Dịch vụ "chặt chém" quanh bệnh viện

16/04/2010 12:50 GMT+7

Xung quanh nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, bệnh nhân và người nhà đang phải chấp nhận tình trạng bị "chặt chém" khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ.

“Hoa quả đắt hơn những nơi khác hàng chục nghìn nhưng thường bị cân thiếu đến vài lạng. Có lần tôi mua 3 quả cam mà họ cân được 1,2kg, biết là cân sai và bị mua đắt, nhưng hàng nào cũng thế nên đành phải mua”, chị Hoàng Thị Tiến, quê ở Vũ Thư, Thái Bình chăm sóc người nhà tại Bệnh viện Bạch Mai phàn nàn.

Theo khảo sát của chúng tôi, hàng quán, thậm chí cả căn-tin trong các bệnh viện thường nâng giá cao hơn bên ngoài, nhất là giá sữa, chẳng hạn các loại sữa bột như Ensure, Anlene... thường đắt hơn bên ngoài vài chục nghìn đồng/hộp, một túi sữa tươi giá 6.000 - 7.000 đồng/túi trong khi bên ngoài 3.500 - 4.000 đồng/túi.

Riêng ở cổng viện Nhi Trung ương thì bỉm (tã em bé) và đồ chơi trẻ em bị nâng giá nhiều nhất, ví dụ bỉm Goon giá khoảng 250.000 đồng/bịch được bán giá 320.000 - 340.000 đồng/bịch. Nhiều mặt hàng còn không rõ ràng xuất xứ và ảnh hưởng đến bệnh nhân và người nhà như trường hợp chị Nguyễn Thị Uyên, quê ở Quế Võ, Bắc Ninh cho biết đã phải mua 60.000 đồng một bịch bỉm cho con nhưng khi dùng cháu bé bị dị ứng, bác sĩ bảo chị đã “mua phải bỉm dỏm”.

Tại cổng Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi còn thấy các chủ quán cáu kỉnh với khách. Một người tên là Hoàng Văn Tung đi chăm em trai bức xúc khi vừa uống xong cốc nước đã bị mời đứng dậy “để cho khách khác còn ngồi”, còn “muốn ngồi thêm thì phải mua thêm thứ khác”, thế nên muốn thư giãn một chút sau giờ trông người bệnh thì “có hôm phải uống no cả nước”, anh Tung cho biết.

Trong số các dịch vụ phục vụ bệnh nhân và người nhà thì cước gọi điện thoại và nhà trọ là thứ bị nâng giá vô tội vạ nhất. Chỉ gọi về quê ở Yên Dũng, Bắc Giang có vài ba câu, chị Ong Thị Ngân đang nuôi con tại Bệnh viện Nhi Trung ương phải thanh toán 45.000 đồng.

Còn chị Nguyễn Thị An cũng chăm con ở bệnh viện này phải cắn răng thuê một phòng trọ khoảng 8m2 với giá 250.000 đồng/ngày. “Phòng vừa bé vừa ẩm thấp, nhưng buộc phải thuê vì ở nhà nào ở đây cũng đắt thế cả”, chị An phàn nàn.

Đáng buồn là giá cả trong căn-tin các bệnh viện cũng chẳng rẻ hơn. Bệnh viện Bạch Mai có hẳn một siêu thị, tuy nhiên giá bán cũng chẳng dễ chịu tí nào. “Bất đắc dĩ thì phải mua, kem Tràng Tiền ở ngoài đắt lắm cũng chỉ 4.000, thế mà ở đây toàn 6.000 đồng/que”, anh Hoàng Văn Nguyên, nuôi con tại khoa Tiêu hóa cho biết.

Trong khi đó, căn-tin của Bệnh viện Xanh Pôn luôn đông khách nên bệnh nhân và người nhà còn phải xếp hàng để vừa mua đắt, vừa “thỉnh thoảng còn bị mấy cô nhân viên mắng cho té tát”, anh Dương Quốc Khánh, quê ở Khoái Châu, Hưng Yên “tố cáo”.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, không chỉ chịu trách nhiệm về chuyên môn, lãnh đạo bệnh viện còn chịu trách nhiệm trực tiếp về các hoạt động kinh doanh một số mặt hàng phục vụ đời sống cho bệnh nhân trong khuôn viên bệnh viện. Dịch vụ này thường được các bệnh viện tổ chức đấu thầu. Tùy vào nội dung hợp đồng, các cơ sở dịch vụ phải tuân thủ điều khoản đã cam kết, bệnh viện có trách nhiệm kiểm tra. Trong trường hợp không hài lòng với các dịch vụ trong bệnh viện, bệnh nhân hoặc người nhà có thể phản ánh qua đường dây nóng. Theo quy định của Bộ Y tế, các bệnh viện đều có số điện thoại nóng, công bố ở phòng khám hoặc nơi đón tiếp bệnh nhân.

Liên Châu

Ngọc Tuyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.