Bí thư Thành ủy Hà Nội:

'Người chiến sĩ cộng sản Đào Duy Tùng là tấm gương sáng cho nhân dân noi theo'

13/05/2024 14:01 GMT+7

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, ông Đào Duy Tùng là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, tận tụy, đã dành cả cuộc đời phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, là tấm gương sáng, mẫu mực cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thủ đô noi theo.

Sáng 13.5, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh người chiến sĩ cộng sản Đào Duy Tùng (20.5.1924 - 20.5.2024).

Các đại biểu T.Ư, TP.Hà Nội tham dự buổi lễ

Các đại biểu T.Ư, TP.Hà Nội tham dự buổi lễ

HƯƠNG LY

Trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, ông Đào Duy Tùng là tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, phong cách làm việc dân chủ, khoa học. Cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông Đào Duy Tùng gắn liền với chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất vẻ vang, hào hùng của Đảng ta, nhân dân ta.

Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, lần lượt qua các cương vị lãnh đạo từ cơ sở, huyện, tỉnh đến lãnh đạo cấp cao của Đảng là Bí thư T.Ư Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư, trong bất kỳ hoàn cảnh và cương vị công tác nào, ông Đào Duy Tùng cũng luôn giữ gìn phẩm chất của người cộng sản, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, trung thực, khiêm nhường, làm hết mình, sống giản dị, nghĩa tình và gần gũi mọi người, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại lễ kỷ niệm

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại lễ kỷ niệm

KHẮC HIẾU

Đặc biệt, ông Đào Duy Tùng là một chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận tư tưởng, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng trong công tác tư tưởng, lý luận. Ông đã có những cống hiến to lớn trên nhiều mặt, từ hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, góp phần hình thành các quyết định quan trọng của Đảng đến công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, các nghị quyết, văn kiện của Đảng.

"Đồng chí Đào Duy Tùng - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, tận tụy, suốt đời phấn đấu, đã dành cả cuộc đời phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng - là tấm gương sáng, mẫu mực cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thủ đô noi theo. Đảng bộ và nhân dân Hà Nội rất đỗi tự hào vì có đồng chí Đào Duy Tùng, một trong số những người con ưu tú của thủ đô ngàn năm văn hiến và anh hùng", ông Dũng nhấn mạnh.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, kỷ niệm 100 năm ngày sinh người chiến sĩ cộng sản Đào Duy Tùng, ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tri ân những cống hiến của ông đối với Đảng, nhân dân, chúng ta càng thêm tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và tự hào về thủ đô Hà Nội.

Để đáp ứng yêu cầu mới đặt ra cho thủ đô, tại lễ kỷ niệm, thay mặt Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam TP.Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kêu gọi toàn Đảng bộ, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân thủ đô tiếp tục phát huy cao độ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, học tập và noi theo gương sáng của các thế hệ đi trước, trong đó có ông Đào Duy Tùng để viết tiếp những trang sử hào hùng của thủ đô.

Ông Đào Duy Tùng sinh ngày 20.5.1924. Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, ông đã tham gia lãnh đạo phong trào Việt Minh ở xã từ tháng 4.1945. Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, ông tham gia lãnh đạo nhân dân giành chính quyền tại địa phương, làm cán bộ huyện, xây dựng chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng ở các xã trong huyện.

Tháng 9.1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và cuối năm 1945, khi chi bộ xã được thành lập, ông được giao làm Bí thư Chi bộ xã Cổ Loa.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông kinh qua nhiều vị trí ở cơ sở. Tháng 5.1955, ông về công tác tại Ban Tuyên huấn T.Ư Đảng.

Trong hơn 30 năm hoạt động trên lĩnh vực công tác tư tưởng, ông đã kinh qua nhiều vị trí. Trong đó, tháng 11.1980, ông là Viện trưởng Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin. Tháng 11.1981, ông được bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành T.Ư Đảng.

Tháng 5.1988, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6.1991), ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, được phân công làm Thường trực Ban Bí thư và Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư cho đến tháng 6.1996.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.