Hoa hậu Navajo 60 phút níu giữ văn hóa

21/11/2009 14:57 GMT+7

Theo chân một cô gái thổ dân nhút nhát trong cuộc thi sắc đẹp đã tồn tại gần 54 năm trong thầm lặng, bộ phim tài liệu đầu tay Miss Navajo (*) (Hoa hậu Navajo) của đạo diễn Billy Luther đã cuốn hút người xem bằng những khuôn hình giản dị, chân thật đến không ngờ.

Mất ngôn ngữ là mất đi nền văn hóa

Không có những đôi chân dài, số đo chuẩn, nụ cười xinh đến chuyên nghiệp hay công nghệ làm đẹp hỗ trợ, hành trình đến chiếc vương miện của các thí sinh thổ dân Navajo của nước Mỹ cũng không phải là những phần thi dạ hội, áo tắm quyến rũ, mà là một tuần trải nghiệm những điều bất ngờ đến từ chính nền văn hóa đang dần mai một của mình.

Từng ngày trôi qua với những phần thi từ ngộ nghĩnh đến gay cấn. Khác hẳn với nỗi khổ của các thí sinh Việt Nam khi lọng ngọng tiếng Anh trong các kỳ thi sắc đẹp quốc tế, những cô gái Navajo lại mang một nỗi bất hạnh lớn lao: không thể hiểu rõ và diễn đạt trôi chảy tiếng mẹ đẻ. Những giọt mồ hôi, những cái nhíu mày đến tội của các thí sinh lẫn cái nhìn ngao ngán của ban giám khảo đặt ra một nỗi day dứt cho khán giả. Hơn bao giờ hết, người xem thấy thấm thía cái triết lý, cái khẩu hiệu “mất đi ngôn ngữ là mất đi nền văn hóa”.

Người thắng cuộc, không phải là cô gái kiếng cận lù đù Crystal, nhân vật chính của bộ phim mà là một cô gái trải qua trọn vẹn các câu hỏi hóc búa bằng tiếng Navajo và các phần thi kỹ năng ngộ nghĩnh như mổ cừu, nướng bánh, dệt thảm. Nhưng như một kết thúc có hậu, phần thưởng cho Crystal không phải vương miện mà là bài học về nhận thức bản thân và nền văn hóa của chính mình. Nó đủ to lớn để thay đổi cuộc đời cô.

Crystal và những người tham gia cuộc thi cũng tìm được cho mình một định nghĩa mới về hoa hậu, không chỉ là những cô gái “vô cùng xinh đẹp, cưỡi ngựa diễu hành và luôn vẫy tay chào” mà còn là những người gánh cả một sứ mệnh trên vai. “Bạn là hoa hậu. Bạn có thể chỉ gặp một người nào đó một lần trong đời, nhưng ấn tượng người đó dành cho bạn cũng là ấn tượng về cả dân tộc mà bạn đại diện”.

Thành công của một người ít tiền

Billy Luther, đạo diễn của bộ phim được thời báo New York nhận định: “Nếu nhà tỉ phú Donald Trump muốn làm mới lại cuộc thi Hoa hậu Mỹ, có lẽ ông ta nên xem bộ phim Hoa hậu Navajo”. 

“Bộ phim không phải là một câu trả lời, mà là một câu hỏi tôi đặt ra cho bất kỳ nền văn hóa hay dân tộc nào, không chỉ riêng Navajo” - đạo diễn Billy Luther.

Lý do đặc biệt để chàng trai gốc Navajo Billy làm nên bộ phim chính là mẹ anh, bà Sarah Johnson Luther. Bà từng là Hoa hậu Navajo năm 1966 - 1967 và hiện là thành viên của Ủy ban Cựu hoa hậu Navajo. Hoa hậu Navajo đã được chọn chiếu tại lễ khai mạc Liên hoan phim quốc tế Sundance 2007 cũng như lễ khai mạc phim truyền hình quốc gia về Phim độc lập của mạng Truyền thông công cộng (PBS) và đã giành giải “Sáng lập viên đặc biệt” trong Liên hoan phim Traverse City 2007 do đạo diễn nổi tiếng Michael Moore sáng lập. Và mọi người cũng rất bất ngờ khi kinh phí làm nên một bộ phim tài liệu đầy ý nghĩa, sâu lắng chỉ vỏn vẹn 25.000 USD.

Chi tiết khiến rất nhiều người xem thắc mắc khi Crystal luôn có một chiếc máy quay nhỏ để ghi hình các thí sinh, cũng chính là chi tiết thú vị nhất đằng sau bộ phim. Theo lời Billy, đó chính là một giải pháp khi kinh phí quá ít. Riêng ở Navajo, những chuyển biến tích cực mà Hoa hậu Navajo đem đến là việc đưa hẳn ngôn ngữ Navajo vào giảng dạy ở tiểu học. Theo bà Sandra Ruch, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Phim tài liệu quốc tế (một tổ chức phi lợi nhuận với hơn 3.000 thành viên chuyên hỗ trợ các nhà làm phim trên khắp thế giới), Hoa hậu Navajo đem đến một cái nhìn mới về văn hóa trong nước Mỹ cho cả chính người Mỹ như bà.   

Kim
(*) Chiếu tại Cà phê Thứ Bảy, TP.HCM chiều 20.11

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.