Hình thành trật tự kinh tế thế giới mới

26/09/2009 00:50 GMT+7

Các nhà lãnh đạo thế giới hôm qua tuyên bố Nhóm 20 nước phát triển và đang phát triển hàng đầu (G-20) sẽ trở thành tổ chức thường trực điều phối kinh tế thế giới.

Bước chuyển quan trọng này sẽ trao thêm quyền lực cho các nền kinh tế đang nổi, chứ không phải các cường quốc công nghiệp G-8. Sự thay đổi trên được đưa ra tại cuộc họp cấp cao của G-20 kết thúc vào hôm qua tại Pittsburgh. “Hôm nay, các lãnh đạo đã tán thành G-20 là diễn đàn hàng đầu về hợp tác kinh tế quốc tế. Quyết định này đưa đến bàn hội nghị những nước được cần đến nhằm xây dựng một nền kinh tế mạnh hơn và cân đối hơn, cải cách các hệ thống tài chính và cải thiện cuộc sống của những nước nghèo nhất”, hãng tin AFP trích dẫn một thông báo của Nhà Trắng.

G-8 (Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Nga, Mỹ) đã đóng vai trò diễn đàn kinh tế hàng đầu dưới nhiều hình thức khác nhau kể từ năm 1975 và tổ chức các cuộc họp cấp cao được dư luận quốc tế chú ý. Tuy nhiên, 2 năm biến động thị trường tài chính thế giới, vốn khởi phát ở các nước giàu, đã nâng cao vai trò kinh tế của các nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ. Các cuộc họp của G-20, với sự tham dự của các nền kinh tế này, đã trở thành diễn đàn chính để thế giới bàn về khủng hoảng tài chính. Sự kiện ở Pittsburgh là cuộc họp cấp cao thứ ba của G-20 trong chưa đầy 1 năm qua.

G-20 được thành lập vào năm 1999 sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á như một diễn đàn dành cho các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương. G-20 được nâng cấp từ hội nghị cấp bộ trưởng lên cấp nguyên thủ quốc gia vào năm ngoái, khi cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ. Sau cuộc chuyển giao vai trò điều phối kinh tế cho G-20 tại Pittsburgh, G-8 từ nay sẽ chỉ còn là diễn đàn cho các vấn đề về địa-chính trị và an ninh.

Theo hãng tin Reuters, các lãnh đạo G-20 cũng đã đạt được thỏa thuận cải tổ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm trao quyền bỏ phiếu lớn hơn cho một số nước đang phát triển, nhìn nhận sức mạnh kinh tế của họ cũng như vai trò mà họ phải giữ trong việc giúp nền kinh tế thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. Với việc chuyển 5% quyền bỏ phiếu từ các nước phát triển sang các nền kinh tế mới nổi, quyền bỏ phiếu giữa hai nhóm nước phát triển và đang phát triển gần như cân bằng 50:50.

Trong thông cáo chung của hội nghị kết thúc hôm qua (theo giờ Mỹ), các lãnh đạo G-20 cam kết duy trì các biện pháp kích thích cho tới khi sự hồi phục kinh tế toàn cầu được bảo đảm. Họ cũng đồng ý chấn chỉnh hoạt động của ngành tài chính, hạn chế lương, thưởng của giới lãnh đạo ngân hàng và siết chặt quy định về vốn của các ngân hàng. Cũng theo thông cáo chung, trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng mất cân đối trong nền kinh tế thế giới, các nước có thặng dư mậu dịch lớn như Trung Quốc cam kết củng cố nguồn tăng trưởng nội địa, trong khi những nước chịu thâm hụt lớn như Mỹ cam kết có chính sách hỗ trợ tiết kiệm cá nhân. Hội nghị cũng đạt thỏa thuận về việc giảm dần trợ cấp cho việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch nhằm đối phó với nguy cơ ấm dần lên toàn cầu.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.