Chuyện người Tày Poọng

30/05/2009 12:44 GMT+7

Người bản Phồng, xã biên giới Tam Hợp (nằm ở thượng nguồn khe Cạt, huyện Tương Dương, Nghệ An) đều chung một dân tộc, tiếng địa phương gọi là Tày Poọng.

Chính quyền địa phương thường xuyên phải gùi lương thực, thực phẩm, chăn màn, thuốc men vào cấp phát cho bà con.

Từ thị trấn Hòa Bình, cách TP Vinh hơn 200 cây số, mất hơn nửa ngày bò xe máy với quãng đường rừng lầy lội mới tới bản Phồng, nằm sát biên giới hai nước Việt- Lào. Lâu rồi mới có dịp quay lại thăm bà con dân tộc này nhưng tất cả vẫn thế.

Tôi chưa quên cái ngày đi vào lịch sử đối với bà con Tày Poọng ở bản Phồng cách đây ba năm, khi lần đầu tiên được nhìn thấy chiếc máy húc vào mở đường từ bản ra trung tâm xã Tam Hợp. Thấy chiếc máy lạ, cả bản hôm đó không ai đi đâu, không làm việc gì, chỉ ở nhà xem máy húc mở đường.

Chưa bước chân vào nhà, già làng Viêng Văn Độ đã nhận ra tôi. Mặc cho nhà hết gạo, già làng Độ vẫn thết đãi món cá mát, bắt từ khe Cạt lên nướng uống rượu.

Để làm việc được với bà con Tày Poọng, phải ngồi cưa tửu hết mình. Cạn ly cuối cùng của chai rượu bự, già làng Độ tiếp tục lôi ra một vò rượu cần Tày Poọng.

“Tiếp tục đi, không say, bản ta không cho nhà báo về đâu”.

Nói rồi, già làng cùng một nhóm dân bản cầm vòi rượu cần tu một hơi hai sừng. Bữa trưa thết đãi khách tại nhà già làng Viêng Văn Độ, đĩa cá mát nướng, hai chai rượu và vò rượu cần với dân bản Phồng là đại tiệc. Anh cán bộ huyện đoàn đi cùng nói nhỏ vào tai tôi như thế. 

Tàn cuộc, mọi người lăn ra ngủ. Trưởng bản kéo tôi đi tham quan bản làng một vòng. Bản Phồng hiện có 520 nhân khẩu. 113 gia đình thì có đến 96 phần trăm hộ thuộc diện đói nghèo.

Thấy một căn nhà không ra nhà, tôi vào thăm. Đó là gia đình ông Viêng Văn Phê, thiếu ăn từ hôm trước tết đến nay. Nhìn quanh ngôi nhà chỉ thấy mấy tấm cót làm bằng nứa thay cho tường che mưa, che gió, đã mục nát với thời gian.

 
Một góc bản Phồng. Ảnh: PV

Cạnh nhà ông Phê là nhà ông Viêng Văn Tới, có sáu nhân khẩu, cũng hết ăn từ mấy tháng nay. Đã thế, cả hai vợ chồng thường xuyên bị ốm đau mà không có thuốc chữa trị, trong nhà không mấy khi có gạo để nấu cháo.

Cạnh bên là đôi vợ chồng anh Lê Chuyên. Họ cưới nhau được hơn hai năm nay. Trước ngày ra ở riêng, bản làng giúp đỡ dựng túp lều tuềnh toàng bằng tre nứa để ở. Chuyên tâm sự, vợ chồng anh rất siêng năng nhưng khí hậu ở thung lũng này khắc nghiệt.

Đi đến đâu, chúng tôi cũng thấy trẻ con chạy ra ngõ xem người lạ. Tôi chứng kiến nhiều gia đình đến bữa trưa mà chưa có gì ăn. Thường những ngày đầu mới nhận gạo trợ cấp là bà con có cơm ăn. Vì tiết kiệm gạo, một số gia  đình thay cơm bằng sắn trừ bữa.

Điều làm ai cũng thắc mắc, đồng bào đói kém quanh năm như thế, nhưng chính quyền địa phương không có cách gì để giúp bà con lao động thoát nghèo. 

Ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ  tịch UBND Huyện Tương Dương giải thích:  “Địa hình, đất đai, khí hậu ở vùng này khắc nghiệt quá. Hơn nữa, đồng bào Tày Poọng quen sống với núi rừng từ bao đời nay. Bây giờ, áp dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất, bà con chưa thể nắm bắt được như những nơi khác. Nhiều lần, cán bộ huyện vào hướng dẫn bà con trồng lúa, sắn, ngô, khoai nhưng năng suất kém”.

