Người lạ tứ xứ đến TP.HCM mong qua ‘cửa tử’: Cha mất vẫn chưa thể chịu tang

31/03/2024 05:00 GMT+7

Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP.Thủ Đức, TP.HCM) có hơn 500 bệnh nhi đang điều trị bệnh ung thư. Gia đình của các 'chiến binh nhí' đến từ nhiều địa phương khác nhau, không họ hàng thân thích nhưng những mảnh đời ấy dựa vào nhau để sống và coi nhau như ruột rà. Họ chia sẻ từng miếng cơm, chai nước đến cả nỗi đau bệnh tật.

TP.HCM những ngày cuối tháng 3 nắng nóng gay gắt khiến những bệnh nhi mang bệnh ung thư quái ác càng thêm khó khăn, mệt nhọc. Đầu tuần, khoa Nội 3 (khoa Nhi) ở Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đông hẳn. Người ra, người vào nhộn nhịp nhưng bao trùm lên đó là sự ảm đạm từ những khuôn mặt nhợt nhạt, xanh tái của những đứa trẻ đầu nhẵn thín.

Bệnh ung thư cần thời gian chữa trị lâu dài. Có bệnh nhi bệnh nặng quá phải nhập viện điều trị nội trú, còn lại được điều trị ngoại trú nên khi có lịch hẹn thì lên bệnh viện tái khám, xạ trị và truyền hóa chất.

Khánh kiệt  vì bệnh tật

Gần 2 năm ròng “đóng đô" ở bệnh viện, những đồng bạc tích góp cuối cùng của gia đình em Voòng Vạn Vương (2 tuổi, dân tộc Hoa, quê H.Đăk Glong, Đắk Nông) cạn dần. Em bị phát hiện bệnh ung thư gan, ung thư đường mật, não úng thủy và thận ứ nước khi mới được 2 tháng tuổi.

Bộ dạng phờ phạc, ánh mắt khắc khổ, chị Đỗ Thị Trang (33 tuổi, mẹ của Vương) cho hay vì phát hiện muộn nên bệnh ung thư của Vương đã ở giai đoạn 4 và di căn qua phổi.

Người lạ tứ xứ đến TP.HCM mong qua ‘cửa tử’: Cha mất vẫn chưa thể chịu tang- Ảnh 1.

Cháu Vương bị phát hiện ung thư khi mới 2 tháng tuổi

UYỂN NHI

Vương có đôi mắt to tròn, nụ cười ngây ngô và dáng vẻ nhanh nhảu. Không ai nghĩ em đang bị bệnh ung thư cho đến khi nhìn vết sẹo chạy dài từ ngực xuống. Vết sẹo thành hình sau cuộc đại phẫu.

Vợ chồng chị Trang có 3 người con. Đứa đầu 10 tuổi, đứa giữa 6 tuổi và Vương là con út. Ở quê, 2 vợ chồng chị làm nương, rẫy. Để kiếm thêm thu nhập, chồng chị làm thêm đủ nghề từ phụ hồ, hái tiêu, phát cỏ thuê…, nhưng cũng không được thêm bao nhiêu để nuôi 3 đứa con ăn học.

Từ ngày Vương đổ bệnh, chồng chị hết sức “tăng ca" để kiếm tiền, còn chị Trang bỏ hết việc lên TP.HCM chữa bệnh cho con. Chị cũng đành đoạn gửi nhờ 2 đứa con ở nhà anh trai dưới quê.

Gia đình chị Trang thuộc diện hộ nghèo, được giảm chi phí điều trị nhưng tiền thuốc thang phát sinh cho Vương dao động từ 7 - 20 triệu đồng/toa thuốc, nên bao nhiêu vốn liếng vợ chồng dành dụm trước đây mang ra chạy chữa cho con. Khánh kiệt tiền bạc, 2 vợ chồng chị vay mượn người thân, ngân hàng… Các khoản nợ lên đến 100 triệu đồng.

