Ngoại hạng Anh có cần... ‘biết xấu hổ’?

04/09/2022 07:38 GMT+7

Cơn mua sắm điên cuồng trong mùa hè 2022 đã giúp giải Ngoại hạng Anh (Premier League) thiết lập hàng loạt kỷ lục khó tin trên thị trường chuyển nhượng .

Không ít nghị sĩ Anh tỏ ra khó chịu khi nhìn vào tổng số tiền chuyển nhượng 2 tỉ bảng của cửa sổ mùa hè 2022 và bình luận: “Premier League cần xem lại chính mình. Các CLB thuộc Premier League phải biết xấu hổ”! Câu chuyện càng trở nên đáng tranh cãi khi các đội ngoại hạng chi tiền chuyển nhượng không chùn tay, trong hoàn cảnh xã hội nói chung phải đang cố tiết kiệm vì vật giá leo thang.

Man.City đã phải chi đến 51 triệu bảng mua về Erling Haaland

AFP

Kỷ lục cũ về sức mua sắm trong một mùa hè ở Premier League chỉ là 1,45 tỉ bảng (năm 2017). Bây giờ, con số tăng vọt đến mức ngay cả các tổ chức uy tín cũng không thể thống nhất số liệu chính xác ở thời điểm kết thúc mùa chuyển nhượng. Tổng số là 2,01 tỉ bảng hay 1,9 tỉ bảng là tùy theo người đọc tin vào Deloitte, Transfermarkt, Financial Times hay Daily Mail… Tổng quỹ chuyển nhượng của Premier League còn cao hơn doanh số chuyển nhượng của các giải Serie A, Bundesliga, La Liga cộng lại. Trong suốt lịch sử, chưa có đội nào chi tiền trong một cửa sổ chuyển nhượng nhiều như Chelsea hè này (258,5 triệu bảng). Cũng trong lịch sử, không ai mua nhiều cầu thủ trong một mùa chuyển nhượng như Nottingham Forest (22 cầu thủ). Cách đây chưa tới chục năm, doanh số chuyển nhượng trong mùa hè 2013 của Premier League chỉ là 683 triệu bảng.

Antony ra mắt ở trận Manchester United – Arsenal, có quá vội vàng?

Nghị sĩ Clive Efford bình luận: “Trong thời buổi khủng hoảng về vật giá, lạm phát leo thang, thì bóng đá lại tỏ ra điên rồ. Giới điều hành bóng đá nên chung tay giúp đỡ dân chúng, nên tỏ ra rằng họ biết đóng góp cho cộng đồng. Họ nên nhìn lại chính mình và tự thấy xấu hổ”. Một ý kiến khác từ giới chính khách: “Sẽ đến lúc người dân lo lắng về chuyện không kham nổi tiền xăng, và họ có thể quyết định thà không mua vé xem bóng đá nữa”.

Nhưng tất nhiên, các đội ở Premier League không hề vi phạm luật nào - kể cả các điều luật rất riêng trong thế giới bóng đá. Đã có cái gọi là “công bằng tài chính”, giới hạn số tiền được phép chi tiêu của từng CLB rồi. Ông nghị Efford vốn là cổ động viên trung thành của Millwall, từng nắm giữ Ủy ban thể thao Anh, hẳn càng phải nắm rõ các quy định hơn ai hết. Tiền chuyển nhượng cao hay thấp thật ra cũng chỉ là những cách nhìn mơ hồ. Man.City chi 51 triệu bảng mua về Erling Haaland để lập tức có 9 bàn (gồm 2 hat-trick) chỉ trong 5 trận. Thế là quá hời, quá rẻ rồi, đâu có “điên rồ”!

Sự xuất hiện của những ông chủ mới (luôn đi kèm với việc “bơm tiền” vào đội bóng mới mua) và các hợp đồng truyền hình mới là những nguyên nhân lớn nhất làm bùng nổ thị trường chuyển nhượng trong mùa hè 2022 ở Premier League. Một mặt, các đội bỗng có thêm rất nhiều tiền. Mặt khác, họ thừa tiền trong khi áp lực phải tranh suất dự Champions League ngày càng tăng lên. Mua sắm cầu thủ để tăng cường sức cạnh tranh là cách làm đơn giản nhất. Chuyên gia tài chính bóng đá Rob Wilson đề cập thêm một chi tiết rất đáng chú ý. Theo ông, tình trạng doanh số chuyển nhượng ở Premier League bùng nổ còn đến từ một nguyên nhân quan trọng khác. Các đội bên ngoài nước Anh cố tình “ép giá”, bán cầu thủ giá cao như một cách hưởng lợi gián tiếp từ các nguồn thu truyền hình ở Premier League. Cuối cùng, các ông nghị nặng lời chỉ trích giới bóng đá Anh, nhưng họ lại không đả động gì đến số tiền nộp thuế từ con số 2 tỉ bảng chuyển nhượng kia.

Không riêng gì Man.City với Erling Haaland đình đám, báo chí Anh đánh giá đa số đội bóng vừa trải qua một mùa chuyển nhượng thành công: mua đúng những gì cần mua. Theo thang điểm 10 của tờ The Telegraph thì chỉ có Leicester (3/10) và Bournemouth (4/10) đạt điểm dưới trung bình trong mùa chuyển nhượng. Man.City, Nottingham Forest, Wolverhampton, West Ham, Tottenham là các đội được chấm điểm 8/10 trở lên!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.