Ông Lưu Công Nhân vẽ nude

07/03/2023 09:03 GMT+7

Ghi chép của họa sĩ Lưu Công Nhân (1939 - 2007) thời kỳ sống ở Vĩnh Yên (1992 - 1997) có đoạn: "Phòng tranh mà mình mong ước vẫn chưa với tới được. Mình vẫn mơ ước những tranh tốt hơn, hấp dẫn hơn, sống động hơn, có hồn hơn. Còn phải vẽ tiếp nữa. Vẽ nhiều nữa. Mình phải sống say mê hơn nữa. Thì vẽ vẫn những điều mình yêu thích thôi, chứ có vẽ cái gì đâu. Mà khó thế, vẽ cho có hồn đâu phải dễ!". Tranh nude là một trong những dòng tranh mà ông yêu thích. Và hơn thế nữa.

"Cái lưng đẹp hơn cái mặt"

Lưu Công Nhân cũng như các họa sĩ khác, vẽ nude là một sự hiển nhiên. Nhưng không có dấu mốc nào cụ thể cho dòng tranh này của ông. Chỉ biết ông vẽ rất nhiều.

Ông Lưu Công Nhân vẽ nude - Ảnh 1.

Tự tay ông chụp ảnh và dán lại trong sổ làm lưu trữ

LƯU CÔNG NHÂN

Một điều đặc biệt là theo thời gian, tuổi cao cùng căn bệnh parkinson hành hạ, ông vẫn càng vẽ và vẽ nhiều nude hơn nữa. Không chỉ có trên tranh, những nét ký họa nude được ông vẽ trên khổ giấy A4, photocopy lại thành mẫu giấy viết thư, rồi gửi đến bạn bè, người thân, thậm chí viết rồi để đó, thành như những bức họa - thảo một tâm trạng, một cảm hứng trong ngày của người chẳng khi nào ngưng nghỉ cảm xúc trước mong ước của chính mình về một phòng tranh nude đẹp nhất đời…

Còn nhớ, cuối năm 2004, tôi lần đầu tiên được diện kiến ông trong căn phòng vẽ treo đầy tranh nude ở Đà Lạt, ông bảo ông sẽ bày một triển lãm nude ở Hà Nội vào năm sau, khi ông sang tuổi 77… Đó là những năm tháng cuối đời của ông, sức khỏe yếu hơn nhưng mong ước và nuối tiếc trong sáng tạo nghệ thuật cũng dường như ngày càng đầy lên. Ông chỉ còn cách đẩy tất cả nghịch lý tâm trạng ấy vào việc vẽ.

Ông Lưu Công Nhân vẽ nude - Ảnh 2.

Trong một sổ ghi chép của Lưu Công Nhân khi ngụ cư ở Vĩnh Yên

LƯU CÔNG NHÂN

Ông thuê một mẫu nude để an tâm về một điểm tựa cảm hứng thân gần, quen thuộc. Nhưng ông không vẽ cụ thể người mẫu ấy, vẻ đẹp ấy. Tựa vào cái thực ấy, ông mong có thể họa lại những mơ mộng, ký ức, cả những nuối tiếc riêng tư của một "thằng người" trước cái đẹp, như chính ông từng ghi lại: "Than ôi, nghệ sĩ sung sướng nhất là được nhìn… sờ… nuốt…!!! rồi vẽ ra! Ừ, thì cứ cho là nhìn, sờ, nuốt rồi có cảm xúc qui n'a pas de nom (tạm dịch nghĩa: người không có tên) và vẽ ra cái abstract (tạm dịch: cái trừu tượng). Cũng hay thôi và đó thứ nhất là… chỉ một mình anh ta biết…!!! (Bịa… muôn năm)".

Vì không nệ thực, Lưu Công Nhân rất thoải mái trong bút pháp thể hiện, cũng như cách ông vẽ tranh tĩnh vật trên giấy, giấy điệp. Và cũng như dòng tranh tĩnh vật ấy, tranh nude của ông, dù với chất liệu nào, kể cả chỉ là đôi nét phác kèm trong lá thư, cũng luôn đọng lại/gợi lại Duyên - thứ vốn khó nắm bắt và mô tả thành lời, chỉ có thể cảm nhận được khi ta đã "ngấm" cái tình của ông dành cho đời và người. Đó có thể là từ cách ông lựa chọn dáng của nhân vật trên tranh, rồi màu nền và khung cảnh. Cũng có thể là cách ông lựa chọn vị trí của người quan sát và vẽ lại một hư ảnh, một tấm lưng tắm khuya chẳng hạn, thứ mà ông từng thấy "đẹp hơn cái mặt" dù cô người mẫu nào của ông cũng đầy đặn dung nhan.