Bệnh viện là nhà

Vì mang nhiều chứng bệnh nên 2 mẹ con phải đi đi về về giữa Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 và Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) để chữa bệnh. Mỗi dịp cuối năm, thay vì về quê sửa soạn đón tết, chị Trang ở lại bệnh viện để cùng con chống chọi với bệnh tật. “Thời điểm lễ, tết như vậy tôi rất tủi thân. Có sự động viên, an ủi của những người trong bệnh viện, tôi đỡ buồn đi phần nào” - chị Trang nói thêm: “Bệnh viện chính là nhà”.

Ánh mắt đượm buồn miên man, giọng trùng xuống, chị Trang nói khoảng thời gian cùng con chữa bệnh là khoảng thời gian khốn khó của gia đình chị. Có thời điểm ba của chị bị bệnh ung thư rồi qua đời, 2 mẹ con cũng không thể về chịu tang. “Cha tôi mới mất được 100 ngày nhưng tôi không có thời gian về quê thắp hương cho cha. Tôi đau lòng lắm, nhưng đành phải chịu. Con cái bệnh tật không ai chăm nên phải ráng", nói đến đây, chị lau nước mắt.

Người lạ tứ xứ đến TP.HCM mong qua ‘cửa tử’: Cha mất vẫn chưa thể chịu tang- Ảnh 2.

Chị Đỗ Thị Trang sẽ cùng con chiến đấu với bệnh tật đến cùng

UYỂN NHI

Ở bệnh viện lâu ngày, chị Trang cũng dần quen với những bữa cơm vội vàng, những tối phải thức thâu đêm để chăm sóc con. Tên thuốc chống nôn, giảm đau, hạ sốt…, của Vương chị cũng thuộc lòng. Uống giờ nào, truyền thuốc đến khi nào để gọi bác sĩ, chị cũng không dám lệch 1 phút.

Hóa trị ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của Vương. Liên tục phải lấy máu xét nghiệm rồi tiêm thuốc, 2 cánh tay nhỏ xíu của cậu bé chi chít những vết kim tiêm, nát ven, bác sĩ đành lấy ở trên đầu.

Chị Trang tâm sự, chị thương con còn nhỏ mà phải mang nhiều thứ bệnh. Nhìn con nằm trên giường bệnh với những nỗi đau hành hạ, chị chỉ biết cắn răng chiến đấu cùng con và hy vọng phép màu sẽ xảy ra với gia đình.

Ước mơ của chị là gì?, tôi hỏi. Ánh mắt chị Trang hướng về Vương, chị trầm tư một lúc rồi nghẹn ngào: “Tôi chỉ mong con hết bệnh. Còn về tương lai thì tôi không dám nghĩ đến, chỉ biết ngày nào hay ngày đó".

Chúng tôi được sự đồng ý của chị Trang trong việc sử dụng hình ảnh cho bài viết, như là một sự chia sẻ và cổ vũ tinh thần cho gia đình chị vượt qua những tháng ngày gian nan chống chọi bệnh tật nan y.

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi mong bạn đọc có lòng chia sẻ với nhân vật, có thể liên hệ chị Đỗ Thị Trang (mẹ của cháu Vương) qua số điện thoại 0896961214.

Số tài khoản Đỗ Thị Trang 503052774500001 - Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank)

Tình người nơi thập tử nhất sinh

Chị Trang cho biết, ở bệnh viện hầu như các cha mẹ bệnh nhi đều quen mặt, biết tên và bệnh tình của các con đang điều trị tại đây. Các phụ huynh thường lưu số điện thoại của nhau để thường xuyên hỏi thăm bệnh tình của các con. 

Ở nơi đất khách quê người các gia đình bệnh nhi đùm bọc, thương yêu và giúp đỡ nhau vượt qua những ngày khốn khó. “Vô đây rồi mình coi các bé như con mình. Khi các con sốt chị em xúm lại lau, đôi khi còn giúp nhau canh vô thuốc cho các con, dìu con đi vệ sinh”, chị nói.

Người lạ tứ xứ đến TP.HCM mong qua ‘cửa tử’: Cha mất vẫn chưa thể chịu tang- Ảnh 3.

