Lan tỏa trên mạng xã hội

Người phụ nữ U.70 chinh phục những cung đường khó

Phan Diệp
Phan Diệp
29/02/2024 11:46 GMT+7

Ở tuổi 62, bà Đặng Hiền (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn đủ sức vượt qua bãi cát dài dưới nắng gắt hay chinh phục đỉnh Tà Đùng cao gần 2.000 m. Tinh thần không bỏ cuộc, không làm phiền người khác của bà khiến dân mạng cảm phục.

"Sợ ì"

Thích "xê dịch" từ thời trẻ nhưng khi xưa, bà Hiền không dám lên đường. Làm mẹ đơn thân từ khi con mới 1 tuổi, điều kiện kinh tế và thời gian không cho phép bà đi đâu xa. 10 năm trước, sau khi người con ra trường và có công việc ổn định, bà bắt đầu thực hiện ước mơ của mình.

Người phụ nữ U.70 chinh phục những cung đường khó- Ảnh 1.

Tuổi cao, tóc bạc nhưng bà Hiền luôn là người truyền năng lượng tích cực đến các thành viên trẻ tuổi trong nhóm leo núi

Ảnh: NVCC

Đầu tiên, bà Hiền đăng ký các tour đi du lịch nước ngoài. Sau vài lần, bà thấy mình không hợp với hình thức du lịch này vì… "nhàn quá". Vậy là bà lên mạng xã hội tham gia các nhóm có sở thích đi du lịch tự túc. Thấy ai đăng bài tìm đồng đội, bà lập tức xin theo. Bà tự tìm hiểu cách thức xin visa, chuẩn bị hành trang... Bạn đồng hành của bà Hiền từ khắp nơi nên có khi ra sân bay, mọi người mới biết mặt nhau.

"Người trẻ hoặc người giỏi ngoại ngữ thì điền thông tin xin visa nhanh hơn. Tôi có tuổi nên làm gì cũng chậm nhưng tôi phải cố gắng. Đó cũng là một cách tập luyện cho trí não của mình. Sợ nhất là tuổi già bị ì, chuyện gì cũng không dám làm. Khi hồ sơ được duyệt, cảm giác thật tuyệt vời", bà lạc quan chia sẻ.

Bà khám phá được khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thì dịch Covid-19 ập đến. Gặp khó khăn khi "đi bụi" ngoài nước, bà tìm đến những chuyến đi trong nước để trở về với thiên nhiên.

Người phụ nữ U.70 chinh phục những cung đường khó- Ảnh 2.

Với người lớn tuổi như bà Hiền, xuống núi khó hơn lên núi

Có nền tảng sức khỏe tốt, cộng thêm sở thích đi bộ, bà Hiền đến với trekking. Đây là hoạt động du lịch dã ngoại với những chuyến đi bộ đường dài/đi bộ leo núi nhiều ngày, băng qua những cung đường với đủ loại địa hình, đòi hỏi sức lực và sự dẻo dai. "Sức của một người 60 tuổi tất nhiên không bằng người 40 tuổi. Tôi không nhận mình khỏe hơn ai cả, quan trọng là ý chí của mình, muốn đi, muốn chinh phục và tin vào bản thân", bà Hiền nói.

Để chuẩn bị cho những chuyến đi, bà tập luyện mỗi ngày như bơi liên tục hay chạy bộ trong 1 tiếng. Sống ở chung cư, bà chọn đi thang bộ thay vì thang máy. Mỗi người đều có quan niệm riêng về du lịch, có người thích nghỉ dưỡng, số khác lại thích "hành xác" ví dụ như leo núi. Với bà Hiền, trekking là thử thách giúp bà vượt lên chính mình, dù ở độ tuổi U.70.

Bên cạnh đó, người con duy nhất của bà Hiền lập nghiệp ở nước ngoài nên bà muốn sống vui, sống khỏe để con không phải lo lắng cho mình.

Tháng nào cũng leo núi

Mới quen nhau qua mạng xã hội tháng trước, nên anh Đoàn Ngọc, trưởng nhóm leo núi Tà Đùng, không biết bà Hiền đã ngoài 60 tuổi, cho đến khi cần cung cấp thông tin cá nhân để đặt vé.

Người phụ nữ U.70 chinh phục những cung đường khó- Ảnh 3.

Bà Hiền chinh phục hồ Kawah Ijen (Indonesia), hồ axit lớn nhất thế giới, nằm ở miệng núi lửa có độ cao 2.300 m so với mực nước biển

"Thấy cô có tuổi, ban đầu mình hoang mang vì sợ sẽ không theo nổi đoàn. Trong quá trình leo núi, mình ấn tượng với cô vì rất mạnh mẽ, ý kiên cường, dù mệt, đau hay vấp té vẫn không than vãn. Cô luôn vui vẻ trong các tình huống", anh Ngọc chia sẻ.

Trên cung đường 26 km chinh phục đỉnh Tà Đùng cao gần 2.000 m ở Đắk Nông, bà Hiền không gặp bất kỳ khó khăn nào cho đến lúc di chuyển xuống chân núi. "Hôm đó chúng tôi cắm trại ngủ qua đêm trên đỉnh. Đã thấm mệt, lại lớn tuổi nên cơ thể chậm hồi phục hơn các bạn trẻ. Tôi cũng không còn dẻo dai nữa nên trên đường đi xuống tôi vấp té nhiều lần không đếm xuể", bà kể.

Tuy nhiên, thử thách đó vẫn chưa là gì so với chuyến trekking chinh phục điểm cực Đông của đất nước ở Mũi Đôi, Khánh Hòa. Khi xuất phát, bà Hiền gặp ngay bãi cát dài vài ki lô mét nên bước chân lún sâu, thấy nặng nề. Cộng thêm nắng gắt, người phụ nữ lớn tuổi nhất đoàn hôm ấy cảm nhận đó là thử thách lớn nhất trong 10 năm "đi bụi" của mình. "Tôi có thể đi chậm, mọi người sẽ chờ. Tôi không thể quay trở lại vì sẽ ảnh hưởng đến cả đoàn nên cố gắng đi tiếp đến đích", bà Hiền kể.

Các chuyến đi của bà chủ yếu là leo núi nên bà Hiền dần dần "đơn giản hóa" hành trang. Lúc trước, trong những chuyến du lịch nước ngoài, bà cũng từng mang theo nhiều quần áo để thay đổi, chụp nhiều kiểu hình đẹp. Giờ đây, bà bỏ luôn thói quen này, chỉ tập trung vào mục tiêu duy nhất là cảm nhận và khám phá thiên nhiên trước mắt mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.