đầu cho hàng loạt hoạt động tương tự trong năm 2009. Hiện Cục XTTM đang khẩn trương chuẩn bị nội dung và thủ tục để ký kết thỏa thuận tương tự với Nhật Bản và Hàn Quốc. Trước đó, Cục cũng đã ký thỏa thuận với Tổ chức CBI (Hà Lan) và Chương trình SIPPO (Thụy Sĩ) để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU và một số nước khác ở châu u.

Cùng với việc tăng cường hợp tác quốc tế, Cục XTTM đang đẩy mạnh việc nghiên cứu thị trường và thông tin XTTM. Phấn đấu trở thành kho dữ liệu mở để phổ biến kiến thức xuất khẩu đến các DN, đây là cơ sở để giúp DN định hướng kế hoạch xuất khẩu, phát triển mặt hàng và thị trường. Tổ chức các hội thảo chuyên ngành cũng như các thị trường chuyên biệt để cung cấp những thông tin cơ bản nhất cho DN về tập quán kinh doanh và các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu.

Ví dụ, trong hội thảo xuất khẩu vào thị trường Trung Đông và Châu Phi tổ chức vào ngày 27-2 tới, Cục XTTM sẽ mời diễn giả đến từ các vụ và đã có thời gian làm việc trực tiếp tại các thị trường để nói chuyện với DN. Trong thành phần cũng không thể thiếu những DN đã làm ăn thành công để dẫn chứng cụ thể về khả năng xuất khẩu cũng như kinh nghiệm của họ khi đưa hàng vào các thị trường này…

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng, thị trường xuất khẩu đang có dấu hiệu co lại, để đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 13% ngoài việc tháo gỡ những vướng mắc cho DN thì công tác XTTM phải được đặt lên hàng đầu và triển khai quyết liệt. Các DN và hiệp hội ngành hàng cần nhận thức đúng để phối hợp hợp tốt với Bộ Công thương trong việc triển khai các chương trình XTTM quốc gia.

Nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động XTTM không thiếu, nếu có điều kiện sẽ hỗ trợ trực tiếp các DN hoặc thông qua các hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng xuất khẩu. Đối với các hiệp hội cũng sớm lập các đề án, chương trình XTTM năm 2009 nếu cần sự hỗ trợ từ kinh phí nhà nước gửi đến Bộ Công thương xem xét. Việc hỗ trợ chi phí kể cả chi phí cho các DN nước ngoài vào VN để khảo sát, ký kết hợp đồng cũng có thể được xem xét.

Doanh nghiệp: “Đào” sâu thị trường truyền thống

Theo ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sadaco, kinh tế thế giới đang suy thoái nên vấn đề đặt ra cho các DN xuất khẩu là phải chủ động hơn nữa trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Nói cách khác, sẽ không còn chỗ đứng cho các DN ngồi chờ hợp đồng từ nước ngoài “bay” về. Để làm được việc này, cách tốt nhất là phải “đào” sâu hơn các thị trường truyền thống, đi vào các thị trường ngách thông qua các sản phẩm độc đáo. Sadaco vừa tiến hành ký hợp đồng với Tập đoàn Itochu (Nhật Bản), mỗi tháng cung cấp khoảng từ 10-20 container đũa làm bằng tre (trị giá mỗi container là 15.000 USD).

 
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Savimex. Các doanh nghiệp như thế này rất cần quảng bá hình ảnh - Ảnh: Đức Thành

Trong tuần tới, đích thân ông Mạnh sẽ dẫn các đối tác tham quan vùng nguyên liệu và xưởng sản xuất đũa tre của Sadaco đặt tại tỉnh Hòa Bình. Nếu không có gì thay đổi, đơn hàng đầu tiên sẽ được xuất khẩu vào cuối tháng 2-2009. Đây là cơ hội lớn, mở ra hướng phát triển mới cho Sadaco trong tình hình nhu cầu sử dụng đồ gỗ tại một số thị trường trọng điểm đang bị giảm mạnh.

“Sở dĩ chúng tôi chọn Nhật Bản làm thị trường chính cho năm 2009 là vì Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản đã được ký kết và có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa, DNVN sẽ được hưởng lợi rất lớn từ việc cắt giảm các dòng thuế. Đây là điều kiện tốt để sản phẩm của chúng tôi cạnh tranh tốt hơn so với các mặt hàng cùng loại của các nước khác ngay tại thị trường Nhật” – ông Mạnh cho biết.

Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng xác định, năm 2009 hơn 60 DN thành viên phải nhanh chân và linh động hơn nữa trong hoạt động XTTM để mở rộng thị trường. Ông Huỳnh Văn Minh, Tổng Giám đốc Satra cho biết, ngoài việc khai thác và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường sẵn có như Mỹ, Canada, Nhật, châu Phi… Satra sẽ tích cực tìm kiếm những thị trường mới như Ukraina, Ba Lan, Đức. Phối hợp với Công ty Satra – USA đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm mang thương hiệu Satra và thương hiệu của các DN thành viên trong hệ thống.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu đang tác động xấu đến kinh tế nước ta. Thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp với hầu hết các mặt hàng chủ lực. Trước tình hình trên, hàng loạt các biện pháp cấp bách để hỗ trợ DN đã được Chính phủ và các bộ ngành triển khai. Ý thức được điều này, các DN cũng đã nỗ lực để tự cứu mình bằng nhiều cách làm khác nhau nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, không thể ngồi chờ “sung rụng”.

Theo Thuý Hải / Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.