96 con khỉ lại bị nhốt trong lồng sắt!

05/01/2010 23:57 GMT+7

Sau khi mua được 96 con khỉ thanh lý từ Hội đồng định giá tài sản tịch thu TP Tuy Hòa, ông Lê Thanh Tuấn - chủ trang trại vật nuôi động vật hoang dã ở thôn 2, xã Hòa Vinh, H.Đông Hòa (Phú Yên) - đưa toàn bộ số khỉ về nhốt, nhét trong lồng sắt chật hẹp.

Trang trại là... hồ nuôi ba ba?

Sáng 5.1, chúng tôi tìm về trang trại của ông Tuấn ở thôn 2, xã Hòa Vinh. Một nông dân đang làm ruộng, cho biết: “Tui không biết trang trại ông Tuấn ở đâu, nhưng nhà ổng trong con hẻm có nhiều cây cau cách đây chừng 20m”.

Nhà ông Tuấn chật hẹp, nhưng trong khuôn viên lại nhốt nhiều động vật hoang dã như công, trĩ... Phía sau nhà có một khoảng trống chừng 10m2 để lồng sắt nhốt 96 con khỉ đuôi dài vừa mới mua về. Bà Nguyễn Thị Hà (vợ ông Tuấn) nói: “Trang trại gia đình tui ở khu trên kia rộng lắm, nhưng tui không biết rõ là ở đâu. Tui ở nhà không hà, tui không biết chuyện của ổng. Tui không thích làm, nhưng ổng bảo đưa tiền đi mua về thả”. Luồn qua khe hẹp, chúng tôi tận mắt nhìn thấy 96 con khỉ đuôi dài đang bị nhét trong lồng sắt, chen chúc kêu la inh ỏi.

Đến chiều 5.1, tài xế, chủ ô tô Toyota Innova biển số 50Z-7941 và chủ lô hàng 96 con khỉ vẫn chưa đến trụ sở công an trình diện, hợp tác giải quyết vụ việc.

Một cán bộ xã Hòa Vinh chỉ đường: “Trang trại anh Tuấn cách ngã ba từ quốc lộ 1A đi Hòa Tân Đông chừng 250m, nằm ngay trên mặt đường”. Đi được khoảng hơn 200m, chúng tôi nhìn thấy phía trước có nhiều người đang sửa máy bơm nước từ hồ ra ngoài kênh mương. Đến hỏi mới biết họ là anh em vợ của ông Tuấn đang hút bùn để sửa chữa lại hồ. Một người tự xưng là anh vợ của ông Tuấn nói: “Cái hồ này trước đây nuôi ba ba, nhưng lũ cuốn trôi hết nên cứ để đó. Bây giờ sửa lại để nuôi thú rừng”. Những người này đều không biết ông Tuấn có trang trại khác, ngoài cái hồ nuôi ba ba!

Người tự xưng là anh vợ nói ông Tuấn đang ở Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, nhưng sau khi gọi điện thoại thì ông này lại nói ông Tuấn đang dọn hồ ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch để chuẩn bị thả tôm. Chúng tôi điện thoại nhờ ông Tuấn đưa đi xem trang trại. Ông Tuấn nói: “Trang trại của tui nằm chỗ khác, tui đang nghiên cứu chỗ cho nó rộng rãi, tự nhiên cho chúng (bầy khỉ) mà”. Sau đó, ông Tuấn tắt máy điện thoại.

Tương lai của bầy khỉ này ra sao nếu trang trại ông Tuấn định nuôi là cái hồ không một bóng cây che nắng?

Dấu hiệu bất thường

Cần nhắc lại, sáng 4.1, ông Võ Ngọc An - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Tuy Hòa khẳng định ông Tuấn có trang trại nuôi động vật hoang dã rộng, thoáng mát, và “bán để họ nuôi dưỡng tốt hơn”. Nhưng cả Hội đồng định giá tài sản tịch thu TP Tuy Hòa chưa một ai nhìn thấy trang trại của ông Tuấn, nhưng vẫn bán bầy khỉ cho ông này.

Như Thanh Niên đã phản ánh, ông Võ Ngọc An khẳng định: Chi cục Kiểm lâm Phú Yên cho phép bán bầy khỉ cho ông Lê Thanh Tuấn; giá thanh lý căn cứ theo bảng giá quy định của UBND tỉnh Phú Yên... Thế nhưng ngày 5.1, ông Lê Văn Bé - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Phú Yên thì cho biết: Hiện nay, UBND tỉnh Phú Yên chỉ ban hành về giá gỗ, một số loại lâm sản khác. Đối với động vật rừng thì tùy theo từng loài mà hội đồng tiến hành định giá. Theo biên bản định giá, hội đồng căn cứ vào giá thực tế trên thị trường để xác định giá bán thanh lý. Việc bán 96 con khỉ chưa rõ nguồn gốc bị thu giữ rạng sáng 2.1 là thuộc thẩm quyền của hội đồng theo quy định pháp luật, chứ Chi cục Kiểm lâm Phú Yên không chỉ đạo.

Sao lại bán ngay động vật rừng?

Qua việc Hội đồng định giá tài sản tịch thu TP Tuy Hòa bán 96 cá thể khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis) cho trại nuôi động vật hoang dã, là một người đang theo dõi về quản lý động vật hoang dã, tôi có một số ý kiến sau:

1) Nếu viện dẫn theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 2.11.2009 của Chính phủ thì “tổ chức bán ngay theo giá quy định của UBND tỉnh” chỉ áp dụng đối với “tang vật là vật phẩm tươi sống, động vật rừng bị yếu, bị thương không thuộc nhóm IIB”. Như vậy, số khỉ đuôi dài trên có được cơ quan thú y xác định là động vật rừng bị ốm, bị thương không?

2) Tại điểm a Điều 43 Nghị định số 99/2009/NĐ-CP quy định “Xử lý tang vật là động vật rừng khi xử lý tịch thu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn”.

Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã có Thông tư số 90/2008/TT-BNN hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu, trong đó tại khoản 2 mục I phần B quy định biện pháp xử lý động vật rừng còn sống nhóm IIB như sau:

“Tang vật là động vật rừng còn sống thuộc nhóm IIB được xử lý bằng một trong những biện pháp dưới đây:

a) Thả lại nơi cư trú tự nhiên.

b) Trong trường hợp động vật rừng bị thương, ốm, yếu cần cứu hộ thì chuyển giao cho trung tâm cứu hộ động vật.

c) Chuyển giao cho các cơ sở nghiên cứu khoa học (bao gồm cả cơ sở nghiên cứu nhân giống), giáo dục môi trường.

d) Bán cho các vườn thú; đơn vị biểu diễn nghệ thuật; cơ sở gây nuôi sinh sản động vật; tổ chức, cá nhân kinh doanh động vật rừng hợp pháp theo quy định của pháp luật.

đ) Tiêu hủy các cá thể động vật rừng mang bệnh hoặc trong trường hợp không xử lý được bằng các biện pháp trên”.

Cũng cần lưu ý là thông tư đã quy định: “Việc áp dụng các biện pháp xử lý tang vật được thực hiện theo nguyên tắc: áp dụng các biện pháp xử lý tang vật từ trên xuống dưới, khi không xử lý được bằng biện pháp trước mới xem xét áp dụng biện pháp kế tiếp”.

Qua những viện dẫn trên đây, thiết nghĩ bạn đọc có thể đánh giá được việc áp dụng các quy định pháp luật của các cơ quan chức năng TP Tuy Hòa trong việc bán ngay gần 100 con khỉ đuôi dài.

Gia Khánh (Nha Trang, Khánh Hòa)

Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.