Họa sĩ tranh sơn khắc duy nhất ở Sài Gòn

18/07/2009 21:57 GMT+7

Đứng trước bức tranh mỹ thuật của họa sĩ Vũ Hà Nam với hình 100 con voi được thể hiện trong một khung vẽ dài hơn một sải tay cứ ngỡ tranh sơn mài, song tới gần thì không phải.

Hỏi ra mới biết đó là loại hình mỹ thuật của Việt Nam gần như đang bị lãng quên: tranh sơn khắc. Vậy tranh sơn khắc là gì? Họa sĩ Nam giải thích:

- Tranh sơn khắc ra đời từ gốc tranh sơn mài. Để có một tấm vóc vẽ người ta phủ sơn ta, vải lên tấm gỗ và mài phẳng. Một tấm vóc để vẽ phải được phủ 5, 6 lần sơn để bảo đảm độ bền và trường tồn cùng năm tháng, thường từ 100 - 200 năm. Còn sơn khắc là khắc lên tấm vóc sơn mài, do đó khi phủ sơn người ta phải phủ từ 15 - 20 lớp để đạt độ dày từ 5 mm trở lên.

Sơn khắc trên tấm vóc sơn mài là một phát kiến của ông cha ta mà người làm sơn mài Trung Quốc không biết. Trên thế giới người Nhật Bản cũng làm sơn khắc, nhưng về kỹ thuật khác sơn khắc Việt Nam và khổ thường nhỏ hơn. Tranh sơn khắc đòi hỏi rất kỹ về phác thảo, bố cục, cũng như mảng màu sáng tối mà màu đen của vóc là chủ đạo. Dù trên diện tích bức tranh khổ lớn bao nhiêu nó vẫn rất cần kỹ đến từng cm2, nếu sai gần như bức tranh bị hỏng, mất nét...

Do những yêu cầu ngặt nghèo, tranh sơn khắc Việt Nam xưa nay đều được các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương và Mỹ thuật Gia Định thực hiện với số lượng không nhiều. Ngoài Bắc có cụ Đặng Tin Tưởng, trong Nam có bác Thái Hà chẳng hạn, nhưng các cụ đều đã khuất núi, gần như những tác phẩm đều đã nằm trong các bảo tàng hoặc các bộ sưu tập. Hiện nay, trên thị trường tranh, gần như không còn sơn khắc.

Đây là một loại hình sáng tạo của mỹ thuật nước ta đang có nguy cơ bị mai một. Nguyên do là các họa sĩ trẻ thích tiếp cận sơn dầu, acrylic, hoặc chọn khuynh hướng sáng tác theo những trường phái nghệ thuật đương đại, chú trọng đến yếu tố trực quan, nhằm tác động nhanh chóng đến người xem, với thời gian sáng tác thường ngắn hơn nhiều so với tranh sơn khắc.

Họa sĩ Vũ Hà Nam sinh năm 1962 tại Hà Nội (quê gốc Bến Tre).
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1985.
Có tác phẩm trong nhiều triển lãm nhóm và cá nhân ở Việt Nam và nước ngoài.
Hiện sống và sáng tác tại TP.HCM, xưởng vẽ: 281/41 Lê Văn Sĩ, P.1, Q.Tân Bình.

Tranh sơn khắc từ phôi thai, phác thảo đến lúc hoàn thành có khi kéo dài cả năm hoặc 2 - 3 năm, hoặc lâu hơn nữa, do vậy không hấp dẫn các họa sĩ trẻ cho lắm. Cạnh đó, thị trường chưa đánh giá hết nghệ thuật và công phu thực hiện tranh sơn khắc. Vì phải đầu tư thời gian và công sức hoàn thành tác phẩm nhiều hơn so với các tranh mỹ thuật khác, nên các tác giả tranh sơn khắc không thể bán rẻ, bán nhanh được. Do đó, làm tranh sơn khắc quả thật khó sống.

* Anh cho biết ý nghĩa của tranh 100 con voi?

- Bức ấy lấy bối cảnh từ cao nguyên miền Trung Việt Nam, giáp với Lào, nơi có rừng Khộp và ngày xưa là thiên đường của voi Đông Dương. Bức tranh hoài niệm về một cánh rừng, trảng đất, một thiên nhiên đã phần nào mất đi và quê hương loài voi gần như bị đẩy vào ký ức, trở thành một kỷ niệm buồn. Bức tranh ao ước một tương lai ở ngã ba Đông Dương ấy, lại được thấy đàn voi với một thiên nhiên bình yên.

* Bức Trăm voi được chọn để đưa đến trưng bày trong đợt Triển lãm mỹ thuật Phật giáo tại chùa Phổ Quang - TP.HCM vào dịp đón tượng Phật ngọc 2009 đã qua, hẳn phải phù hợp với sự kiện văn hóa Phật giáo ấy?

- Đúng vậy, ngoài ý nghĩa hoài niệm đã nói ở trên, trong quá trình thực hiện bức sơn khắc trên, tôi gặp một thiền sư kể cho nghe chuyện một con voi được đồng loại kính nể, ngày kia đến trước mặt một vị đại sư để xin thọ giáo. Đại sư hỏi: “Ngươi có gì hơn các loài vật khác?”. Voi thưa: “Con có thể đứng giữa cuồng phong không sợ hãi” - dừng một lát lòng tự mãn tự cao nổi dậy, voi lại nói thêm: “Con cũng có thể đứng bất cứ nơi nào con muốn”. Vị đại sư mỉm cười và bảo: “Vậy thì ngươi hãy đứng trên cọng sen này”. Nói rồi ông đưa ra trước mặt voi một cọng sen với bông sen màu hồng trên chót cọng. Dĩ nhiên voi không thể bước lên, không thể đứng trên ấy được. Bấy giờ một con bướm vàng không biết từ đâu bay đến đã đáp xuống tuyệt vời trên nụ sen. Đại sư bảo voi: “Ngươi thấy đó, thân hình ngươi to lớn nhưng một việc nhỏ như thế ngươi không làm được. Đừng bao giờ nói quá lời về mình!”.

