"Đồng minh" con

23/05/2009 15:25 GMT+7

(TNO) Ích kỷ, vô trách nhiệm với gia đình, không có tình thương với con cái, lăng nhăng... là những lý do khiến người ta muốn hoặc phải rời bỏ vợ/chồng mình. Khi đó, các “nạn nhân” muốn tất cả mọi người đều nhìn nhận người kia đúng như những gì mà họ nghĩ. Họ muốn con cái đứng về phía họ để “vạch tội” người kia, và lấy làm thỏa mãn khi có “đồng minh”. Nhưng hình như họ chưa lường đến hậu quả của việc này.

Muốn con biết "sự thật"

Vợ chồng Tuấn - Dương ly dị sau 6 năm chung sống và có hai mặt con. Ra tòa, họ thỏa thuận con gái lớn ở với ba, con trai nhỏ theo mẹ.

Ly hôn, Dương về ở với mẹ ruột. Thời gian sau, Dương đi học ở nước ngoài nên việc chăm sóc con cô phải nhờ mẹ. Thằng bé, cứ cuối tuần thì được bố đón về với chị, đầu tuần lại "trả" cho bà ngoại. Còn Dương, một năm hai - ba lần về nước và mỗi lần cô đều được chồng cũ đồng ý cho đón con gái về ở với mình trong những ngày nghỉ. Những lần như thế, cô lờ mờ cảm nhận sự lạnh nhạt của con gái đối với mình, dù cô đã cố tìm nhiều cách để "bù đắp" cho việc không thường xuyên ở cùng con của mình. Con bé nhận những món quà của mẹ một cách thờ ơ, nó chỉ chú tâm vào chơi với em và không thể hiện cảm xúc gì với mẹ. Vì không có nhiều thời gian, vì nghĩ đó là do mình chưa có điều kiện gần gũi con nhiều hơn, nên Dương cũng tạm "cho qua" tình trạng ấy.

Sau 3 năm học, Dương về nước hẳn. Nhân dịp hè, cô đề nghị chồng cũ cho đón con gái về ở với mình ít ngày. Tuấn không phản đối, nhưng thật bất ngờ, cô con gái không chịu. Cô bé, lúc này hơn 8 tuổi, thẳng thừng: "Con không thích mẹ! Con không cần mẹ!". Dương bàng hoàng và đau khổ trước thái độ của con. Rồi qua tìm hiểu, cô được biết, sau khi gia đình chia ly, Tuấn vẫn chăm sóc các con rất chu đáo (như từng thế), ngoài thời gian đi làm, anh dành toàn bộ thời gian, tâm trí và công sức cho các con. Tuy nhiên, những điều anh thường xuyên nói với con thì thật là... khủng khiếp: Mẹ là người ích kỷ, chỉ biết mình; mẹ đã dùng tiền đáng lẽ để nuôi con mà đi nước ngoài theo bạn trai; mẹ không thương con nên mới bỏ con mà đi, vân vân và vân vân.

Dương nghẹn ngào: "Nếu tôi có thế thật thì anh ấy cũng không nên nói với con mới phải chứ. Đằng này, cực chẳng đã tôi mới phải quyết định chia tay, mới phải chọn con đường ấy để có một nghề nghiệp ổn định sau này mà nuôi con. Con còn quá nhỏ mà anh ấy đã tiêm nhiễm vào đầu nó những thứ ấy, hỏi làm sao tôi có thể giải thích với con, làm sao có thể kéo nó lại với mình...".


Trẻ có thể dễ hòa nhập với cộng đồng hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách giáo dục của cha mẹ cũng như môi trường gia đình - Ảnh: K.H 

Chưa đến mức ly hôn, nhưng vợ chồng Phúc - Loan đang sống trong cảnh "cơm (thường xuyên) không lành" và "canh (luôn luôn) chẳng ngọt". Mà hầu như tất cả những gì xảy ra giữa bố mẹ, trong cảnh ấy, đều lọt vào mắt, vào tai hai đứa con (một 16, một 8 tuổi). Phúc ít nói, và hầu như không "bình luận" gì về vợ trước các con. Nhưng anh cũng (rất) ít ở nhà, cho dù đó là ngày nghỉ, ngày lễ hay dịp kỷ niệm gì đó của gia đình. Anh thực hiện nghĩa vụ làm cha của mình bằng việc hằng tháng đưa một khoản tiền (cố định) cho vợ và thỉnh thoảng đưa - đón con đi học. Đấy chính là lý do của những câu nói đại loại như "Bố mày lại đi với gái rồi chứ gì" hoặc "Chỉ có tiền bao gái thôi chứ không có tiền mua quà tặng con" v.v... mà hai đứa trẻ của họ phải nghe.

