Cẩn trọng với vốn đầu tư gián tiếp

23/05/2010 22:55 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng, nguồn vốn gián tiếp (FII) luôn được hoan nghênh nhưng phải có quy định đi kèm hạn chế đầu tư nóng, vì khi các nhà đầu tư ngoại tháo chạy, sẽ tạo nên “bong bóng” tài sản.

Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phát đi bản thông báo, khuyến cáo nước mới nổi khu vực châu Á, trong đó có VN cẩn trọng với các nguồn vốn gián tiếp (FII) thiếu ổn định. Theo ADB, sự tăng vọt của các dòng vốn ngắn hạn là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, nhưng nó có thể khiến các quốc gia dễ bị tổn thương trước nguy cơ nguồn vốn đầu tư gián tiếp đảo chiều đột ngột hoặc các chuyển dịch tiền tệ đột biến.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) cho biết:

- Tổng nguồn vốn FII đầu tư vào VN thời gian qua khoảng 6 tỉ USD, con số này còn nhỏ so với mức 124 tỉ USD vốn FDI thu hút được, nhưng tốc độ huy động vốn tăng trưởng vượt bậc, vì nó bắt đầu từ con số 0 chỉ trong thời gian khoảng 10 năm. Nguồn vốn gián tiếp ngày càng đóng vai trò quan trọng đối việc huy động vốn đầu tư nước ngoài vào VN.

"Đặc điểm của nguồn vốn gián tiếp mang tính lỏng, đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu với thời gian rất ngắn nên nhà đầu tư có thể rút ra bất cứ lúc nào".
Đặc điểm của nguồn vốn gián tiếp mang tính lỏng, đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu với thời gian rất ngắn nên nhà đầu tư có thể rút ra bất cứ lúc nào. Nếu không có biện pháp giám sát chặt chẽ, không kiểm soát được sự dịch chuyển, khi nó bị rút ra bất ngờ, thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ đổ vỡ vì các nhà đầu tư ồ ạt bán cổ phiếu. Mặt khác, nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy sẽ mang theo một lượng lớn ngoại tệ, khiến nguồn cung trong nước bị thiếu hụt, gây mất cân đối cán cân thanh toán và tỷ giá sẽ vô cùng khó kiểm soát.

* Vậy chúng ta phải có biện pháp gì để giám sát nguồn vốn FII này, thưa ông?

- Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn là cơ quan đầu mối giám sát vốn FII vào và ra khỏi VN thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM). Bởi vì, tất cả các luồng vốn đó đều sử dụng các tài khoản của ngân hàng, thông qua hệ thống báo cáo của các NHTM, NHNN kiểm soát toàn bộ. UBCKNN cũng là một cơ quan giám sát theo dõi luồng vốn đầu tư vào TTCK, nhưng chỉ qua Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) bằng hệ thống đăng ký mã số giao dịch. Vì cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn, nên vừa qua Chính phủ chỉ đạo sát sao, có sự phối hợp giữa các bên để có con số, hình ảnh cụ thể về đầu tư gián tiếp.

* Sự phối hợp giữa các bên là những cơ quan nào và cơ chế giám sát nguồn vốn này ra sao, thưa ông?

- Chính phủ chỉ đạo UBCKNN, NHNN và Bộ KH-ĐT cùng liên kết chặt chẽ, phối hợp giám sát nguồn vốn này. UBCKNN chỉ kiểm soát các nguồn vốn FII thông qua hai sở giao dịch chứng khoán, trong khi ngân hàng kiểm soát qua hệ thống tài khoản tại các NHTM. Nhưng hiện nay, nhiều quỹ đầu tư vào các dự án bất động sản, hạ tầng… mà UBCKNN không thể thống kê hết nên cần phải có sự phối kết hợp. Tuy nhiên, NHNN vẫn là cơ quan đầu mối nắm các số liệu thông qua hệ thống báo cáo của NHTM. UBCKNN sẽ kết hợp và phối hợp chặt chẽ với NHNN để có thể đưa ra các biện pháp phù hợp nhằm kiểm soát sự dịch chuyển của nguồn vốn này.

Trả lời PV Thanh Niên, ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, trước kia các tổ chức như WB, ADB đều phản đối việc các quốc gia mới nổi dùng biện pháp hành chính kiểm soát dòng vốn FII. Tuy nhiên, kể từ khi khủng hoảng tài chính xảy ra, các tổ chức này lại quay ra khuyến cáo nên có sự kiểm soát chặt chẽ thông qua các biện pháp mang tính hành chính. Về vấn đề kiểm soát, đối với một quốc gia, đầu mối kiểm soát dòng vốn là NHNN. Ít nhất, NHNN phải nắm được nguồn vốn vào bao nhiêu, ra bao nhiêu để xây dựng được cán cân thanh toán tổng thể.

Hiện nay, TTCK chưa có hiện tượng tăng nóng, thậm chí những ngày gần đây đi xuống, thị trường ngoại hối cũng chưa có hiện tượng thừa hay thiếu ngoại tệ, nhưng không vì thế mà nguốn vốn FII không thể đảo chiều.

Bài học vẫn còn nóng hổi mà ông Thúy đưa ra, vào các tháng đầu năm 2008 khi FII đảo chiều khiến lãi suất trái phiếu tăng lên trên 20%/năm và tỷ giá lên 19.000 - 20.000 đồng/USD. "VN khó có thể cho rằng chuyện này khó xảy ra, vì tất cả cơ chế như hiện nay nếu không có quy định chặt chẽ đi kèm để tạo ra sự điều tiết hợp lý thì dòng vốn bị khuynh đảo là chuyện bình thường", ông Thúy nói.

Anh Vũ (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.