Ngày truyền thống, nhớ Anh hùng Lao động Đặng Văn Thân, 'linh hồn' cách mạng số ngành bưu điện

Mai Phương
Mai Phương
28/08/2023 10:02 GMT+7

Sau 78 năm (28.8.1945 - 28.8.2023), ngành bưu điện với tư duy đổi mới chuyển từ analog sang digital; chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh... đã thúc đẩy viễn thông Việt Nam phát triển đột phá.

Trong ngày "Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam", nhiều người nhớ về Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Đặng Văn Thân, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, người được coi là "linh hồn" của cách mạng số ngành bưu điện. Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và dám chịu trách nhiệm, đồng chí Đặng Văn Thân cùng các đồng nghiệp của mình đã góp phần để ngành viễn thông trong nước phát triển đột phá, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia và góp phần hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng vì Việt Nam hùng cường.

 Chiến lược "lấy ngoài nuôi trong" để đột phá ngành

Năm 1986, khi đất nước bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới trong điều kiện bị bao vây cấm vận, nền kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu, đồng chí Đặng Văn Thân được giao vị trí Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện. Thời điểm đó, cơ sở vật chất của ngành bưu điện thiếu thốn, trình độ kỹ thuật thấp, doanh thu chủ yếu đến từ các dịch vụ phát hành báo chí và bán tem thư…

Ngày truyền thống, nhớ Anh hùng Lao động Đặng Văn Thân, 'linh hồn' cách mạng số ngành bưu điện - Ảnh 1.

Bối cảnh đó đặt mgành viễn thông Việt Nam đứng trước lựa chọn: tiếp tục sử dụng công nghệ analog hay đi thẳng vào công nghệ số. Lựa chọn này không hề đơn giản khi có tới 98% mạng điện thoại cố định trên thế giới đang sử dụng công nghệ analog.

Chưa kể, mạng analog tại Việt Nam lúc đó vẫn còn khá hiện đại so với ngay các nước xã hội chủ nghĩa khác. Vì thế, thật khó để đưa ra quyết định xóa bỏ mạng lưới cũ, đầu tư công nghệ. Nhất là khi muốn có công nghệ mới thì phải có vốn ngoại tệ. Mà ở thời điểm đó đất nước hầu như không có ngoại tệ để mua thiết bị của các nước tư bản. Rồi điều kiện bảo lãnh qua ngân hàng để vay vốn quốc tế chưa có, tài sản thế chấp cũng không có gì. Bên cạnh đó cũng phải tính đến việc phải làm thế nào để các thế hệ sau khỏi chịu nợ nần...

Ngày truyền thống, nhớ Anh hùng Lao động Đặng Văn Thân, 'linh hồn' cách mạng số ngành bưu điện - Ảnh 2.

Bối cảnh đặt người đứng đầu ngành bưu điện Đặng Văn Thân vào thế khó. Muốn hiện đại hóa ngành thì phải thuyết phục thuận trên, thuận dưới, thuận trong, thuận ngoài cho việc đầu tư công nghệ mới. Nhưng đất nước đang khó khăn bủa vây, vốn ngoại tệ không có nên việc này là bất khả thi. Giữa khát vọng đổi mới và thực tế khó khăn là một khoảng cách quá lớn, đòi hỏi sự lựa chọn và dám quyết của người đứng đầu.

Không ngồi chờ đợi đầu tư của nhà nước, đồng chí Đặng Văn Thân cùng tập thể lãnh đạo ngành bưu điện đã cùng bàn bạc, quyết định giải pháp chính cần phải thực hiện.

Một là không xin tiền mà xin cơ chế! Mạnh dạn xin Nhà nước cho phép hoạt động theo cơ chế tự vay, tự trả với sự bảo trợ của Nhà nước. Hai là, mạnh dạn hội nhập quốc tế, tìm các đối tác nước ngoài, những tập đoàn bưu chính viễn thông mạnh, có tiềm lực về vốn và công nghệ cao để hợp tác; lấy viễn thông quốc tế làm khâu đột phá để thu hút vốn nước ngoài phục vụ đầu tư phát triển trong nước. Thực hiện phương châm "lấy ngoài nuôi trong".

Với quan điểm và các giải pháp đó, ngành bưu điện đã vượt qua bao khó khăn trở ngại để đưa công nghệ hiện đại nhất, công nghệ digital vào Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Phan Tâm nhận xét: Quyết sách của ông Ba Thân khiến nhiều người trong ngành khá lo lắng vì cho rằng mạo hiểm. Bởi lúc đó công nghệ này cũng chỉ mới có khoảng 5% số nước trên thế giới sử dụng.

Anh hùng lao động Đặng Văn Thân- Tượng đài đổi mới của ngành viễn thông Việt Nam - Ảnh 3.

Đồng chí Đặng Văn Thân đã dẫn dắt tập thể ngành bưu điện mạnh dạn hợp tác quốc tế

TƯ LIỆU

"Nhưng lịch sử đã chứng minh quan điểm, tầm nhìn của đồng chí Đặng Văn Thân là đúng và nhờ thế đã tạo nên cuộc cách mạng đổi mới lần thứ nhất trong ngành bưu điện. Kết quả, ngành bưu điện Việt Nam trong những năm 1990 - 2000 đã có sự phát triển thần tốc, gấp 4 lần trung bình khu vực châu Á, gấp gần 10 lần trung bình thế giới cũng được Liên minh Viễn thông quốc tế thừa nhận" - ông Phan Tâm khẳng định.