Cô giáo Lô Thị Dìn, giáo viên cắm bản tâm sự, nơi đây có lớp mầm non, tiểu học và THCS, nhưng mỗi lớp lèo tèo mấy học trò. Để vận động các em đến lớp, nhiều lúc cô giáo phải bỏ tiền túi ra mua  sách vở cho học trò.

Giữ hồn văn hóa

Già làng Viêng Văn Độ cho hay, cuộc sống của đồng bào nơi đây đang gặp không ít khó khăn nhưng nhiều phong tục tập quán và những nét đẹp văn hóa vẫn được người Tày Poọng lưu giữ. Trong đó, đáng chú ý là tục cưới hỏi. 

Để kết tóc xe duyên, những ngày hội xuân, hội làng, trai bản có thể tâm sự với ba, bốn cô gái của bản. Cô nào thích thì chàng trai được mời tối đến nhà cô gái để “ngủ mái” hay còn gọi là “ngủ thăm”.

Nếu được cô gái ưng thuận, chàng trai tổ chức ăn hỏi ba lần, sau đó mới tổ chức đám cưới.

Khi tổ chức lễ cưới, nhà trai phải chuẩn bị lễ vật hai con lợn, 300 cá mát, sáu gà, một chiếc váy, một áo, một khăn trùm đầu, một đôi chiếu, một đôi khăn thắt lưng, hai vòng tay bằng bạc, một bình vôi, một vò rượu siêu, ba ống nứa gạo nếp và củi đuốc...

Vì đám cưới của tộc người Tày Poọng rất tốn kém nên lâu nay tại bản Phồng không ít chàng trai không có tiền cưới vợ, phải đi ở rể ba đến năm năm mới rước vợ về nhà mình.

Một tục lệ mà nếu ai chứng kiến cũng phải  rùng mình, khi mới sinh, người mẹ Tày Poọng thường đưa con ra khe Cạt nhúng xuống nước.

Vì sao lại như vậy? Tôi hỏi.

Một bà lão trong bản Phồng giải thích, “để nó thích nghi với rừng thiêng nước độc, lớn lên có thể chống chọi với thú dữ, ma thiêng”. 

Còn đối với người chết, người Tày Poọng thường chôn cất như thường nhưng không có nấm mồ mà chỉ lấp bằng, sau đó làm nhà mồ cho người chết. Chôn xong là không được ai quay đến nhà mồ nữa.

Già làng Độ dẫn tôi ra đầu bản chỉ cho xem bãi tha ma cách bản Phồng không xa, nằm bên dòng khe Cạt: “Bãi tha ma cây cối thường xanh tốt là vì không ai dám tới hay thả trâu bò quấy phá”.

Người Tày Poọng thường sống du canh du cư, nhà cửa ở đây không cầu kỳ. Truyền thống vẫn là nhà sàn làm bằng gỗ, lợp bằng tranh, tre, nứa, lá, cỏ săng...

Tuy nhiên, bây giờ người Tày Poọng bắt đầu biết làm nhà sàn kiên cố bằng gỗ tốt. Quan niệm của người Tày Poọng ở bản Phồng hôm nay là làm nhà to, rộng không chỉ để ở mà còn làm nơi thờ tự, tiếp khách.

Tại trung tâm bản Phồng có hàng chục nhà sàn mới dựng cách đây vài ba năm và dựng gần nhau thành một dãy thẳng tắp trông rất đẹp. Hằng năm, bước vào dịp lễ hội Xuân (tết cổ truyền của Việt Nam), người Tày Poọng đều tổ chức vui chơi ngay ở bản Phồng.

“Sách Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc), Sổ tay các dân tộc Việt Nam đều do Viện Dân tộc học biên soạn, xếp người Tày Poọng vào dân tộc Thổ cùng nhóm với Đan Lai - Lý Hà, cư trú tại Con Cuông và Tương Dương (Nghệ An).

Người Tày Poọng sống dựa vào nương rẫy, hái lượm, đào bới củ rừng, bắt cá mò ốc dưới khe...

Người Tày Poọng cũng có một gia tài văn hóa, văn nghệ dân gian như người Thổ. Tuy nhiên, không có trang phục riêng, ngôn ngữ đã bị đồng hóa, chủ yếu nói bằng tiếng Thái và tiếng Kinh”.

Trích “Địa chí huyện Tương Dương” - NXB Khoa học Xã hội; GS Ninh Viết Giao biên soạn.

Theo Phan Sáng / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.