Nhật ký World Cup 2018: 'Anh ơi, anh có vé bán không?'

12/07/2018 14:48 GMT+7

“Anh biết chỗ nào bán vé trận chung kết không? Giá bao nhiêu tôi cũng mua”, chàng trai Anh George Falck đã hỏi tôi như thế, ngay trước trận bán kết Anh - Croatia trên sân Luzhniki.

Hôm qua, trong khi tôi đang làm chương trình trực tuyến trước sân Luzhniki đã tình cờ gặp anh Quân quê Hà Tĩnh. Anh Quân cùng bạn vừa đến Moscow để xem 2 trận đấu, trận Anh - Croatia và sau đó là trận chung kết. Để được vào sân xem hai trận cầu đỉnh cao này, anh phải bỏ ra 3.500 USD tiền vé (khoảng 80 triệu đồng), bao gồm 1 vé bán kết giá 1.000 USD và 1 vé chung kết 2.500 USD.
“Giá vé rất cao nhưng vẫn phải mua anh ạ. Được vào sân xem trận chung kết World Cup đâu phải là chuyện dễ dàng”, anh Quân chia sẻ. Đấy là anh mua khá sớm nên giá còn thấp, chứ thực tế giá hiện tại “ngoài thị trường tự do” đã tăng rất nhiều lần. Vào hôm kia, anh bạn người Anh George Falck nhắn cho tôi: “Hùng ơi, anh biết chỗ nào bán vé trận chung kết không? Trong trường hợp Anh vào chung kết, tôi sẵn sàng trả giá cao”. Cụm từ “sẵn sàng trả giá cao” trong bối cảnh hiện tại phải được hiểu là “sẵn sàng trả hàng ngàn, thậm chí cả chục ngàn USD”. Tôi đã thử hỏi qua vài người bạn, là du học sinh VN tại Nga, họ bảo có vé bán lại nhưng vé loại 3 đã là 5.000 USD.
Ở trung tâm Moscow, hôm qua tôi gặp rất nhiều người cầm tấm biển “Tôi cần vé” (I need ticket), một hình ảnh mà tôi từng gặp không biết bao nhiêu lần tại các giải bóng đá lớn như World Cup và EURO. Thực ra, có nhiều người trong số họ là người thực sự cần vé, nhưng một số khác là những người nằm trong các đường dây bán vé. Một người cầm biển “cần vé” thì chắc chắn rằng xung quanh anh ta luôn có vài người sẵn sàng bán vé. Tôi đã tiếp cận vài chỗ, hỏi ra thì đều được chào những mức giá cao tới khó tin. Một cặp vé CAT 2 (loại 2) cho trận bán kết Anh - Croatia được một anh chàng ở quảng trường Cách mạng kêu giá 10.000 USD. Có hai cổ động viên Anh sau một hồi mặc cả đã mua với giá 9.200 USD.
Trong khi đó, vé cho trận chung kết cùng loại đó được chính những người này chào giá 15.000 USD/vé. Đấy là giá của 4 hạng phổ biến. Ngoài ra, còn có loại vé đặc biệt gọi là “hospitality” (dành cho khách mời, nhà tài trợ, hoặc mua giá cao) cũng được rao bán trong những ngày này, kể cả bán bằng hình thức truyền thống “tiền trao cháo múc” ngay tại chỗ lẫn bán trên mạng. Mua vé “hospitality” thì bên cạnh việc được ngồi ghế da, sử dụng đồ ăn, thức uống (tùy hạng mà có các tùy chọn khác nhau), bạn còn có cơ hội tiếp cận chụp hình với người nổi tiếng, chẳng hạn trong trận đấu của Anh thì thường có David Beckham; trong trận đấu của Argentina thì thường có Diego Maradona. Cho nên, vé này thường mỗi chiếc được bán với giá có khi lên tới 50.000 USD. Cá biệt, có kênh trực tuyến rao bán giá một vé VIP của trận chung kết lên tới 104.000 USD.
Tại World Cup 2018, FIFA bán vé qua kênh trực tuyến chính thức của họ. Và đó là kênh duy nhất hợp pháp, được thừa nhận. Người mua vé sẽ được cấp 1 FAN ID với mã số và các thông tin, hình ảnh cá nhân. Đây là cách quản lý mới nhằm triệt tiêu vé giả, vé chợ đen. Tuy nhiên, trên thực tế thì người mua vé xong rồi vẫn có thể nhượng lại được, và một người mang ID này nhưng sử dụng vé khác vẫn được, quan trọng vé đó được máy quét mã ở sân chấp nhận thôi, chứ nhân viên soát vé không đối chiếu vé và FAN ID. Đấy chính là lỗ hổng để thị trường vé chợ đen hoạt động khá sôi động tại World Cup lần này, đặc biệt là vào giai đoạn tối hậu.
Tại World Cup 2018, nhiều bạn trẻ VN đã “kiếm thêm thu nhập” bằng hình thức bán lại vé cho đồng hương. Nếu không có nhiều tiền để có thể đầu cơ nhiều, mỗi bạn chỉ cần giữ chừng 10 - 20 vé và bán lại với giá từ gấp đôi, gấp ba lần giá gốc là cũng có thể kiếm được một khoản thu nhập không nhỏ. “Nếu bán không được thì sao? Ôm luôn hả em?”, tôi đã hỏi một cậu sinh viên gốc Việt tình cờ gặp ở Saint Petersburg. Cậu chỉ cười, nhưng anh bạn đi cùng là dân VN sang xem bóng đá và đã mua vé của cậu thì mau miệng đáp: “Không bán được thì vô xem luôn, có lỗ đâu mà sợ!”. Quả đúng như vậy, cầm 10 vé trong tay, nếu còn lại 1 - 2 vé mà bán không được thì có thể tự thưởng cho mình một trận cầu. Không tối ưu hóa được lợi nhuận nhưng nhìn chung cũng không lỗ cho lắm.
Hoạt động vé chợ đen hiện tại phát sinh ngoài ý muốn của FIFA cũng như của chủ nhà Nga. Trên thực tế, FIFA và Nga có những quy định cấm việc bán lại vé, nếu bị phát hiện thì phe vé có thể bị truy tố. Nếu như ban tổ chức làm căng, những người mua lại vé phút chót mà không có FAN ID tương ứng vẫn có thể đối mặt với nguy cơ không được vào sân. Tuy nhiên, đến nay ban tổ chức vẫn có vẻ đang du di cho những người yêu bóng đá nên chưa làm căng quá mức, thành ra hoạt động mua bán vẫn diễn ra rất nhộn nhịp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.