Nữ hoàng tại vị lâu nhất châu Âu bất ngờ tuyên bố thoái vị ngay đêm giao thừa

Khánh Như
Khánh Như
01/01/2024 07:03 GMT+7

Nữ hoàng Margrethe II (83 tuổi) của Đan Mạch đã đưa ra thông báo bất ngờ trong bài phát biểu đêm giao thừa trước toàn dân.

Nữ hoàng Margrethe II của Đan Mạch, vị nữ hoàng tại vị lâu nhất châu Âu, sẽ thoái vị vào ngày 14.1 tới và kết thúc 52 năm trị vì đất nước. Trong thông báo đưa ra ngày 31.12.2023, bà cho biết người kế vị sẽ là Thái tử Frederik, con trai cả của bà.

Đề cập ca phẫu thuật lưng thành công mà bản thân đã trải qua vào tháng 2.2023, bà cho biết: "Cuộc phẫu thuật tự nhiên làm nảy sinh suy nghĩ về tương lai, liệu đã đến lúc phải giao lại trách nhiệm cho thế hệ sau hay chưa".

Nữ vương Đan Mạch phát biểu gì trong tuyên bố thoái vị?

Reuters dẫn lời Nữ hoàng: "Tôi đã quyết định rằng bây giờ là thời điểm thích hợp. Vào ngày 14.1, 52 năm sau khi tôi kế vị người cha yêu quý của mình, tôi sẽ rời ngai vị Nữ hoàng Đan Mạch".

"Tôi để lại ngai vàng cho con trai tôi, Thái tử Frederik", bà nói thêm.

Nữ hoàng tại vị lâu nhất châu Âu bất ngờ tuyên bố thoái vị ngay đêm giao thừa- Ảnh 1.

Nữ hoàng Margrethe II trong bài phát biểu trước toàn dân hôm 31.12.2023

REUTERS

Nữ hoàng Margrethe II trở thành người tại vị lâu nhất ở châu Âu sau khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời hồi tháng 9.2022. Đến tháng 7.2023, bà trở thành vị vua tại vị lâu nhất trong lịch sử Đan Mạch.

Ở Đan Mạch, quyền lực chính thức thuộc về quốc hội được bầu và chính phủ của quốc hội đó. Quốc vương đứng trên chính trị đảng phái, đại diện cho quốc gia với các nhiệm vụ truyền thống, từ các chuyến thăm cấp nhà nước đến lễ kỷ niệm quốc khánh.

Theo tờ The Guardian, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cảm ơn Nữ hoàng vì sự cống hiến suốt đời của bà: "Nữ hoàng Margrethe là hình ảnh thu nhỏ của Đan Mạch và trong suốt nhiều năm qua đã đặt những lời nói và cảm xúc vào con người chúng ta với tư cách là một dân tộc và một quốc gia".

Sinh năm 1940, Nữ hoàng Margrethe II trong suốt cuộc đời của mình đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ người Đan Mạch. Bà cũng được biết đến là người yêu thích khảo cổ học và đã tham gia một số cuộc khai quật.

Bà trở thành người nối ngôi cha mình vào năm 1972, sau khi Đan Mạch sửa đổi hiến pháp cho phép phụ nữ thừa kế ngai vàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.