Những bệnh nhi và các gia đình bệnh nhi xem nhau như người 1 nhà

UYỂN NHI

Những ngày Vương được nghỉ sau khi truyền hóa chất, chị Trang sẽ trở về những mái ấm miễn phí để phụ giúp các cha mẹ bệnh nhi nấu đồ ăn từ thiện rồi mang đi phát ở cổng Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2.

“Tới giờ phát cơm rồi, chị ăn cơm chay hay cơm mặn, tui xin giúp cho?”, anh Nguyễn Đình Xuấn (ba của bệnh nhi Nguyễn Bảo Ngọc, quê Cần Thơ) đi một vòng hỏi những bệnh nhi và gia đình ở phòng nội trú 414. Thời gian ở chung phòng, ăn chung thành quen, nay người này bận thì người kia đi lấy cơm giúp. Mười phút sau, anh Xuấn trở về với chiếc giỏ đầy cơm chay, chuyền tay cho những người trong phòng.

Lót miếng giấy hình chữ nhật làm mâm, anh Xuấn bày đồ ăn vừa xin lên mâm rồi những người trong phòng cùng ngồi ăn như người một nhà. Bữa ăn của họ đạm bạc với vài món đơn giản nhưng ấm áp tình người. Họ tâm sự, an ủi, động viên nhau từ câu chuyện bệnh tật đến chuyện gia đình.

Phòng nội trú 414 ở có 8 giường nhưng có đến mười mấy đứa trẻ, đứa nằm giường, đứa lăn lê dưới sàn. "Phòng bệnh không đông vậy đâu. Mấy bé khỏe hơn thì được về nhà, nhưng mỗi lần tới khám đều phải chờ cả ngày hoặc phải chờ có máu để truyền, không thể về được nên hay vô đây nghỉ ngơi, ăn uống, đợi làm cho xong. Mọi người cùng cảnh với nhau nên thông cảm và cũng quen mặt nhau hết rồi", một mẹ bệnh nhi trong phòng chia sẻ.

Người lạ tứ xứ đến TP.HCM mong qua ‘cửa tử’: Cha mất vẫn chưa thể chịu tang- Ảnh 4.

Các phụ huynh cùng chung tay tổ chức tiệc sinh nhật miễn phí cho các bệnh nhi

UYỂN NHI

Tâm sự với chúng tôi, các mẹ bệnh nhi nói mỗi lần có cháu không thể qua khỏi, như thường lệ, mọi người đều an ủi, động viên gia đình kém may mắn cố gắng vượt qua. Dù điều kiện ai cũng eo hẹp, khó khăn nhưng vẫn đều ít nhiều góp chút tiền giúp thuê xe đưa con về quê.

Gần 30 ngày lui tới ở Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 và các mái ấm miễn phí, chúng tôi không khỏi xúc động về tình cảm ấm áp, lòng tốt của các người nhà bệnh nhân dành cho nhau. Họ trở thành người thân, trao nhau cái ơn giữa cuộc đời.

Ung thư gan là gì?

Theo chuyên gia y tế, bệnh ung thư gan hiếm gặp ở trẻ em. Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1% tổng số ung thư trẻ em. Chỉ có khoảng 1,5 ca ung thư gan trên 1 triệu trẻ em dưới 15 tuổi.

Theo chuyên gia, trẻ dưới 3 tuổi thường gặp nhất là u nguyên bào gan, u có dạng một khối u đơn độc, khoảng 70% có khả năng mổ được. Đặc biệt, bệnh nhạy với thuốc hóa trị nên điều trị kết hợp mổ cắt bỏ u và hóa trị cho kết quả tốt. Có khoảng 80% trường hợp sống thêm 5 năm sau điều trị.

Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, trên 90% trường hợp trẻ mắc bệnh có nhiều cơ may khỏi bệnh. Trường hợp u nguyên bào gan được phát hiện muộn, khối u to không thể mổ cắt được hoặc có di căn xa, kết quả điều trị thấp hơn.

Kiểm tra với bác sĩ của con bạn nếu con bạn có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây để việc điều trị được tiến hành kịp thời:

  • Một khối u ở bụng có thể gây đau đớn
  • Sưng ở bụng
  • Giảm cân không rõ lý do
  • Buồn nôn và ói mửa
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.