Đề phòng ngộ độc thực phẩm mùa nóng

20/03/2009 11:28 GMT+7

Các vi sinh vật khi nhiễm vào thức ăn sẽ làm cho thức ăn bị biến chất, gây ôi thiu nhất là thức ăn giàu đạm.

Vào mùa nóng nhiệt độ môi trường tăng cao, môi trường không khí oi bức, là yếu tố thuận lợi cho nhiều loại vi trùng phát triển, mùa nắng nóng cũng là mùa sinh trưởng của ruồi nhặng, nắng làm khô môi trường nên bụi bặm sẽ dấy lên nhiều hơn. Mặt khác, nắng nóng làm cho sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm. Sự kết hợp giữa các yếu tố trên là điều kiện rất thuận lợi để cho các vi sinh vật sinh sôi nảy nở khi rơi, bám vào thức ăn nên nguy cơ gây ra những bệnh về tiêu hóa rất lớn.

Nhiều dạng ngộ độc 

Khi thức ăn nhiễm các loại siêu vi trùng (virus) như rotavirus gây ra tiêu chảy cấp rất phổ biến ở trẻ em. Còn virus gây viêm gan A, các loại vi khuẩn như Samonella, E. Coli, sinh vật đơn bào có amip, trùng roi... thường lây nhiễm từ môi trường không bảo đảm vệ sinh như nước bẩn, thức ăn nhiễm bẩn, tay bẩn, do côn trùng như ruồi nhặng mang các mầm bệnh. Các vi sinh vật khi nhiễm vào thức ăn sẽ làm cho thức ăn bị biến chất, gây ôi thiu nhất là thức ăn giàu đạm. Còn ăn dầu mỡ bị ôi hỏng do để lâu hoặc dùng đi dùng lại nhiều, sẽ bị ôxy hóa, rất độc hại cho cơ thể. Các loại ngộ độc khác, không do vi sinh vật  như ngộ độc do ăn phải thức ăn có chứa hóa chất, kim loại nặng, thuốc trừ sâu...

Giữ vệ sinh môi trường xung quanh

Đối với môi trường xung quanh phải diệt ruồi nhặng, phân rác nước thải phải được xử lý sạch, an toàn, bảo đảm nơi chế biến thực phẩm và thực phẩm không bị côn trùng, sâu bọ, súc vật và các loại động vật khác xâm phạm. Thùng chứa rác phải có nắp đậy kín để xa nơi chế biến, phòng ăn và chuyển đi hằng ngày. Hệ thống cống rãnh phải thoát nước tốt, có nắp đậy, làm các vật liệu chắc chắn, khó vỡ, dễ tháo lắp và làm vệ sinh định kỳ. Chỉ dùng các chất tẩy rửa được sử dụng trong sinh hoạt và chế biến thực phẩm, không dùng các chất tẩy rửa công nghiệp.

Ngộ độc thực phẩm cấp tính thường do ăn phải các thức ăn có nhiễm vi sinh vật hay các hóa chất, có biểu hiện sớm từ 30 phút sau ăn hoặc có thể muộn hơn đến vài ngày sau khi ăn thức ăn bị ô nhiễm với các biểu hiện tiêu chảy nhiều lần trong ngày, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn mửa liên tục, mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... Còn ngộ độc mãn tính thường không có dấu hiệu rõ ràng, chất độc sau khi ăn sẽ tích lũy ở các bộ phận trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa các chất, có thể gây suy nhược, mệt mỏi kéo dài và gây ra các bệnh mãn tính, ung thư... 

Kỹ lưỡng trong chế biến thức ăn

Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm một cách có hiệu quả nên chú ý khi mua thực phẩm cần chọn các thực phẩm tươi tốt, tránh dùng thực phẩm kém chất lượng, không dùng thực phẩm đã quá hạn sử dụng. Thực phẩm chưa chế biến cần được bảo quản kỹ lưỡng. Khi chế biến thực phẩm nên tuân thủ các điều kiện vệ sinh như sử dụng nguồn nước sạch và rửa sạch nguyên liệu trước khi nấu, đối với rau quả, nhất là loại để ăn sống, cần chú ý rửa thật kỹ nhiều lần dưới tia nước chảy có áp lực. Rửa tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm và thường xuyên giữ sạch tay trong quá trình chế biến, rửa tay sau khi đi vệ sinh.

Phải nấu chín kỹ thực phẩm, đặc biệt là thịt, thịt gia cầm, trứng và hải sản. Các thức ăn như canh, các món hầm cần được đun nóng để bảo đảm đạt đến nhiệt độ 700C. Đối với các loại thịt, nước luộc phải trong, không còn màu hồng. Hâm kỹ lại thức ăn đã nấu. Nên nấu vừa đủ ăn trong 2 – 3 bữa để tránh hâm đi hâm lại quá 2 lần, vừa mất nhiều chất dinh dưỡng vừa tạo các chất có hại cho sức khỏe. Tránh ăn các thức ăn bán ở vỉa hè, hàng rong, hạn chế ăn uống ngoài đường phố nơi không bảo đảm vệ sinh.

Đối với dụng cụ chế biến cần rửa lần đầu bằng xà phòng với nước ấm 450C-500C, rửa lại lần hai bằng nước ấm như trên. Sát trùng bằng nước trên 800C. Bàn ăn cũng bắt buộc sát trùng bằng nước ấm 800C. Ly, chén, đĩa, muỗng, đũa... rửa sạch bằng tia nước có áp lực và giữ khô. Nên sử dụng dụng cụ chứa muỗng, đũa làm bằng vật liệu không thấm nước. Cọ rửa và làm vệ sinh toàn bộ bề mặt tiếp xúc và dụng cụ sử dụng cho chế biến thực phẩm.

Theo Bác sĩ Nguyễn Thanh Danh / Người Lao Động
(Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.