Ở lại Brussels

25/03/2016 07:50 GMT+7

Người Bỉ cần phải trở lại là chính mình, phải mạnh mẽ hơn khi thấy thế giới thể hiện tình yêu và sự sẻ chia...

Người Bỉ cần phải trở lại là chính mình, phải mạnh mẽ hơn khi thấy thế giới thể hiện tình yêu và sự sẻ chia...

Tranh vẽ của trẻ em cho mùa Phục sinh 2016 - Ảnh: Kiều Bích Hương
Tranh vẽ của trẻ em cho mùa Phục sinh 2016 - Ảnh: Kiều Bích Hương
Vua Philippe nói thứ ba, 22.3.2016 không bao giờ là ngày bình thường với người Bỉ nữa, nhưng phải trở lại nhịp sống thân quen nhanh nhất có thể. Tối hôm ấy, tôi vẫn gắng lái xe đến lớp học tiếng địa phương ở thành phố Leuven (cách Brussels gần 30 km). Trường vắng lặng, chỉ có bảng điện tử nhấp nháy dòng chữ “Học viên đang ở lớp sáng nay không nên rời trường ngay lúc này. Các buổi học chiều và tối tạm hoãn”.
Người bạn học gốc Pakistan chờ tôi ở lối ra, đồng cảm: “Lạ quá, lẽ ra họ phải gửi thư điện tử hoặc nhắn tin cho học viên khỏi mất công đến lớp. Nhưng trong ngày khủng khiếp như hôm nay thì chúng ta không nên trách móc làm gì. Cô hãy lái xe về nhà với chồng con đi. Bảo trọng nhé, hẹn gặp sau lễ Phục sinh”.
Lực lượng công vụ giám sát chặt chẽ một ga tàu cao tốc ở Brussels vào ngày 24.3 -  Ảnh: Kim Hyonsu
Lực lượng công vụ giám sát chặt chẽ một ga tàu cao tốc ở Brussels vào ngày 24.3 -  Ảnh: Kim Hyonsu
Khói, máu, tiếng kêu khóc tưởng như chỉ hiện hữu trên màn hình thời sự, giờ phả vào mặt tôi nóng bỏng qua những hồi còi liên tục, mô tô cảnh sát ngăn đường cho xe buýt chở hành khách bị mắc kẹt ở sân bay về Leuven tạm trú qua đêm. Hành khách nhưng không ai còn hành lý trong tay. Và có thể họ phải chờ đến chủ nhật mới có thể lên chuyến bay sớm nhất để về nhà.
Con gái lớn của tôi học lớp 7 về nhà sớm hơn thường lệ: “Trường học cũng có thể là mục tiêu của bọn khủng bố. Sáng nay học sinh được phép gọi điện cho bố mẹ. Tan học bọn con phải về nhà ngay, không la cà ngoài đường. Nhà trường hứa tiếp tục cập nhật tình hình an ninh cho học sinh, thầy hiệu trưởng còn khuyên chúng con bình tĩnh, nhưng cũng phải hết sức cảnh giác”.
Lâu rồi tôi không gặp lại những người bạn trong lớp học Hòa nhập xã hội dành cho người nhập cư vào Bỉ. Ngay trên Facebook, họ cũng biếng lười ghi dòng trạng thái. Vậy mà mấy ngày nay, ngôi nhà online của họ bỗng rực màu cờ Bỉ đen - vàng - đỏ. Họ thấy mình lúc này đích thực là người Bỉ hơn bao giờ hết. Họ truyền tin tìm nạn nhân của vụ khủng bố ở Brussels bằng nhiều ngôn ngữ Anh, Hà Lan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha...
“Bạn của tôi đang tìm cô gái có tên Sascha Pinczowski và em trai cô ấy Alexander. Lần cuối thấy họ ở sân bay sáng 22.3. Làm ơn nhắn cho tôi nếu biết manh mối họ ở đâu, ai đang cưu mang họ hay thấy họ ở bệnh viện nào thuộc khu vực Leuven. Alex cao khoảng 1,85 m, tóc nâu ngắn, để râu, mắt nâu; Sascha khoảng 1,60 m, tóc dài màu nâu sậm, mắt nâu...”.
Mấy tháng trước Chalerm - bạn gốc Thái của tôi kể rằng chồng Bỉ của cô đang muốn chuyển cả gia đình trở lại Thái vì mệt mỏi với chính sách thuế và lo ngại châu Âu không lối thoát trong cuộc khủng hoảng về người tị nạn. Nhưng tối 23.3, Chalerm đã thấy chồng ngồi trước màn hình ti vi, nước mắt lặng lẽ chảy. Làm sao có thể cầm lòng khi nghe Adele từ London cất giọng trầm sâu hát Make you feel my love dành tặng riêng Brussels. Chính người Bỉ cần phải trở lại là chính mình, phải mạnh mẽ hơn khi thấy thế giới thể hiện tình yêu và sự sẻ chia qua việc thắp sáng màu cờ Bỉ trên tháp Eiffel ở Paris, đài phun nước Trevi tại Rome, tòa nhà Burj Khalifa ở Dubai, cổng Brandenburg của Berlin...
Và những ngày này, chủ một nhà hàng Việt ở trung tâm Brussels mà tôi quen biết vẫn cần mẫn, can đảm giữ dịch vụ giao hàng tận nhà: “Brussels đang hoảng loạn nên nhà hàng cũng vắng khách lắm. Bù lại, ngại ra đường người ta thích đặt dịch vụ giao tận nhà hơn. Còn một số khách vẫn tìm đến tiệm lúc này có lẽ vì cảm thấy không gian ZEN - Thiền của nhà hàng mang lại cho họ sự bình lặng trong tâm hồn chăng?”.
Bình an cả chứ? Có ổn không? Câu hỏi quen thuộc mà người thân, bạn bè ở Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Đài Loan... nhắn sang cho chúng tôi được Brussels trả lời bằng tình yêu: hôm nay thứ sáu 25.3 - ngày học cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh. Bọn trẻ sẽ trở về nhà trong hạnh phúc với những con thỏ đồ chơi và giỏ trứng sô cô la ắp đầy - biểu tượng của sự hồi sinh. Trên Facebook của chồng Chalerm, tôi bất ngờ thấy dòng trạng thái “Bạn bè thân mến, hãy gặp lại tháng bảy này ở Thái Lan, vào dịp nghỉ hè. Còn lúc này, chúng tôi ở lại Brussels”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.