Nhiều bạn trẻ hoang mang vì bị... sa thải ngầm

21/07/2023 13:51 GMT+7

Nhiều người trẻ cho rằng hiện nay có những công ty chọn cách gây áp lực tâm lý cho nhân viên để họ phải tự tay viết đơn xin nghỉ thay vì sa thải đúng quy trình.

Chán nản, mất niềm tin vào bản thân

Cuối tháng 12.2022, Trần Thu Thảo (28 tuổi), ngụ tại P.22, Q.Bình Thạnh, bị giám đốc nhiều lần nói rằng không tìm được điểm chung giữa Thảo và công ty. Thảo chưa hiểu rằng đang bị "sa thải ngầm" nên vẫn cố gắng làm việc. Một hôm, giám đốc yêu cầu Thảo viết đơn xin nghỉ gấp trong vòng 10 ngày khiến Thảo hoang mang nhưng đành chấp nhận.

Sau khi viết đơn nghỉ việc và được duyệt, công ty hoàn toàn không có trợ cấp hay những khoản phí hỗ trợ Thảo. Thậm chí, chế độ lương thưởng khi chưa được trả cũng bị cắt ngang, coi như mất.

“Mình biết công ty đang gặp khó khăn. Nhưng kiểu sa thải nhân viên như này đối với mình là không nhân văn. Nếu muốn nhân viên tự xin nghỉ việc, công ty cần phải có thời gian để nhân viên có thể tìm kiếm chỗ làm mới. Tuy vậy, mình vẫn nhẹ nhàng chấp nhận, vì cũng không muốn ồn ào sau khi rời đi”, Thảo tâm sự.

Muôn kiểu ‘sa thải ngầm’ của doanh nghiệp - Ảnh 1.

Với những người trẻ đi làm, các bạn sợ nhất là bị... sa thải ngầm

Trí Nghĩa

Mệt mỏi hơn, Ngô Thị Lan (29 tuổi), ngụ tại P.8, Q.Gò Vấp, TP.HCM, làm việc tại một công ty agency tại Q.1, TP.HCM. Hằng ngày, Lan lên công ty phải tự tìm việc cho mình vì không được trưởng nhóm giao việc. Đáng nói hơn, khi đã được trở thành nhân viên chính thức sau 3 tháng thử việc, công ty đột ngột cho Lan thêm vài tháng thử việc nữa và cắt giảm lương.

“Điều này làm mình rất nản lòng, nhiều lần muốn từ bỏ. Nhưng mình phải tiếp tục bám theo công việc để có thêm kinh nghiệm. Chỉ cần viết đơn xin nghỉ, mọi công sức nhiều tháng trời như đổ sông đổ bể, công ty cũng không phải chịu trách nhiệm gì ngoài việc ký cho nhân viên nghỉ”, Lan nói về nỗi lo lắng.

Chuyên gia nghiên cứu thị trường Trần Hùng Thiện, nhà sáng lập GCOMM Research, cho biết bên cạnh việc sa thải nhân viên một cách chính thức thì cũng có công ty tìm nhiều cách khác nhau để nhân viên cảm thấy mình nên tự nghỉ việc. Đây có thể gọi là hành động "sa thải ngầm".

Theo ông Thiện, công ty "sa thải ngầm" thường do luật không cho phép sa thải những nhân viên "tệ" quá trong mắt công ty. Họ "sa thải ngầm" vì sợ ảnh hưởng đến uy tín công ty, sau này khó tuyển nhân sự mới. Một số trường hợp, mặc dù nhân viên đó không được việc nhưng đạo đức rất tốt nên doanh nghiệp chọn hình thức này vì không muốn làm nhân viên mất mặt. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không muốn phải đền hợp đồng nếu sa thải nhân viên nên họ tìm cách để nhân viên tự xin nghỉ.

“Điều tốt nhất một người bị sa thải ngầm nên làm là cố gắng bảo vệ thanh danh của mình và không làm điều gì sai trái. Nghỉ việc vì lý do gì cũng không quá quan trọng, các bạn hoàn toàn có thể tìm công việc khác. Khi biết mọi sự cố gắng của mình là vô nghĩa, nhân viên phải đảm bảo rằng quyền lợi cơ bản của mình không bị xâm phạm khi nghỉ việc”, ông Thiện đưa ra lời khuyên.

