Honduras, phía sau cuộc chính biến

05/07/2009 00:10 GMT+7

Sự kiện Tổng thống Manuel Zelaya của Honduras bị quân đội bắt giữ và đưa ra nước ngoài đang là trọng tâm của một cuộc tranh cãi quốc tế.

Nếu như nhiều nước và tổ chức quốc tế coi đây là hành động đảo chính quân sự, thì bộ máy lãnh đạo lâm thời của Honduras lại khăng khăng rằng họ đã tiến hành cách chức tổng thống theo một tiến trình hợp pháp. Với lập trường đó, Tổng thống lâm thời Roberto Micheletti đã cưỡng lại tất cả các áp lực quốc tế kêu gọi phục chức cho ông Zelaya. Ông Micheletti đã nói cứng rằng chỉ khi Honduras bị nước ngoài xâm lược thì mới xảy ra khả năng phục chức.

Cuộc chính biến tại Honduras đã nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến ngoại giao, khi nhiều nước tuyên bố đình chỉ hoạt động sứ quán của mình tại Honduras. LHQ, Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ (OAS) và Liên minh Bolivar cho châu Mỹ đã đe dọa trừng phạt hoặc ra tuyên bố không công nhận bất cứ chính phủ nào được lập nên tại Honduras theo sau vụ lật đổ ông Zelaya.

Bắt tổng thống

Rạng sáng ngày 28.6, khi ông Manuel Zelaya còn chưa tỉnh ngủ hẳn trong khu tư dinh tổng thống ở thủ đô Tegucigalpa thì chợt nghe tiếng súng nổ rất gần. Vị tổng thống vừa choàng dậy, trên mình còn nguyên đồ ngủ, đã thấy một nhóm binh sĩ tiến vào. Họ tước vũ khí của nhóm cận vệ tổng thống. Điện thoại di động và các phương tiện liên lạc của ông Zelaya cũng bị tịch thu. Tiếp đó, nhóm binh sĩ đã đẩy ông lên một chiếc xe bít bùng và chạy thẳng ra một căn cứ không quân gần đó. Lúc bấy giờ, xe bọc thép và binh lính đã xuất hiện rất đông quanh khu tư dinh tổng thống và trên nhiều đường phố ở Tegucigalpa.

Đài truyền hình Telesur của Venezuela dẫn lời kể của ông Manuel Zelaya sau khi đã bị lật đổ: “Họ tiến tới và ép tôi ra sân bay ngay lập tức”. Đó là buổi sáng chủ nhật và khi ông Zelaya chưa kịp hiểu sự tình ra sao thì chiếc máy bay cất cánh. Sau vài giờ, máy bay đáp xuống Costa Rica, một đất nước nằm trên eo đất Trung Mỹ, về phía nam so với Honduras. Thế là Tổng thống bị lật đổ Zelaya bắt đầu cuộc tị nạn chính trị.

Ngay khi đặt chân xuống sân bay ở San José, Costa Rica, sau khi đã hệ thống lại toàn bộ những gì xảy ra đối với mình và với chính quyền tại Honduras, ông Zelaya đã tố cáo việc bắt giữ ông là hành động đảo chính bất hợp pháp. “Tôi là Tổng thống Honduras”, ông tuyên bố. Lúc này ông vẫn còn nguyên bộ đồ ngủ trên người.

Căng thẳng dâng cao theo sau cuộc chính biến - Ảnh: Reuters 

Căng thẳng dâng cao theo sau cuộc chính biến - Ảnh: Reuters

Từ nơi tị nạn, ông Zelaya tiếp tục gửi đi những thông điệp phản kháng: “Đó là một vụ bắt giữ tàn bạo mà không có lý lẽ nào bào chữa được”. Vị tổng thống bị lật đổ nói rằng vụ bắt giữ là một đòn nặng nề giáng vào nền dân chủ. “Có nhiều cách để thể hiện sự phản đối mà không cần dùng vũ khí”, ông nói. Nhằm thẳng vào những người vừa lật đổ mình, ông Zelaya lên án: “Họ đang tạo ra một con quỷ dữ mà họ sẽ không điều khiển nổi. Một chính phủ chiếm đoạt ra đời bằng hành động vũ lực là không thể chấp nhận, không thể chấp nhận được bởi bất cứ quốc gia nào”.