Ông Lưu Công Nhân vẽ nude - Ảnh 3.

Bản thư Lưu Công Nhân gửi họa sĩ Lê Thiết Cương

LƯU CÔNG NHÂN

Giản dị và hấp dẫn

Trước giai đoạn vẽ nude ở Đà Lạt, câu chuyện thuê mẫu vẽ nude của ông tại căn nhà nhỏ mà hai vợ chồng ông ngụ ở Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc được lan truyền và thậm chí thêu dệt. Nhưng những ai từng được ông đón tiếp tại căn nhà nhỏ xinh ấy, nơi mà phòng vẽ chỉ mươi mét vuông "kín đặc" tranh và "đặc biệt thấm hồn" của người vẽ, sẽ cảm nhận được chân xác tấm tình của ông dành cho nghệ thuật và nhất là cho vẻ đẹp của quê hương, hiện hữu đầy đủ từ hình ảnh của người con gái thôn quê đẹp kiêu hãnh, mỗi sáng đến phòng vẽ, tự tin và hồn nhiên thả mọi phục trang che chắn trước họa sĩ.

Nếu không cảm nhận được tấm tình của ông, hẳn có lẽ không người mẫu nào làm được vậy, nhất là ở nơi thôn quê, nơi hội họa hay nghệ thuật, hay nude là thứ gì đó luôn diệu vợi, cách vời. Trong một bài trên báo Lao Động năm 1994, nhà báo Lưu Trọng Văn đã kể lại khung cảnh vẽ nude của ông Nhân, mà ông được chứng kiến khi bất ngờ ghé thăm nhà họa sĩ, và ông cũng kể lại cảnh bà vợ ông Nhân thủ thỉ tâm tình với mẫu sau khi tạm ngơi công việc. 

Sau đó, họa sĩ và nhà báo lang thang triền đê, rồi đổi áo cho nhau để làm kỷ niệm, ông Văn thích tấm áo sơ mi trắng cộc tay vấy đầy màu mà ông Nhân đang mặc, nên đổi lại tấm áo phông xanh mới tinh của mình đang vận trên người. 

Một thời gian sau, ông Văn nhận được tấm áo xanh ông Nhân trả lại qua bưu điện, nhưng đó không phải là tấm áo mà là tấm toan bởi trên cả phần lưng áo, hiện ra một bức nude nét màu trắng duyên dáng. Đấy là cách Lưu Công Nhân bày tỏ tấm tình với bạn hữu, như là với nghệ thuật. Ông đã từng viết: "Moa (tôi) muốn vẽ được những bức tranh khỏa thân rất thôn nữ Việt Nam giản dị mà hấp dẫn".

Ông Lưu Công Nhân vẽ nude - Ảnh 4.

Tự tay ông chụp ảnh và dán lại trong sổ làm lưu trữ

LƯU CÔNG NHÂN

Phải vì ông cảm thấy "vẽ mãi mà vẫn chưa được" vẻ "rất thôn nữ Việt Nam" ấy nên ông càng muốn vẽ thật nhiều, không tự ngăn cản hay cứ mải nghiền ngẫm cảm xúc và suy tư của mình trong việc vẽ. Ông để nét và màu chảy tràn tự nhiên trên toan, trên giấy, trên bất cứ thứ gì gợi cảm hứng cho ông, những nguồn cơn dẫn trôi về cái đẹp: tình người đẹp, tình bạn đẹp, cảnh huống đẹp, mẫu đẹp… tất cả!

Để sống say mê, sống nhiều hơn tất thảy chỉ có thể là người luôn cảm nghiệm và nhận ra được cái đẹp tinh tế, giản dị và tràn đầy quanh đời mình. Và tranh nude của Lưu Công Nhân - một góc nhỏ nghệ thuật của ông, cũng đủ cho ta thấy một cuộc đời như vậy.

Ông thuê một mẫu nude để an tâm về một điểm tựa cảm hứng thân gần, quen thuộc. Nhưng ông không vẽ cụ thể người mẫu ấy, vẻ đẹp ấy. Tựa vào cái thực ấy, ông mong có thể họa lại những mơ mộng, ký ức, cả những nuối tiếc riêng tư của một "thằng người" trước cái đẹp.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.