Anh Trần Huy, một chuyên viên quản lý nhân sự tại TP.HCM, cho biết một số chiêu thức "sa thải ngầm" có thể xảy ra ở các công ty, chẳng hạn như: giảm khối lượng công việc của nhân viên, khiến họ không có gì để làm; tạo ra một môi trường làm việc độc hại, khiến nhân viên cảm thấy không thoải mái khi làm việc ở đó; giao cho nhân viên một nhiệm vụ không thể hoàn thành, khiến nhân viên cảm thấy như họ đang thất bại…

Anh Trần Huy đưa ra quan điểm: “Việc sa thải ngầm có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm lý và thể chất của nhân viên. Nó cũng có thể gây ra sự bất ổn và giảm năng suất trong tổ chức. Nếu bạn tin rằng mình đang bị sa thải ngầm, cần phải nói chuyện trực tiếp với doanh nghiệp một cách rõ ràng”.

Muôn kiểu ‘sa thải ngầm’ của doanh nghiệp - Ảnh 2.

Khi bị "sa thải ngầm", có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm lý và thể chất của nhân viên

Trí Nghĩa

Không nên bêu riếu lẫn nhau

Là chủ doanh nghiệp, anh Trần Hữu Toàn (32 tuổi), ngụ tại P.Thạch Thang, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng, cũng từng có hành động bộc phát với nhân viên. Trong một cuộc họp nhiều người, anh Toàn nói rõ danh tính nhân viên có sai phạm. Khi đó nhân viên làm việc không tìm hiểu kỹ đã đưa thông tin sai lên website công ty và anh Toàn nghĩ đó là một lỗi lớn, nên muốn nói lỗi ra để nhân viên tự xin nghỉ.

Dù đó là nhân viên tốt, không cố tình gây thiệt hại cho công ty. Tuy nhiên, nhiều nhân viên lại đi kể câu chuyện này cho nhiều người khác nghe. Rốt cuộc, sau này đi đến công ty nào nhân viên đó cũng bị khơi lại chuyện cũ dù đã cố gắng hoàn thiện bản thân qua từng ngày.

“Có những lỗi sai do sơ ý, do chuyên môn nghiệp vụ. Nhưng đó là những lỗi của thời điểm, luôn có thể sửa chữa và có cơ hội để làm lại. Nếu doanh nghiệp đi bêu riếu nhân viên, như vậy, có thể nhiều năm sau hoặc thậm chí suốt sự nghiệp không thể nào có được một công việc tốt vì bị định kiến”, anh Toàn thừa nhận.

Lê Công Minh, giám đốc quản lý dự án tại Công ty kiểm toán Deloitte, không ủng hộ các doanh nghiệp "sa thải ngầm" và tạo ra suy nghĩ độc hại cho nhân viên. "Sa thải ngầm" sẽ làm ảnh hưởng đến người lao động không chỉ về kế hoạch công việc, tài chính mà còn bị ảnh hưởng tâm lý rất nhiều. Điều này khiến các bạn trẻ mất tự tin, nghi ngờ về năng lực bản thân, thậm chí là có cái nhìn tiêu cực về thị trường lao động.

“Tuy nhiên, ở vị trí của một người đi làm, chúng ta vẫn luôn cần giữ thái độ làm việc chuyên nghiệp, hoàn thành đúng công việc được giao, đúng với bổn phận và trách nhiệm. Nên tránh suy nghĩ sắp nghỉ việc nên có thái độ, cách thức làm việc thiếu chuyên nghiệp để rồi từ đúng lại thành sai”, Minh bày tỏ.

Muôn kiểu ‘sa thải ngầm’ của doanh nghiệp - Ảnh 3.

Với góc nhìn của nhà quản lý, Lê Công Minh không đồng tình với hành động "sa thải ngầm"

NVCC

Anh Vũ Đức Mạnh, nhà sáng lập công ty thương mại, dịch vụ 5lancing, từng mắc sai lầm hành xử không đúng với công ty, đồng nghiệp khi nghỉ việc. Sau 2 năm rời công ty, Mạnh gặp lại những đồng nghiệp cũ nhưng cảm thấy xấu hổ vì từng nói ra những lời lẽ khó nghe. Vì vậy, khi đứng đầu đội nhóm, Mạnh không để lặp lại lỗi đó nữa..

“Hình ảnh lúc rời đi sẽ là điều mà mọi người ghi nhớ. Lúc bạn rời đi với sự bực tức và thất vọng, cái tôi sẽ lên đến đỉnh điểm. Có thể bạn sẽ cho rằng mình xứng đáng được đối xử tốt hơn, nhưng chủ doanh nghiệp phải ưu tiên tổ chức của họ và bạn cũng phải ưu tiên tương lai của mình. Nên để ý và cố gắng hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của cái tôi. Vì hành động chúng ta làm sẽ theo mãi về sau”, anh Vũ Đức Mạnh bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.