 
Tranh sơn khắc Trăm voi của Vũ Hà Nam, khổ 1,2m x 2,4m

Đó là bài học đầu tiên giúp voi khiêm tốn, tự sửa mình và trưởng thành nhanh chóng. Vị sư trên còn cho biết hình tượng voi được nhắc đến trong các bộ kinh và người ta tôn kính Phật là bậc “Tượng vương” hoặc “Đại tượng vương” như Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn giải thích rõ: “Tỷ như trong đoàn tượng (voi), trong loài tượng (voi), có một voi chúa oai mãnh, khôn lanh hơn dắt đầu, Phật và Bồ tát cũng vậy, là bậc dẫn đạo cho loài người, cho chúng sanh, nên xưng là Tượng vương”. Xưa người ta bảo khi trời mùa hạ chuyển giông, sấm nổ đùng đùng vang động cả không trung, người dưới đất sợ hãi phải bịt tai, lánh vào nhà, nhưng Tượng vương vẫn ung dung bình thản đứng ngoài trời, lắng tai nghe, đưa hai chiếc ngà cong vút hướng lên cao, như sẵn sàng hứng lấy những cơn sấm sét thịnh nộ. Và cứ mỗi lần sấm nổ như thế, là một lần trên đầu nhọn của ngà voi nở hiện một bông hoa, gọi là “tượng nha hoa” tức hoa nở trên ngà voi. Nở mãi đến khi nào sấm im thì hoa kia mới biến mất.

Tánh thiêng liêng nhất (Phật tánh) của tất cả mọi người cũng vậy, không phân biệt tôn giáo, thành phần xã hội, nam nữ, nơi xuất thân, ai ai cũng có Phật tánh của mình nhưng thường bị tiềm ẩn, chỉ khi nào trống pháp đánh vang tánh ấy mới hiển lộ, y hệt như sấm nổ rền “tượng nha hoa” mới nở.

* Anh nói đã phải nghiên cứu nghiền ngẫm về voi Đông Dương, với các dáng đi, đứng, nằm của voi nhiều ngày mới thể hiện qua tạo hình mỹ thuật của tranh sơn khắc được, điều đó chắc hẳn cũng đã cung cấp thêm nhiều tư liệu khác về voi nữa chứ?

- Vâng, tôi biết thêm tại nhiều nơi người ta đã làm lư thắp hương theo hình voi trắng. Họ lấy sức mạnh của voi tượng trưng cho đại lực và chí nguyện gánh vác việc lớn, đánh vỡ sanh tử, cứu vớt và đem lại an sinh xã hội. Còn màu trắng (bạch tượng), là biểu thị của tâm trong sạch, không bị nhiễm bẩn. Điều đó được nhắc đến trong nhiều bộ kinh như Niết bàn, Quá khứ, hiện tại và nhân quả.

Gần đây trong Từ điển Huệ Quang có giải thích thêm, đại ý: vì voi có uy lực lớn mà tính tình lại nhu thuần, nên khi có vị Bồ tát nào giáng sinh vào thai mẹ, thì hiện ra điềm mộng cưỡi voi 6 ngà, hoặc voi trắng, để biểu thị và báo trước nhân vật sẽ ra đời mang tính thiện nhu hòa và sức đại lực cứu đời mãnh liệt. Cũng có tài liệu chép: Đấng chí tôn có 80 vẻ đẹp, dáng đứng như voi chúa (tượng vương), bước đi như ngỗng chúa và dung nghi như sư tử chúa. Xem vậy, voi không chỉ là hình tượng nghệ thuật mà còn là một hình tượng của văn hóa tâm linh mà tôi đã bỏ công sức để thể hiện qua bức sơn khắc Trăm voi suốt hơn 6 tháng.

* Sắp tới, ngoài voi, anh còn định sáng tác, tạo hình mỹ thuật về loài vật nào nữa không?

- Trước đây tôi đã hoàn tất các tranh sơn khắc về 100 con ngựa, 100 con hạc. Sắp tới có thể là... 100 sư tử. Có câu “sư sử nhất hống, bách thú giai cụ” hiểu nôm na là khi sư tử rống lên một tiếng tức khắc trăm loài thú trong rừng phải im tiếng, sợ hãi. Tiếng rống của sư tử có bốn oai nghi. Thứ nhất, làm trí óc các loài thú khác bị tê liệt, tiếng kêu của chúng chìm trong tiếng rống, như các vì sao chìm trong ánh sáng của mặt trăng. Thứ hai, chim đang bay trên trời phải run sợ sà xuống thấp, tìm các ngọn cây rậm rạp để trú ẩn. Thứ ba, cá tôm và các loài thủy tộc khác phải nhanh chóng lặn sâu xuống đáy nước. Thứ tư, loài voi phải nép mình khuất phục.

Bốn oai nghi trên nói lên sức mạnh của sư tử hống, hàng phục thiên ma và đoạn diệt phiền não cho các loài. Vì thế, có thể tôi sẽ vẽ 100 sư tử hống trong những năm tới. Nhưng trước mắt, tôi đang miệt mài với tranh sơn khắc về Thăng Long - Hà Nội, với các phố nghề hình thành trong 1.000 năm lịch sử...

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.