Vay trả góp cũng năm, bảy đường

11/08/2009 12:17 GMT+7

Người vay đang được ngân hàng (NH) chào mời vay tiêu dùng, đặc biệt là vay trả góp, ngắn thì năm, sáu tháng, dài có khi đến 20 năm. Tuy nhiên, vào “thế giới vay trả góp” mới thấy có nhiều hình thức mà người vay cần tìm hiểu để không bị bất ngờ về cách tính lãi.

Cách tính lãi của NH phụ thuộc vào có hay không có tài sản thế chấp. Vay tín chấp lãi suất luôn cao hơn nhiều so với có thế chấp.

Cẩn trọng cách tính lãi gộp

Tùy hình thức đảm bảo cho khoản vay, mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ, NH có những phương thức cho vay trả góp khác nhau. Tuy nhiên, với vay ngắn hạn tín chấp trả góp, các NH thường tính lãi ngay trên số tiền vay ban đầu. Khi đó, dù hằng tháng đã trả một phần vốn gốc cho NH nhưng tiền lãi vẫn được tính trên “cả cục nợ đã vay”, vì thế tiền lãi người vay phải trả cao hơn nhiều so với lãi suất mà NH đã công bố. Do vậy, người vay nên hỏi kỹ nhân viên NH về cách tính lãi, phân biệt tính trên dư nợ giảm dần hay lãi gộp.

Nếu nhân viên NH tư vấn không rõ ràng thì người vay có thể nhận biết NH tính lãi gộp thông qua các dấu hiệu: lãi suất vay được NH thông báo thấp hơn mặt bằng lãi suất vay chung, hoặc lãi suất vay được cố định trong suốt thời gian vay.

Với cách tính lãi gộp ngay trên dư nợ vay ban đầu, hằng tháng người vay đã góp một phần vốn, vì thế dù lãi suất vay thấp nhưng số tiền mà người vay thực trả vẫn rất cao. Ví dụ, khoản vay 100 triệu đồng, trả trong 36 tháng, lãi suất 0,83%/tháng, hằng tháng số tiền phải trả là 3,611 triệu đồng, trong đó 830.000 đồng là tiền lãi, còn lại là góp vốn gốc. Tuy nhiên, do tính lãi trên vốn vay ban đầu nên dù sau 35 tháng góp chỉ còn nợ vốn gốc có 2,78 triệu đồng, người vay vẫn phải trả lãi cho số tiền đã vay là 100 triệu đồng.

Với cách tính lãi này, tuy lãi suất danh nghĩa là thấp nhưng nếu tính ra lãi thực trả có thể lên đến 1,5%/tháng. Trong khi đó cũng với số tiền vay là 100 triệu đồng trong cùng thời hạn nhưng nếu NH tính lãi suất trên dư nợ giảm dần, số tiền lãi người vay phải trả sẽ ít đi rất nhiều so với tính theo lãi gộp.

Lãi suất giảm dần cũng nhiều kiểu

Cân nhắc lãi suất thả nổi

Ngoài quan tâm đến phương thức trả nợ, các chuyên gia cũng lưu ý người vay trả góp dài hạn nên cân nhắc đến lãi suất. Hiện hầu hết các NH đều áp dụng lãi suất thả nổi, sáu tháng điều chỉnh/lần. Có thể trước khi vay, người vay nên thương lượng với NH thời hạn điều chỉnh lãi suất cho phù hợp với thu nhập của mình, tránh trường hợp lãi suất tăng cao dẫn đến khoản tiền phải thanh toán vượt quá khả năng hoặc thu nhập của mình.

Tuy nhiên, hiện các NH chỉ mạnh tay tính lãi gộp với các trường hợp vay tín chấp, trả góp ngắn hạn. Các trường hợp vay trả góp dài hạn, đặc biệt là vay để mua bất động sản thì NH chỉ tính lãi trên dư nợ giảm dần. Lãi ghi trong hợp đồng cũng là lãi suất thực vì số tiền vay lớn. Đổi lại, NH đưa ra điều kiện vay chặt chẽ hơn, phải có thế chấp tài sản.

Theo ông Đàm Thế Thái - giám đốc khối khách hàng cá nhân NH An Bình, với phương thức vay lãi được tính trên dư nợ giảm dần cũng có hai hình thức trả góp. Có thể góp đều một khoản cố định hằng tháng suốt thời gian vay. Theo đó, lãi suất được tính theo dư nợ giảm dần vì thế tiền lãi hằng tháng có thay đổi theo hướng giảm, bù lại số tiền gốc trả hằng tháng có thể tăng lên để tổng số tiền trả hằng tháng không thay đổi.

Với phương thức góp này, người vay có thể rút ngắn thời gian trả nợ nhưng NH phải tính toán và tư vấn thời hạn vay sao cho phù hợp với khả năng trả nợ của người vay. Điểm lợi của phương thức này là người vay có thể dự tính được số tiền sẽ phải trả trong hiện tại và cả tương lai. Hình thức này phù hợp với người có thu nhập cố định từ tiền lương, tiền cho thuê nhà... Còn với phương thức góp đều số nợ gốc hằng tháng, ở những tháng đầu dư nợ cao người vay sẽ chịu lãi suất cao nhưng càng về sau dư nợ giảm dần, khoản tiền trả hằng tháng (gồm gốc và lãi) cũng sẽ giảm. Theo ông Thái, hiện nay người vay trả góp dài hạn thường chọn phương thức trả góp này.

NH linh hoạt

Gần đây nhiều NH đã bắt đầu áp dụng nhiều hình thức trả góp dài hạn mới tùy thuộc thu nhập và nguồn trả nợ của khách hàng. Ông Ngô Xuân Dũng, giám đốc điều hành NH Quốc Tế (VIB) TP.HCM, cho biết ở sản phẩm cho vay trả góp “Ngôi nhà lập nghiệp”, người vay dựa vào thu nhập của mình để lựa chọn trả nợ gốc tăng dần hoặc giảm dần theo thời gian. Kinh nghiệm cho thấy phương thức trả nợ tăng dần phù hợp với CB-CNV mới đi làm có thu nhập giai đoạn đầu thấp nhưng sau này tăng lên.

Chẳng hạn người vay 10 năm, hai năm đầu trả gốc cố định và định kỳ, hai năm tiếp sau có thể trả gốc cao hơn 5-10%... Tuy nhiên, theo ông Dũng, với phương thức này người vay cần tư vấn của NH để cơ cấu định kỳ tăng số nợ gốc trong từng năm phù hợp với thu nhập, tránh áp lực quá lớn về sau này.

Trong cho vay trả góp NH thường có chính sách hỗ trợ, vì thế người vay cũng cần tìm hiểu để được hưởng các ưu đãi này. Ông Đàm Thế Thái cho biết với người vay xây nhà, sửa nhà... có thể NH ân hạn trả nợ gốc trong sáu tháng. Trong thời gian này người vay chỉ trả lãi, không trả vốn gốc. Hiện chương trình cho vay mua nhà của NH An Bình có thời hạn trả góp là 20 năm, có thể người vay được ân hạn trả nợ gốc tối đa 36 tháng.

Theo M.Khanh / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.