Những quán internet ở làng đại học bây giờ ra sao?

Thảo Phương
Thảo Phương
28/09/2023 12:50 GMT+7

Kinh doanh quán internet tại làng đại học Thủ Đức (TP.HCM) một thời “ăn nên làm ra”, tuy nhiên bây giờ đã khác rất nhiều vì phần lớn sinh viên đều có điện thoại thông minh, laptop... để phục vụ cho nhu cầu giải trí, học tập hay sử dụng các dịch vụ trên mạng xã hội.

Đóng cửa vì ế ẩm

Dạo một vòng quanh làng đại học Thủ Đức, chúng tôi tìm "đỏ mắt" mới thấy một quán internet. Từng là dịch vụ "ăn nên làm ra" một thời, thế nhưng giờ đây kinh doanh quán internet trở nên ế ẩm.

Những quán internet ở làng đại học bây giờ ra sao? - Ảnh 1.

Một quán internet trong làng đại học thưa thớt khách

THẢO PHƯƠNG

‏Anh Phạm Gia Huy (40 tuổi), chủ quán Net Phú gần Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM (cơ sở TP.Thủ Đức), chia sẻ: "Trước kia quán internet này là của anh tôi. Lúc trước anh ấy có 4 - 5 quán như thế này nhưng về sau ế ẩm nên đóng cửa hết. Chỗ này anh ấy để lại cho tôi quản lý hơn 10 năm nay".‏

‏Khi được hỏi tình hình kinh doanh của quán những năm gần đây như thế nào so với 10 năm trước, anh Huy lắc đầu ngán ngẩm: "Hiện nay làm ăn không dễ dàng như trước nữa. Nhất là sau đợt dịch Covid-19 số lượng khách giảm đi rất nhiều. Sinh viên thời nay cũng không có nhu cầu ra quán internet nhiều như trước vì bây giờ hầu như bạn nào cũng có điện thoại thông minh và laptop. Hơn nữa sinh viên có vẻ bận bịu hơn. Các bạn dường như không có nhiều thời gian rảnh như trước, ngoài đi học còn phải làm thêm để phụ giúp gia đình".‏

Những quán internet ở làng đại học bây giờ ra sao? - Ảnh 2.

Quán internet của anh Huy chỉ có vài người khách

THẢO PHƯƠNG

‏"Quán internet của tôi đông đúc nhất là vào buổi trưa. Vì quán có máy lạnh nên nhiều sinh viên thường tranh thủ 1 - 2 tiếng đồng hồ vào để nghỉ trưa. Giá ở đây dao động từ 7.000 - 9.000 đồng/1 tiếng đồng hồ, tùy vào cấu hình máy", anh Huy cho biết.‏

‏Lúc chúng tôi đến, trong quán của anh Huy chỉ có vài người khách. Để thu hút hơn, anh Huy nâng cấp dàn máy mới và có các chương trình khuyến mãi như nếu nạp 50.000 đồng sẽ được tặng 10.000 đồng, thế nhưng vẫn ế ẩm. 

"Khoảng thời gian khó khăn quá tôi đóng cửa 1 tháng và định sang nhượng lại quán vì khách không có mà tiền mặt bằng quá cao. Nhưng nghĩ đi làm việc khác cũng bấp bênh nên tiếp tục gắn bó với việc kinh doanh này", anh Huy kể. 

Những quán internet ở làng đại học bây giờ ra sao? - Ảnh 3.

Áp dụng các hình thức khuyến mãi là một trong những cách mà người kinh doanh dịch vụ internet áp dụng để giữ chân khách

THẢO PHƯƠNG

Không biết bao giờ mới lấy lại vốn...

‏Làm nhân viên tại quán internet Phúc Loan, Trần Phước Dương (22 tuổi), cho biết: "Khách vào quán đa phần là sinh viên. Các bạn đến chỉ để chơi game, có một số sinh viên chưa có điều kiện mua laptop hoặc cấu hình máy không đủ mạnh thì mới ra đây để làm bài tập. Quán đông nhất là lúc 11 - 12 giờ trưa, khi sinh viên được nghỉ để chuẩn bị học tiếp ca chiều. Những thời điểm còn lại thì chỉ vài người ghé đến, có khi không có khách".