Sự đúng đắn và thành tựu của quyết định mang tính lịch sử nói trên đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao với nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, bưu điện là ngành kinh tế kỹ thuật đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao vàng với thành tích là ngành tiên phong, đi đầu trong đổi mới với những tiến bộ vượt bậc về công nghệ, dịch vụ và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Cá nhân đồng chí Đặng Văn Thân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.


Đưa viễn thông Việt Nam ngang tầm các nước

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Đặng Văn Thân, ngành bưu điện đã hội nhập quốc tế, được áp dụng lần đầu tiên cơ chế tự vay tự trả để tạo nguồn vốn phát triển. Đồng thời, ngành đã nhạy bén vận dụng phương thức thu cước các cuộc gọi từ người bị nhận ở nước ngoài để tăng nguồn ngoại tệ; đề xuất một số cơ chế tạo vốn nhanh chóng từ các khoản vay nước ngoài được nhà nước bảo lãnh và do ngành bưu điện tự trả.

Quan trọng hơn, chính nhờ những cơ chế chính sách đột phá này mà ngành bưu điện đã có nguồn lực để hiện đại hóa được mạng lưới rộng khắp cả nước, cung cấp đa dịch vụ, quản trị tiên tiến và xây dựng được các doanh nghiệp viễn thông lớn mạnh như ngày nay.

Ngày truyền thống, nhớ Anh hùng Lao động Đặng Văn Thân, 'linh hồn' cách mạng số ngành bưu điện - Ảnh 5.

Kết quả nổi bật có thể kể đến là Tổng cục Bưu điện có hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với Telstra (Úc) vào năm 1988 - một hình thức đầu tư nước ngoài chưa từng được áp dụng ở Việt Nam. Tiếp đó, năm 1995, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam cũng ký một hợp đồng hợp tác kinh doanh với hãng Comvik (Thụy Điển)… Đến năm 1995, mạng viễn thông Việt Nam đã số hóa hoàn toàn đến các tỉnh, thành với hệ thống truyền dẫn, chuyển mạch, tổng đài tự động (trong khi thế giới số hóa chưa được 50% mạng lưới). Công nghệ viễn thông di động công nghệ số (GSM) và đã tạo ra sự bùng nổ dịch vụ thông tin di động đưa dịch vụ này phổ cập đến tất cả người dân Việt Nam. Về mặt công nghệ, mạng viễn thông của ta hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vực.

Ngày truyền thống, nhớ Anh hùng Lao động Đặng Văn Thân, 'linh hồn' cách mạng số ngành bưu điện - Ảnh 6.

Thứ trưởng Phan Tâm phân tích, việc bỏ qua công nghệ đã lỗi thời, đi thẳng vào công nghệ hiện đại là bài học tận dụng cơ hội và lợi thế của người đi sau để có thể phát triển bứt phá. Kế thừa và phát huy tinh thần đổi mới của 30 năm trước, ngành thông tin và truyền thông ngày nay đang thực hiện chuyển đổi số - đổi mới lần hai - với phương châm "Hạ tầng phải đi trước và đi nhanh, đi thẳng vào công nghệ hiện đại, đi trong nhóm đầu của thế giới, làm chủ công nghệ" để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, qua đó có cơ hội hiện thực hóa giấc mơ một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045". 

"Trong đó, bài học từ đổi mới lần thứ nhất của ngành bưu điện chính là nguồn lực đến từ tư duy và thể chế. Tư duy ở đây là cách làm mới, phương thức mới. Cơ chế mới là các quy định mới, nhưng thử nghiệm đột phá mà ngày nay gọi là sandbox, cho phép thực hiện những điều vốn khó được chấp nhận, chưa được chấp nhận rộng rãi một cách có kiểm soát, qua đó khơi thông nguồn lực, dẫn dắt nguồn lực và đưa vào cuộc sống những đổi mới, sáng tạo thay đổi đất nước. Ngành thông tin và truyền thông ngày nay muốn thực hiện chuyển đổi số thành công cần tiếp tục mạnh dạn đề xuất nhiều sandbox như đã từng làm cuối thập kỷ 80. Thể chế đột phá phải đi trước một bước" - ông Tâm nhấn mạnh.

Ngày truyền thống, nhớ Anh hùng Lao động Đặng Văn Thân, 'linh hồn' cách mạng số ngành bưu điện - Ảnh 6.

Những bài học của cuộc đổi mới viễn thông lần một là di sản quý báu mà thế hệ nguyên Tổng cục trưởng Đặng Văn Thân để lại và ngành thông tin truyền thông đã biết kế thừa và phát huy lên tầm cao mới.

Đồng chí Đặng Văn Thân (1932 - 2023) tại xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre trong một gia đình, quê hương giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng. Đặc biệt xã Phước Long là xã Anh hùng của đất Bến Tre "địa linh nhân kiệt". Năm 1966, sau khi tốt nghiệp đại học tại Liên Xô cũ trở về nước, đồng chí công tác tại Viện Khoa học - Kỹ thuật Bưu điện thuộc Tổng cục Bưu điện. Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí được cử trở lại miền Nam công tác với cương vị Phó ban Quân quản bưu điện thành phố và kiêm Phó Giám Đốc Trung tâm Viễn Thông III, sau đó lên làm Giám đốc Trung tâm Viễn thông III. Năm 1984, đồng chí được điều động ra Hà Nội và giữ trọng trách quyền Cục trưởng, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện năm 1986, Bí thư Ban cán sự Đảng Tổng cục Bưu điện, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.