Những trận đấu kỳ lạ: Nhận 2 thẻ vàng vẫn... chưa bị đuổi

14/10/2015 08:23 GMT+7

Mọi người đều biết: cầu thủ bị phạt thẻ vàng 2 lần trong một trận đấu thì phải lập tức rời sân ngay sau thẻ vàng thứ hai. Đương nhiên, các trọng tài biết rõ luật này hơn hết.

Mọi người đều biết: cầu thủ bị phạt thẻ vàng 2 lần trong một trận đấu thì phải lập tức rời sân ngay sau thẻ vàng thứ hai. Đương nhiên, các trọng tài biết rõ luật này hơn hết. 

Simunic nhận 2 thẻ vàng vẫn ung dung thi đấu, đến thẻ vàng thứ 3... thành thẻ đỏ mới rời sân - Ảnh: AFP
Simunic nhận 2 thẻ vàng vẫn ung dung thi đấu, đến thẻ vàng thứ 3... thành thẻ đỏ mới rời sân - Ảnh: AFP
Nhưng, biết và nhớ là hai việc khác nhau, bởi ngay tại World Cup không phải chỉ một lần mà đến 2 lần cầu thủ nhận 2 thẻ vàng vẫn ngang nhiên thi đấu một cách bình thường.
Đầu tiên là Ray Richards, tuyển thủ Úc tham dự World Cup 1974. Sau 2 trận đều thua trước Đông Đức và Tây Đức, Úc đương nhiên bị loại khỏi vòng hai. Họ gặp Chile trong trận cuối cùng. Điều khiển trận đấu là trọng tài người Iran Jafar Namdar. Đây là trọng tài châu Á thứ hai từng có vinh dự xuất hiện ở VCK World Cup. Có lẽ vì “khớp” trước vinh dự quá lớn, Namdar đã phạm sai lầm thô thiển và trở thành nhân vật đáng nhớ nhất trong trận Úc - Chile, vốn chẳng đọng lại điều gì để nhớ tại World Cup 1974.
Namdar phạt thẻ vàng Ray Richards ở phút 37. Sang hiệp 2, Richards lại phạm lỗi và nhận thẻ vàng lần nữa. Lạ thay, trận đấu lại tiếp diễn sau khi trọng tài Namdar đút thẻ vàng vào túi. Richards lại tiếp tục chơi bóng. Cầu thủ đôi bên đều chẳng nói gì. Các trọng tài biên cũng chẳng có tín hiệu nào cho thấy họ quan tâm đến diễn tiến. Suy cho cùng, bản thân trận đấu đã chẳng mấy cuốn hút, tỷ số 0-0 lại càng làm cho mọi chuyện thêm phần tẻ nhạt, còn ai quan tâm cầu thủ vừa nhận thẻ vàng. May thay, còn có trọng tài người Xứ Wales Clive Thomas, dự khán với tư cách trọng tài dự bị, ngồi trên khán đài.
Thomas thấy rõ sự cố nghiêm trọng, nhưng ông không có trách nhiệm phải can thiệp. Thế là Ray Richards đi vào lịch sử với tư cách cầu thủ đầu tiên thi đấu trên sân cỏ World Cup một cách... bất hợp lệ. Mãi đến phút 83, nghĩa là hơn 5 phút đã trôi qua sau khi Richards nhận thẻ vàng thứ hai, thì trọng tài dự bị Thomas mới quyết định phải làm một điều gì đó. Ông bước xuống từ khán đài, thông báo mọi chuyện cho trọng tài biên, rồi trọng tài biên tìm cách thông báo đến trọng tài chính.
Lạ thay, tất cả vẫn chưa nói hết sự ngớ ngẩn của ông trọng tài châu Á lần đầu tiên được cầm còi ở đấu trường World Cup. Sau khi biết chuyện, Namdar cho dừng trận đấu. Ông lại móc thẻ vàng phạt Richards lần nữa, và lần này thì mới làm đúng cái điều mà mọi người chờ xem như một hành động tất yếu: thẻ đỏ lập tức xuất hiện và Richards tươi cười rời sân. Đấy là cầu thủ đầu tiên trong lịch sử World Cup nhận 3 thẻ vàng trong một trận đấu.
Đáng lẽ đấy phải là cầu thủ duy nhất, chứ làm gì còn có cầu thủ thứ hai như vậy? Thế mà... vẫn có! Đội tuyển Úc lại liên quan đến sự cố “3 thẻ vàng” lần nữa, dù khi điều này lặp lại ở World Cup 2006 thì Úc là nạn nhân. Do “đại gia” Brazil đã nắm chắc suất đầu tiên vượt qua vòng bảng, Úc và Croatia trực tiếp tranh nhau chiếc vé còn lại vào vòng knock-out. Úc chỉ cần hòa trong khi Croatia phải thắng. Darijo Srna và Niko Kovac 2 lần giúp Croatia dẫn điểm, nhưng Craig Moore và Harry Kewell lần lượt gỡ hòa cho Úc. Hóa ra, tất cả đều chưa phải là chi tiết đáng nhớ nhất về trận đấu này.
Chẳng hiểu vì sao trọng tài Anh Graham Poll, được tổ chức thống kê lịch sử bóng đá IFFHS công nhận là trọng tài số 1 nước Anh trong 25 năm, lại ngớ ngẩn không đuổi cầu thủ Josip Simunic của Croatia ra khỏi sân sau chiếc thẻ vàng thứ 2, ở phút 90. Trước đó, Simunic đã nhận thẻ vàng ở phút 61. Mãi đến khi trận đấu bước vào phút bù giờ thứ 3, Simunic mới bị đuổi vì... nhận thẻ vàng lần nữa. Giống như Ray Richards của Úc trước đây, Simunic trở thành cầu thủ hy hữu từng bị phạt thẻ vàng 3 lần trong một trận đấu - điều lẽ ra là không tồn tại vì luật bóng đá vốn đã không cho phép một cầu thủ nhận 2 thẻ vàng còn tồn tại trên sân.
Toàn cầu hóa và internet đã trở thành những khái niệm quá quen thuộc khi World Cup 2006 diễn ra tại Đức. Ai theo dõi giải đấu này lại không biết sự cố “3 thẻ vàng”. Bản thân trọng tài Poll đã tự rút tên vĩnh viễn khỏi bóng đá quốc tế vì quá xấu hổ. Lạ thay, chỉ có FIFA là cố tình che đậy sự kiện. Trong các tư liệu “chính thức” nói về World Cup 2006, FIFA vẫn chỉ ghi nhận Simunic lĩnh 2 thẻ vàng (bỏ qua chiếc thẻ vàng thứ 2 ở phút 90). Đúng là... FIFA!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.