Hoàng Long là một quán internet hiếm hoi khác ở khu vực làng đại học, nhưng nếu không để ý kỹ thì rất khó nhận ra, do mặt bằng phía trước được tận dụng để bán đồ ăn. ‏

‏Đang loay hoay làm tô bún bò cho khách, bà Trần Thị Lệ (63 tuổi), chủ quán internet Hoàng Long, nói: "Việc kinh doanh quán internet thời này ế ẩm lắm. Nếu chỉ kinh doanh quán internet thì không thể "gánh" nổi tiền mặt bằng, vì thế tôi phải buôn bán thêm. Sáng mở mắt dậy chưa làm gì, dù có khách hay không cũng phải tốn 1,3 triệu đồng rồi (tiền mặt bằng, điện nước, wifi - PV)".

Những quán internet ở làng đại học bây giờ ra sao? - Ảnh 4.

Bà Lệ tận dụng khoảng trống trước quán internet để bán đồ ăn, kiếm thêm thu nhập

THẢO PHƯƠNG

‏Bà Lệ cho biết đã làm chủ quán internet này được 7 năm nhưng tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn. "Lúc sang lại quán này gần cả tỉ đồng. Trước kia khoảng 80 dàn máy, nhưng từ lúc điện thoại thông minh phổ biến mọi người không có nhu cầu tìm đến quán internet nhiều nữa nên ế, máy để trống nhiều. Do đó, giờ quán chỉ còn 35 máy. Không có khách để máy nhiều cũng chẳng có ích lợi gì". ‏

‏Nhờ thu gọn quán internet lại nên bà Lệ có được mặt bằng rộng phía trước cho khách để xe và tận dụng bán đồ ăn, kiếm thêm thu nhập. "Thời gian trở lại đây chỉ có 1 ngày duy nhất quán internet đông đúc là hôm ký túc xá cúp điện, còn bình thường vắng lắm. Chỗ tôi còn đỡ chứ có những quán internet mới mở 3 tháng đã thanh lý máy, đóng cửa. Vì mở ra nhưng không có khách, tiền mặt bằng thì cao. Nhà tôi trước kia cũng 3 quán nhưng dẹp 2 địa điểm vì có ai chơi đâu mà để. Quanh khu này cũng chỉ còn 1 quán net của tôi thôi, còn lại đóng cửa hết", bà Lệ ngao ngán nói.‏

‏Bà Lệ cũng cho biết khách không có nhưng yêu cầu ngày càng cao, máy phải có cấu hình mạnh, ghế phải êm. "2 năm trước tôi thay cả dàn máy hết gần 600 triệu đồng. Ghế thì 2 năm phải đổi mới 1 lần. Không biết đến bao giờ mới lấy lại vốn, lỡ phóng lao rồi thì phải theo lao", bà Lệ thở dài và nói.‏

Không có nhu cầu tìm đến quán internet

‏Lê Thị Hồng Nhung, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho hay: "Mấy năm trước chưa có điện thoại thông minh nên thỉnh thoảng mình ra quán internet để tìm kiếm tài liệu học tập. Nhưng từ lúc có điện thoại và cả laptop nữa nên mình không có nhu cầu đến quán, tính đến giờ chắc cũng 6 năm rồi. Nếu có ai hỏi địa chỉ quán internet trong làng đại học chắc mình bó tay".‏

‏Đặng Ngọc Hùng, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, chia sẻ: "Số lần đến quán internet của mình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mình chỉ đến quán khi cần mạng mạnh để đăng ký học phần hoặc khi phải làm bài tập gấp mà ký túc xá cúp điện. Vì bây giờ đã có laptop nên chơi game, học tập… đều được. Hơn nữa ở phòng cũng thoải mái hơn nên mình không có nhu cầu phải ra quán internet nữa". ‏


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.