Người đàn ông bị máy cuốn vải cuốn đứt rời cẳng chân

Lê Cầm
Lê Cầm
09/05/2024 09:24 GMT+7

Trong lúc làm việc, anh N. (33 tuổi, ngụ TP.HCM) gặp tai nạn lao động, bị máy cuốn vải cuốn đứt rời cẳng chân trái và làm tổn thương đùi phải.

Theo lời kể của đồng nghiệp bệnh nhân, trong lúc làm việc, anh N. chẳng may bị máy cuốn vải cuốn vào chân. Anh được nhân viên y tế công ty sơ cứu băng cầm máu tại chỗ, bảo quản cẳng chân bị đứt lìa, sau đó chuyển đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TP.HCM)

Ngày 9.5, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thành Luân, Phó khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TP.HCM), cho biết tại khoa Cấp cứu, tổng trạng và biểu hiện tim mạch của bệnh nhân đã bắt đầu có dấu hiệu dọa sốc, mạch tăng dần, huyết áp tụt. Các bác sĩ nhanh chóng kích hoạt hệ thống cấp cứu khẩn, bù dịch, chống sốc, giảm đau cho bệnh nhân và giải thích cho người nhà về tiên lượng cũng như nguy cơ của phẫu thuật nối chi. Thời gian từ lúc bệnh nhân nhập cấp cứu đến lúc phẫu thuật chỉ diễn ra trong 15 phút.

Bệnh nhân nhanh chóng được phẫu thuật cắt lọc xử trí vết thương, khâu nối vi phẫu động mạch, tĩnh mạch, cố định xương. Sau 6 giờ, ê kíp phẫu thuật đã khâu nối phục hồi lại toàn bộ cẳng chân trái bị đứt rời và xử trí ổn thỏa tổn thương đùi phải.

Bệnh nhân N. hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật nối chi thể

Bệnh nhân N. hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật nối chi thể

BSCC

"Đây là một ca bệnh tổn thương rất nặng. Do tổn thương “vặn xoắn” kéo giật nên chi đứt lìa bị dập rất nhiều từ phần dưới của đùi cho đến hết cẳng chân. Ngoài ra, động mạch chính của phần đứt lìa bị dập rất nhiều đoạn và đoạn dập kéo dài từ động mạch khoeo cho đến các động mạch vùng giữa cẳng chân. Khả năng nối sống chi rất thấp, khoảng 30 - 40% vì nguy cơ phần động mạch dập sẽ gây huyết khối nhiều. Nhờ dụng cụ nối vi phẫu tốt, kính lúp kính hiển vi có độ phóng đại nhiều lần cùng sự phối hợp nhịp nhàng của ê kíp các chuyên khoa nên ca phẫu thuật diễn ra khá thuận lợi", bác sĩ Luân chia sẻ.

Sau phẫu thuật 2 ngày, bệnh nhân ổn định, tiếp tục được theo dõi điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình. Hiện tại, bệnh nhân đang trên đà hồi phục và tiến triển theo chiều hướng tốt. Sắp tới bệnh nhân N. có thể phải qua 1 - 2 cuộc phẫu thuật nữa để cắt lọc, làm lành vết thương và phục hồi chức năng. Bác sĩ tiên lượng cần đến ít nhất 6 tháng để bệnh nhân có thể đi lại được.

Bảo quản chi thể đúng cách

Bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Văn Thẳng, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, cho biết để nối các chi thể đứt lìa thành công ngoài chuyên môn và trang thiết bị của bệnh viện thì yếu tố quan trọng là các chi thể bị đứt lìa phải được bảo quản đúng.

Bác sĩ Thẳng khuyến cáo người dân cần chú ý an toàn lao động, nếu không may xảy ra tai nạn đứt lìa chi thể, cần bảo quản chi thể đúng để đảm bảo việc phẫu thuật được thuận lợi và khả năng thành công cao hơn. Đó là nhanh chóng rửa sạch phần chi bị đứt lìa bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc nước sạch, sau đó bọc trong lớp gạc vô trùng hoặc vải sạch rồi cho vào trong một túi ni lông, buộc kín túi và cho vào trong xô nước đá (nhiệt độ lý tưởng khoảng 4 độ C - 5 độ C), không để phần chi bị đứt rời tiếp xúc trực tiếp với nước đá vì nếu để lâu có thể gây bỏng lạnh.

Sau đó, cần nhanh chóng chuyển người bệnh đến cơ sở y tế có đủ khả năng thực hiện kỹ thuật vi phẫu ghép nối chi thể đứt lìa, tránh di chuyển nhiều làm mất thời gian vàng có thể cứu sống chi thể. Thời gian vàng để ghép nối bộ phận chi thể bị đứt lìa là 6 tiếng kể từ sau tai nạn, nên cần đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.