Nghề chỉ trong… một tháng

03/02/2014 13:45 GMT+7

(TNO) Cùng với các loại bánh khác thì chiếc bánh thuẩn được nhiều nơi sử dụng như một nét văn hóa cổ truyền ngày tết. Và ở Huế có một ngôi làng nhỏ ven biển vẫn bám giữ nghề làm bánh thuẩn dù nghề này chỉ diễn ra trong một tháng.

(TNO) Cùng với các loại bánh khác thì chiếc bánh thuẩn (có nơi gọi là bánh xoài) được nhiều nơi sử dụng như một nét văn hóa cổ truyền ngày tết. Và ở Huế có một ngôi làng nhỏ ven biển vẫn bám giữ nghề làm bánh thuẩn dù nghề này chỉ diễn ra trong một tháng.


Con cháu bà Nguyễn Thị Xê đang đổ bánh thuẩn trứng gà cho một gia đình Việt Kiều ở xóm Thủ Ngữ, thôn Hiền Hòa 1 (Vinh Hiền) đặt hàng mang sang Mỹ


Nguyên liệu không còn đánh bằng tay mà đã được đánh bằng máy để bột vừa nhuyễn đều, vừa tăng năng suất

Ngôi làng Hiền An 1 nằm bên cầu Tư Hiền thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) là nơi sản xuất, cung ứng chủ yếu loại bánh thuẩn cho thị trường tết tại địa phương và các tỉnh thành lân cận.

Không chỉ thế, nhiều bà con kiều bào ở Mỹ, Canada, Úc... cũng là khách hàng quen thuộc của những người làm nghề truyền thống đổ bánh thuẩn ở Hiền An 1.

Đưa chúng tôi đến tham quan nghề làm bánh thuẩn ở vùng đất nhỏ nằm ven đầm Cầu Hai và ven biển này, Phó chủ tịch UBND xã Vinh Hiền Nguyễn Tam bộc bạch: “Ở đâu chúng tôi không rõ chứ ở các xã vùng biển và một số địa phương lân cận trong huyện Phú Lộc thì trên mâm cỗ ngày tết không thể thiếu vắng chiếc bánh thuẩn. Nếu vắng chiếc bánh thuẩn trong mâm quả mời khách ngày tết, hay trên mâm cỗ dâng cúng tổ tiên ông bà thì như thấy thiếu đi hương vị cổ truyền”.

Quả thật trong những ngày tết, chúng tôi có dịp viếng thăm nhiều nhà bạn bè, bà con ở Thừa Thiên-Huế thì chiếc bánh thuẩn vẫn được trưng bày trên mâm quả, khay bánh trái mời khách cùng với rất nhiều loại bánh kẹo, thực phẩm “hiện đại”.

Các loại bánh cổ truyền nói chung và bánh thuẩn nói riêng đều thực hiện bằng thủ công, vì thế bánh không phải sản xuất đại trà mà theo đơn đặt hàng hoặc tính toán nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Trải qua hàng trăm năm, người chuyên làm bánh thuẩn ở xã Vinh Hiền nói riêng và huyện Phú Lộc nói chung chỉ còn có 5 hộ và 5 hộ này đều ở thôn Hiền An 1. Trong số đó, có 3 hộ sản xuất lớn là hộ bà Nguyễn Thị Xê, Trương Thị Mai và Nguyễn Thị Bé với số lượng mỗi ngày cho ra lò khoảng 10.000 chiếc bánh. 

Bà Nguyễn Thị Xê, người phụ nữ ngoài 50 tuổi và có tuổi nghề gần 15 năm, cho hay nghề làm bánh thuẩn chỉ diễn ra đúng trong một tháng tết, tức khoảng đầu tháng chạp đến hết tháng chạp. Riêng bà Xê mỗi ngày sản xuất khoảng 4.000 - 5.000 cái. Toàn bộ bánh thuẩn của Hiền An 1 đều cung ứng cho hộ gia đình lẫn các chợ lớn phía nam tỉnh Thừa Thiên-Huế.


Bánh thuẩn Hiền An 1 được nhiều nơi ưa chuộng do chiếc bánh không chỉ ngon mà luôn “nở bung” tạo thành nhiều cánh bắt mắt


Một trong những khâu quan trọng nghề đổ bánh thuẩn là lửa bên trên và dưới khuôn phải cân đối


Bánh được sấy khô bằng hơi nóng của lửa than để bánh giòn, đảm bảo để được lâu ngày
 

Những ngày cận tết, nhà bà Xê phải nhờ thêm con, cháu và thuê cả người ngoài làm bánh để đảm bảo thời gian giao hàng cũng như cung ứng cho các đầu mối ở các chợ.

“Trước đây tôi chỉ là người phụ làm thuê đổ bánh thuẩn cho hàng xóm. Làm lâu nên cũng được họ dạy cho cách làm. Về sau nhà hàng xóm thôi không làm bánh thuẩn nữa thì tôi bày ra làm. Ai ngờ làm cũng rất được khách”, bà Xê tâm sự.

Theo bà Xê, người làm nghề đổ bánh thuẩn khó có thể làm giàu hoặc sống chủ yếu bằng thu nhập của nghề này bởi nó chỉ làm cấp tập trong một tháng tết. Không chỉ thế giá cả lại khó thể bán cao được, ngay trong dịp tết người làm bánh thuẩn ở Hiền An 1 cũng chỉ bán giá gốc mỗi chiếc bánh 140 đồng.

Cái khó của việc đổ bánh thuẩn chính là làm sao chiếc bánh vừa ngon vừa đẹp mà không lạm dụng tạp chất hay hóa chất độc hại. Ngoài bột bình tinh, đường và trứng thì thợ làm bánh có thể thêm một ít chanh cho có hương vị quyến rũ, nhưng phải “vừa tay”.

Tất cả phải thành thục và cân đối về trọng lượng mỗi loại nguyên liệu, đặc biệt chiếc bánh đẹp thì phải đều lửa, cả lửa trên khuôn lẫn dưới khuôn bánh.

“Chỉ cần trật công thức giữa các nguyên liệu và lửa không đều thì chiếc bánh coi như bỏ. Hồi mới làm nghề tôi cũng méo mặt vì nhiều liếp bánh bị cháy, bị 'tịt' chứ không chịu nở”, bà Xê cười tiết lộ.

Bài, ảnh: Đình Toàn

>> Nhớ hương bánh thuẩn, bánh in
>> Bánh thuẫn
>> Làng bánh vào vụ
>> Ở làng bánh tráng An Thạnh
>> Những làng bánh miền Tây
>> Làng bánh chưng ở Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.