Lời tố cáo của ông Zelaya nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng từ giới truyền thông quốc tế, khi hầu hết các hãng thông tấn lớn đều coi cuộc chính biến tại Honduras là “đảo chính quân sự”. Báo New York Times gọi đây là cuộc đảo chính quân sự đầu tiên kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Lãnh đạo của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế cũng gọi đây là hành động lật đổ phi pháp bằng quân sự.

Chỉ có giới lãnh đạo lâm thời tại Honduras mới khăng khăng nói rằng toàn bộ quá trình bắt giữ ông Zelaya đã được tiến hành đúng luật pháp.

Cuộc chiến quyền lực

Ông Manuel Zelaya, 56 tuổi, từng là một doanh nhân thành đạt. Ông còn được biết đến với tư cách là nhà hoạt động chính trị chống lại cơ chế tập trung quyền lực và đấu tranh vì quyền lợi dân bản địa. Sau khi đắc cử tổng thống vào năm 2005, ông theo đuổi một đường lối khá hài hòa. Về kinh tế, ông triển khai các chính sách thiên tả rất được lòng dân nghèo và các nhóm hoạt động xã hội. Về đối ngoại, ông kết thân với Tổng thống Venezuela Hugo Chavez nhưng đồng thời cũng thúc đẩy quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, tầng lớp trung và thượng lưu lại sợ rằng các chính sách thiên tả, sự kết thân với ông Chavez sẽ đẩy Honduras đi theo con đường như Venezuela. Chính vì thế, ông Zelaya cũng đối mặt với không ít sự chống đối ở trong nước.

Tác nhân dẫn tới cuộc chính biến vừa qua là kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý về việc sửa đổi hiến pháp. Ông Zelaya đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu vào ngày 28.6, nhưng bước đi này bị cả Tòa án Tối cao lẫn Quốc hội chống. Theo báo New York Times, vào đầu tháng 6, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết rằng cuộc trưng cầu mà ông Zelaya dự định tổ chức là vi hiến. Quốc hội sau đó cũng có nghị quyết với nội dung tương tự. Hàng loạt cuộc biểu tình của những người ủng hộ và chống đối tổng thống đã nổ ra từ đầu đến cuối tháng 6, khiến bầu không khí trở nên rất ngột ngạt.

Để chống lại kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý, hay chính xác hơn là kế hoạch sửa đổi hiến pháp, Quốc hội đã bàn tới khả năng luận tội tổng thống, nhưng hiến pháp Honduras lại thiếu quy định về thủ tục này. Sau đó, theo BBC, Quốc hội đã quyết định mở một cuộc điều tra khẩn cấp để xem xét các hành vi của ông Zelaya có phạm luật hay không. Theo báo La Vanguardia, lúc bấy giờ, ông Zelaya đã nói thẳng vào mặt Chủ tịch Quốc hội Roberto Micheletti: “Ông đang làm gì thế, Roberto? Dân bầu tôi, không phải Quốc hội bầu, làm sao ông có thể tước tư cách của tôi được? Ông chỉ là một nghị sĩ hạng hai tồi tệ được giữ ghế trong Quốc hội nhờ tôi cho một chỗ đứng trong đảng này”.

Và cuối cùng, những bất đồng ấy đã dẫn tới việc Tòa án Tối cao ra lệnh bắt giữ ông Zelaya vào sáng 28.6, ngày mà cuộc trưng cầu dự định diễn ra. Trong suốt quá trình bắt giữ và áp giải ông Zelaya sang Costa Rica, quân đội không giải thích một lời nào với công chúng. Nhưng sau đó, Tòa án Tối cao có ra tuyên bố rằng quân đội đã hành động để bảo vệ pháp luật. Trong lệnh bắt giữ của tòa, tội danh của ông Zelaya bao gồm tội phản quốc và lạm quyền, cùng với nhiều tội khác.

