Người cha bị hành hung khi bảo vệ con khỏi chó không rọ mõm ở TP.HCM: Góc nhìn luật sư

05/02/2023 19:37 GMT+7

Theo dõi vụ việc người cha bị chủ chó hành hung khi bảo vệ con khỏi chú chó không rọ mõm ở một chung cư TP.HCM, luật sư nhận định như thế nào?

Như Thanh Niên đã thông tin, vụ việc anh Nguyễn Hoàng Dũng (34 tuổi) sống tại chung cư Q.7 Saigon Riverside trên đường Đào Trí, P.Phú Thuận, Q.7 (TP.HCM) bị chủ chó là anh Đào Thế Vinh (28 tuổi) hành hung đến mức nhập viện, khi bảo vệ con trai trước chó thả rông trong chung cư khiến dư luận không khỏi phẫn nộ.

Lời người trong cuộc clip cha bị đánh vì bảo vệ con trước chó không rọ mõm

Nhiều người thắc mắc về quy định của pháp luật trong việc nuôi chó mèo tại chung cư cũng như hành động của chủ chó như trong clip có thể đối diện với hình thức xử lý nào. 

Luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã theo dõi và có những chia sẻ về vụ việc này.

Luật quy định thế nào về việc nuôi chó, mèo ở chung cư?

Trao đổi với Thanh NiênLS Bùi Quốc Tuấn cho biết chung cư được hiểu là nhà chung cư, là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức... 

Người cha bị hành hung khi bảo vệ con khỏi chó không rọ mõm ở TP.HCM: Góc nhìn luật sư - Ảnh 1.

Luật không cấm nuôi chó, mèo trong chung cư.

BẠCH DƯƠNG

Căn cứ vào điểm 3 Điều 35 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định các hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư bao gồm chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư. 

Hơn nữa, theo LS, tại công văn 176/BXD-QLN năm 2021 về việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý sử dụng nhà chung cư ngày 18.01.2021 của Bộ xây dựng, trả lời văn bản số 14371/SXD-QLN&CS ngày 11.12.2020 của Sở Xây dựng TP.HCM cũng nêu rõ: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 35 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2014 thì việc: “Chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư” là hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư”.

Người cha bị hành hung khi bảo vệ con khỏi chó không rọ mõm ở TP.HCM: Góc nhìn luật sư - Ảnh 2.

Tuy nhiên, nếu chung cư có quy định cấm thì cư dân không được nuôi chó, mèo.

CAO AN BIÊN

Do đó, LS Bùi Quốc Tuấn kết luận pháp luật chỉ cấm việc chăn thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư và chó, mèo không phải gia súc nên pháp luật không cấm việc nuôi chó mèo trong chung cư. 

“Tuy nhiên, tại mỗi nhà chung cư thì các chủ sở hữu, người sử dụng phải tuân thủ các quy định trong bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua để bảo đảm việc sử dụng nhà chung cư an toàn, văn minh. Nếu chung cư có quy định cấm thì không được nuôi. Chúng ta nên tôn trọng các thỏa ước chung ở nơi chúng ta đang sinh sống”, LS nhận định.

Xem nhanh 20h ngày 6.2: Điện chính thức tăng giá | Nhà vệ sinh công cộng Việt Nam giành giải lớn

Dắt chó mà không đeo rọ mõm bị xử phạt

LS cho biết theo Điều 603 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra, người nuôi chó mèo mà cắn người thì phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Cụ thể, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại. Nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Về trách nhiệm hình sự, khi chủ vật nuôi dẫn chó ra nơi công cộng, không thực hiện các quy định về đeo rọ mõm, xích khóa….dẫn đến chó cắn chết người. “Ở đây, nếu xác minh được người chủ nuôi chó không có ý định thả chó với mong muốn gây chết người mà việc để chó chạy ra nơi công cộng và gây chết người là do sự cẩu thả, chủ quan của chủ vật nuôi thì người chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người theo Khoản 1, Điều 128 Bộ luật hình sự 2015”, LS nói thêm.

Người cha bị hành hung khi bảo vệ con khỏi chó không rọ mõm ở TP.HCM: Góc nhìn luật sư - Ảnh 3.

Hiện anh Dũng đã đi giám định tỷ lệ thương tật và chờ kết quả.

NVCC

Bên cạnh đó, việc dắt chó mà không đeo rọ mõm như hành vi của chủ chó trong sự việc vừa qua có thể bị xử phạt. LS cho biết theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã có quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. 

“Như vậy khi đưa chó ra nơi công cộng thì chủ chó có thể lựa chọn đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó mà không buộc phải thực hiện cả hai hình thức là rọ mõm cho chó và xích giữ chó. Tuy nhiên phải đảm bảo luôn có người dắt đi nếu không thực hiện thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng”, LS Bùi Quốc Tuấn cho biết.

Theo dõi vụ việc của anh Hoàng Dũng, LS nhận định chủ chó là anh Vinh đã có hành vi đánh anh Dũng, và nạn nhân cũng đã đi giám định tỷ lệ thương tật. Sau khi có kết quả chính thức sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.

Người cha bị hành hung khi bảo vệ con khỏi chó không rọ mõm ở TP.HCM: Góc nhìn luật sư - Ảnh 4.

Theo quy định, người có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm.

NVCC

Theo đó, người có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội cố ý gây thương tích (Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017). “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một số trường hợp, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”, LS tiếp lời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.