Nhân ngày Ngành thể thao Việt Nam: Đừng ‘bỏ rơi’ vận động viên!

27/03/2021 08:31 GMT+7

Tạo điều kiện để các vận động viên sau khi giải nghệ có thể kiếm được việc làm là chủ trương đúng đắn của nhà nước.

Tuy nhiên, dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn phong đẳng cấp vận động viên thể thao thành tích cao lại chưa thực sự bảo vệ quyền lợi này.
Tại luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thể dục, thể thao có điều khoản chi tiết, khẳng định chính sách ưu đãi đối với vận động viên (VĐV): “VĐV không còn khả năng thi đấu thể thao được nhà nước tạo điều kiện học nghề và giải quyết việc làm theo quy định của pháp luật, được ưu tiên tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở thể thao”.
Để thực hiện chế độ ưu tiên tuyển dụng vào làm việc, điểm a khoản 1 điều 13 Nghị định 36/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2019 quy định chi tiết một số điều của luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thể dục, thể thao, nêu rõ: “VĐV có đẳng cấp từ cấp 2 trở lên đủ điều kiện làm người hướng dẫn tập luyện tại các cơ sở thể thao bao gồm các doanh nghiệp, các phòng tập, các trung tâm tập luyện thể thao…”. Điều này có nghĩa là chỉ cần có đẳng cấp (thứ tự đẳng cấp VĐV từ thấp đến cao là: cấp 2; cấp 1; kiện tướng), VĐV đã đủ điều kiện làm người hướng dẫn tập luyện thể thao tại các cơ sở thể thao.
Hiện Tổng cục TDTT xây dựng dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn phong đẳng cấp VĐV thành tích cao, trong đó đề xuất khi phong cấp phải bảo đảm nguyên tắc “Căn cứ thành tích, trình độ của VĐV tại các giải thi đấu thể thao trong hệ thống thi đấu chính thức của quốc gia, các đại hội thể thao quốc tế và các giải trong hệ thống thi đấu chính thức của các liên đoàn thể thao quốc tế hằng năm”. Theo dự thảo thông tư, việc phong cấp được tiến hành khi VĐV đạt thành tích hoặc tham gia thi đấu tại các giải. Mỗi năm VĐV có thể lại có một đẳng cấp mới, thậm chí trong cùng một năm, VĐV được phong nhiều đẳng cấp. Tức là đẳng cấp có tính thời điểm, chỉ khi nào thi đấu có thành tích mới được phong đẳng cấp. Sau khi không thi đấu hoặc thi đấu không đạt thành tích, thì VĐV không có đẳng cấp nào. Lúc này, nếu đi tìm công ăn việc làm, chẳng hạn như muốn đăng ký trở thành người hướng dẫn tập luyện tại các cơ sở thể thao theo quy định của pháp luật, thì sẽ không đủ điều kiện. Như vậy có thể nói dự thảo thông tư này là bước thụt lùi trong quá trình xây dựng chính sách ưu đãi cho VĐV.
Tập luyện và thi đấu thể thao là loại hình lao động đặc biệt, mang tính đặc thù. Trong cuộc đời một VĐV, nhiều khi phải trải qua một quá trình dài gian nan, khổ luyện mới đạt được thành tích tốt nhất và duy nhất một lần trong đời. Vì thế, cần tôn vinh VĐV bằng cách phong đẳng cấp cho cả một quá trình cống hiến của VĐV. Mỗi đẳng cấp chỉ phong một lần và có giá trị vĩnh viễn. Nếu phong đẳng cấp tràn lan theo từng giải sẽ mất ý nghĩa và giá trị của việc phong cấp. Và quan trọng hơn hủy bỏ lần phong cấp cũ để phong cấp mới dựa trên kết quả của giải đấu kế tiếp mà nếu VĐV không đạt thành tích ở giải đấu này thì VĐV đó sẽ vô cùng thiệt thòi.
Hôm nay, đúng vào Ngày thể thao Việt Nam 27.3, ngành thể thao sẽ tổ chức chương trình “Vinh quang thể thao Việt Nam” và lễ trao thưởng vận động viên, huấn luyện viên tiêu biểu. Sẽ càng có ý nghĩa hơn nếu như ngành có chính sách tốt hỗ trợ vận động viên để họ có tương lai tốt khi không còn trên đỉnh cao sự nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.