Ngày Tony Buzan 13.4: lan tỏa sức mạnh của Sơ đồ tư duy

23/12/2022 20:36 GMT+7

Ngày 13.4 - ngày mất của cố Giáo sư Tony Buzan - đã được chọn làm “Ngày Tony Buzan” để nhằm lan tỏa lý tưởng của ông về phương pháp học tập nhẹ nhàng, dễ nhớ.

Trong khuôn khổ cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022 (Vietnam Mindmap Championship 2022) đã chứng kiến lễ ký kết công nhận 13.4 là “Ngày Tony Buzan” nhằm lan tỏa lý tưởng của ông về phương pháp học tập nhẹ nhàng, dễ nhớ, chính là Sơ đồ tư duy.

Tổ chức Mindmap Việt Nam đã đề xuất “Ngày Tony Buzan” nhằm tưởng nhớ và tri ân cống hiến của cố Giáo sư người Anh Tony Buzan (1942 - 2019) trong sự nghiệp nghiên cứu và phát triển phương pháp kích hoạt não bộ.

Chủ tịch Mindmap Việt Nam, Kỷ lục gia Siêu trí nhớ Thế giới Nguyễn Phùng Phong

Ảnh: Trịnh Minh Triết

“Trong Ngày Tony Buzan, các hoạt động nhân văn phi lợi nhuận sẽ được tổ chức với mục đích tưởng nhớ, tri ân sự nghiệp cống hiến, trưng bày kỷ vật, triển lãm sách cùng những hoạt động Sơ đồ tư duy, Siêu trí nhớ dành cho cộng đồng yêu thích phương pháp học tập thông minh. Chúng ta cũng có thể mời bạn bè quốc tế đến Việt Nam để giao lưu, học hỏi về phương pháp Sơ đồ tư duy”, Chủ tịch Mindmap Việt Nam, Kỷ lục gia Siêu trí nhớ Thế giới Nguyễn Phùng Phong cho biết.

Luôn trăn trở về việc học của nhân loại trong suốt sự nghiệp của mình, ông Tony Buzan - một tác giả, nhà tâm lý - đã nỗ lực nghiên cứu trong nhiều năm và phát minh Sơ đồ tư duy vào năm 1968. Ông là tác giả của 92 đầu sách, được dịch ra trên 30 thứ tiếng, xuất bản trên 125 quốc gia và là diễn giả hàng đầu thế giới về não bộ.

“Cha đẻ” của Sơ đồ tư duy bên cạnh một tác phẩm công phu

NGUỒN: TONYBUZAN.COM

Ông Tony Buzan từng đến nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Việt Nam vào năm 2007, để chia sẻ về Sơ đồ tư duy. Đây là phương pháp giúp thay đổi hoàn toàn cách ghi chú truyền thống và còn được mệnh danh là “công cụ vạn năng cho bộ não” và đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho ngành giáo dục trên toàn thế giới.

Trong suốt sự nghiệp của mình, ông Tony Buzan không chỉ tạo ra những bậc thầy về Sơ đồ tư duy, kỹ thuật siêu trí nhớ, kỹ thuật đọc nhanh, mà còn góp phần tạo ra làn sóng mới trong phương pháp tư duy mới trong học tập và làm việc khắp thế giới.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc tạo ra sân chơi cho trí tuệ, ông sáng lập cuộc thi Vô địch Siêu Trí Nhớ đầu tiên tại thủ đô London (Anh) vào năm 1991. Tính đến nay, có 30 giải đấu quốc tế được tổ chức và Bộ môn Thể thao Trí tuệ về Trí Nhớ đã lan rộng ra 50 quốc gia với hơn 100.000 thí sinh tham gia thi đấu.

Nối tiếp sự thành công của cuộc thi Vô địch Siêu Trí Nhớ Thế giới, cuộc thi vô địch Sơ đồ Tư duy Thế giới chính thức ra đời vào năm 1998 và đến nay đã có 13 giải đấu. Tính đến năm 2020, Sơ đồ tư duy chạm mốc hơn 250 triệu người dùng phương pháp này trên toàn thế giới.

Những kỷ vật của Tony Buzan sống mãi với thời gian ở Việt Nam

Sự ra đi đột ngột của giáo sư Tony Buzan vào năm 2019 là sự mất mát lớn nhưng di sản của ông là một niềm an ủi cực kỳ to lớn đối với những người đã và đang áp dụng, lan tỏa các phương pháp tư duy tiên tiến cho thế hệ mai sau.

Sau nỗ lực tổ chức thành công cuộc thi Siêu Trí Nhớ Việt Nam năm 2019 và cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam 2021 và 2022, Tổ chức Mindmap Việt Nam cũng vinh dự được chọn làm đơn vị lưu trữ kỷ vật của cố cố giáo sư Tony Buzan.

Đích thân giáo sư Marek Kasperski, Trưởng ban Trọng tài toàn cầu của Giải vô địch Sơ đồ tư duy và Đọc nhanh thế giới, mang các kỷ vật từ Anh đến Việt Nam vào ngày 18.12.

Kỷ vật để được lưu trữ tại Việt Nam

Ảnh: Trịnh Minh Triết

Bà Lorraine, phu nhân của ông Tony Buzan, ủy quyền cho giáo sư Marek Kasperski - người bạn chí thân của ông Tony Buzan - và quyết định trao 9 kỷ vật để được lưu trữ tại Việt Nam.

“Chúng tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam dẫn đầu thế giới trong việc giới thiệu lý tưởng của ông Tony Buzan và Mindmap cho cộng đồng nhờ vào những nỗ lực của Chủ tịch Mindmap Việt Nam, Kỷ lục gia Siêu trí nhớ Thế giới Nguyễn Phùng Phong - một học trò xuất sắc của ông Tony Buzan”, Giáo sư Marek Kasperski nói.

Trong buổi lễ trao kỷ vật trang trọng tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM) ngày 18.12, Giáo sư Marek Kasperski cho biết một trong số những kỷ vật đặc biệt nhất là chiếc máy đánh chữ đã gắn bó cùng Chủ tịch Tony Buzan trong suốt hành trình sự nghiệp.

Chiếc máy đánh chữ của ông Tony Buza

Lúc sinh thời, ông Tony Buzan dùng chiếc máy đánh chữ này để phác thảo hàng chục quyển sách về tư duy và phương pháp học tập, đặc biệt là “Use your head” (Sử dụng trí tuệ của bạn) làm nên tên tuổi của ông, theo Giáo sư Marek Kasperski.

Giáo sư Marek Kasperski nói: “Tôi cảm thấy rất vinh dự khi hoàn thành nhiệm vụ đưa những kỷ vật của cố Giáo sư Tony Buzan, trao tận tay cho truyền nhân Nguyễn Phùng Phong. Trong tương lai, tôi muốn mang đến Việt Nam thêm nhiều kỷ vật của ông Tony Buzan để cộng đồng Sơ đồ tư duy Việt Nam lẫn thế giới có thể nhìn thấy”.

Về phần mình, ông Nguyễn Phùng Phong cho biết: “Đây là một niềm vinh dự to lớn cho một người học trò như tôi và nói riêng và đội ngũ những người phát triển Sơ đồ Tư duy tại Việt Nam nói chung”.

Bên cạnh đó, Quỹ Tony Buzan được khởi tạo tại Việt Nam vào ngày 17.12 để lan tỏa phương pháp Mindmap ngày càng sâu rộng hơn, nhất là tại khu vực vùng sâu vùng xa ở Việt Nam và Tập đoàn Giáo dục Tâm Trí Lực là đơn vị đầu tiên đóng góp 500 triệu đồng cho quỹ này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.