"Tôi tức lắm. Tôi muốn bỏ mà anh ta không chịu, cứ giam hãm tôi thế này với lý do vì con. Vậy thì tôi cũng phải nói cho con tôi biết bố chúng là người như thế nào", Loan phân bua trong bức xúc.

Khác nào... hại con

Bé Hiền con của cặp Tuấn - Dương, từ ngày bố mẹ ly dị trở nên "người lớn" hẳn. Bé có thể tự làm những việc phù hợp với lứa tuổi (trong khi các bạn cùng lứa hầu như vẫn được cha mẹ phục vụ) và tỏ ra rất thương ba. Nhưng, Hiền thường khó chịu khi có ai hỏi đến mẹ hoặc nhắc đến gia đình bên ngoại. Đáng ngại nhất là mới ở tuổi nhi đồng nhưng bé hầu như chẳng thích tham gia chơi cùng các bạn học. Ở lớp, bé lặng lẽ, còn ở nhà cũng chỉ quanh quẩn với mấy con búp bê đồ chơi. Mỗi lần được báo mẹ sẽ tới đón, Hiền dường như cũng không “ghìm” lòng được, sốt sắng hỏi khi nào mẹ sẽ đến, nhưng khi gặp mẹ thì lại tỏ ra lạnh nhạt.

Còn hai đứa trẻ nhà Phúc – Loan thì hầu như chẳng bày tỏ cảm xúc gì trước cha mẹ. Chúng không vui khi nhận được sự chăm sóc của mẹ hay sự “bù đắp” của cha, cũng chẳng buồn khi cha thường xuyên vắng nhà. Ngay cả khi Loan buông những lời cay độc với chồng, hai đứa trẻ cũng như nghe chuyện của… người ngoài.

Theo Thạc sĩ tâm lý Hoàng Minh Tố Nga (Đại học De La Salle - Philippines), dù là biểu hiện nào, những đứa trẻ này đã chịu sự tác động tâm lý rất nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến hành vi, ứng xử khi chúng trưởng thành.

Nhà chuyên môn phân tích: Diễn biến mâu thuẫn giữa cha mẹ hay sự đổ vỡ gia đình đã là một tổn thương tâm lý trầm trọng đối với trẻ. Nay, với việc “ấn” vào đầu trẻ những thứ được coi là xấu của cha, mẹ chúng, người làm việc này đã khoét sâu thêm tổn thương ấy. Vì, dù muốn dù không, trong thẳm sâu tâm hồn những đứa con vẫn hiện hữu một tình cảm thương yêu dành cho cha mẹ. Việc làm cho chúng nghĩ rằng cha, mẹ chúng là người không tốt sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn, giằng xé trong tình cảm của trẻ. Chúng có thể ghét người đã (bị coi là) bỏ chúng, không quan tâm chăm sóc chúng, nhưng chúng lại không thể chối bỏ, bởi đó là người duy nhất chỉ có một trong cuộc đời con người. Người thường xuyên phải sống trong trạng thái mâu thuẫn tình cảm (không giải quyết được) sẽ không xác định được tình cảm của chính mình, dễ dẫn đến những ứng xử không lường trước được, vì thế khó hòa đồng, sống chung với những người khác.

Mặt khác, tình trạng cha mẹ cãi cọ, ruồng bỏ, nói xấu nhau… trước mặt  trẻ đã vô tình làm cho trẻ không còn tin vào các giá trị sống. Làm gì có tình yêu, làm gì có sự thủy chung, khi mà hai người trước kia vì yêu nhau nên mới về sống với nhau, rồi cũng vì yêu nhau mà sinh ra những đứa trẻ, nhưng nay lại đi tìm niềm vui ở bên ngoài, lại phản bội nhau, lại dùng những lời lẽ cay độc nhất để nói về nhau. Cũng làm gì có cái gọi là dấn thân, làm gì có tha thứ khi người này cứ mãi đay nghiến lỗi lầm của người kia... Đứa trẻ chẳng còn biết tin vào ai, đâm ra nghi ngờ tất cả. Sẽ ra sao, khi con người ta sống mà không có niềm tin?!

Chẳng có cha mẹ nào mong muốn con mình gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhưng có lẽ nhiều người chưa biết rằng có những hành vi của người lớn gây tổn thương và tác động đến tâm lý của con trẻ để lại những hậu quả khôn lường. Những "di chứng" của sự tác động tâm lý có thể làm méo mó một tâm hồn, làm sai lệch các giá trị sống, gây rất nhiều khó khăn cho sự hòa nhập của một con người.

Người lớn hãy cân nhắc hơn nữa trong cả lời nói và việc làm trước con trẻ.

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.