Sau khi đã đẩy ông Zelaya sang Costa Rica, Quốc hội Honduras đã vội vã tiến hành một loạt thủ tục, trong đó có việc thông qua cái mà họ gọi là thư từ chức của ông Zelaya và thông qua việc bổ nhiệm ông Roberto Micheletti lên làm quyền tổng thống. Lá thư từ chức trên bị ông Zelaya cáo buộc là giả mạo.

Cuộc chiến ngoại giao

Chưa bao giờ cộng đồng quốc tế lại có một sự đồng điệu trong phản ứng như đối với cuộc chính biến ở Honduras. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên án hành động lật đổ ông Zelaya, theo CNN. Ngoại trưởng Jan Kohout của Czech, quốc gia lúc bấy giờ giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cũng kêu gọi Honduras lập tức vãn hồi tính hiệu lực của hiến pháp. Tổng thống Chavez của Venezuela cũng sử dụng ngôn từ nặng nề. “Chúng tôi công nhận ông Zelaya là vị tổng thống dân cử và hợp hiến của Honduras. Chúng tôi không công nhận ai khác”, đài SkyNews dẫn lời ông Chavez. Tổng thống Venezuela còn đe dọa sẽ sử dụng vũ lực sau khi có tin đại sứ nước này tại Honduras bị khống chế trong suốt thời gian diễn ra vụ bắt giữ ông Zelaya.

Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết xác định cuộc chính biến vừa qua là hành động đảo chính quân sự và yêu cầu Honduras phục chức cho vị tổng thống bị lật đổ. OAS cũng đưa ra yêu sách tương tự và đe dọa sẽ khai trừ Honduras khỏi tổ chức này nếu việc phục chức không được thực thi. Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Liên châu Mỹ thì đã quyết định ngưng tất cả các khoản cho vay đối với Honduras.

Đáp lại tất cả những áp lực đó, chính quyền lâm thời Honduras vẫn kiên quyết không nhượng bộ và đất nước nằm trên dải đất Trung Mỹ này đang đứng trước nguy cơ bị quốc tế cô lập.

Câu hỏi về động cơ

Có một câu hỏi quan trọng: Tại sao cuộc đảo chính lại xảy ra? Theo nhà phân tích Miguel Tinker Salas trên tờ Christian Science Monitor, cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay xuất phát từ bản hiến pháp được soạn thời Chiến tranh lạnh, trong đó không công nhận thủ tục trưng cầu dân ý. Vì thế, quyết định tổ chức trưng cầu của ông Zelaya bị coi là vi hiến. “Những người soạn hiến pháp vốn là các chính trị gia tự do thuộc lớp tinh hoa, họ biết rằng trưng cầu dân ý là thủ tục cơ bản dẫn tới sự thay đổi tại Venezuela, Ecuador, Bolivia. Họ đã giết chết nguy cơ này từ trong trứng”, ông Salas viết.

Nhà phân tích Álvaro Vargas Llosa của Peru lại cho rằng vụ việc vừa qua nằm trong một kịch bản của Tổng thống Venezuela Hugo Chavez nhằm đánh bóng tên tuổi cho đồng minh Zelaya. Ông Chavez đã đặt một cái bẫy nhằm vào quân đội Honduras, và quân đội đã bị sập bẫy. Sau khi vụ đảo chính xảy ra, ông Zelaya từ vị trí là một tổng thống ít được cử tri ủng hộ và sắp hết nhiệm kỳ, lại được thế giới đồng cảm và sẻ chia.

Nhiều nhà quan sát khác lại dựa vào thực tế là Tổng tham mưu trưởng quân đội Romeo Vásquez Velásquez và Tư lệnh không quân Luis Javier Prince Suazo của Honduras là những người được đào tạo tại Mỹ. Các nhà quan sát nghi ngờ rằng vụ binh biến vừa qua có bàn tay của CIA, trong một nỗ lực nhằm ngăn Honduras trôi theo hướng tả.

Dù nguyên nhân thực thụ là gì thì cuộc chính biến vừa qua, vốn được cộng đồng quốc tế coi là hành động đảo chính quân sự, thực sự là một tiến trình phi dân chủ. Và điều này đang bị cộng đồng quốc tế lên án. 

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.