Kịch Tết nóng sàn tập

07/01/2010 12:05 GMT+7

15 vở diễn mới đã lên sàn tập. Có lẽ chưa có mùa Tết nào sân khấu kịch nói TPHCM cho khán giả cơ hội lựa chọn món ăn giải trí trong những ngày Tết nhiều như năm nay.

Đến hẹn lại lên, các sân khấu kịch tại TPHCM đã gấp rút tập vở mới để kịp biểu diễn phục vụ khán giả dịp Tết Canh Dần 2010. 15 vở diễn mới đang làm sàn tập nóng lên và các nhà tổ chức đã thật sự đau đầu khi phải tranh thủ ký hợp đồng với nghệ sĩ, ngăn chặn việc chạy sô ngày Tết.

Kịch hài vẫn chiếm ưu thế

Với quan niệm ngày Tết khán giả chuộng tiếng cười nên hầu như năm nào các sân khấu kịch cũng ưu tiên đầu tư dàn dựng các vở kịch hài. Năm nay 2/3 kịch mục của các sân khấu đều khai thác tiếng cười. Sân khấu Kịch Phú Nhuận phát triển lên ba điểm diễn: Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận, Kịch Kim Châu và Superbowl  nên đã chọn kịch bản từ đầu năm 2010 với ba kịch bản: Giếng lạ của đạo diễn NSƯT Hồng Vân, Gái@yahoo.com của đạo diễn trẻ Thanh Sơn và Chuyện miệt đồng của đạo diễn Trung Dân.

Mỗi câu chuyện một màu sắc khác nhau, đều bám vào đề tài bảo vệ hạnh phúc gia đình. Riêng vở Gái@yahoo.com của đạo diễn Thanh Sơn lại khai thác một góc khuất của nghề người mẫu thời trang và gái vũ trường bằng sự cảm thông và chia sẻ, thông qua tiếng cười, nhiều hơn là lên án. Đạo diễn Trung Dân sau thời gian bôn ba tìm chỗ trú chân cho nhóm kịch Đồng Dao đã có được nơi chốn để đầu tư cho vở Chuyện miệt đồng.

Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM có hai vở hài được dàn dựng: Hợp đồng nuôi cha của đạo diễn Ngọc Tưởng và Bí mật hạnh phúc của đạo diễn Trần Minh Ngọc. Đạo diễn Thanh Hoàng, phó giám đốc nhà hát, cho biết ưu tiên và tạo điều kiện cho lực lượng diễn viên trẻ tham gia hai vở kịch này.

Đau đầu vì nạn chạy sô

Để không “thất thoát” diễn viên trong mùa Tết, NSƯT Hồng Vân đã ký hợp đồng với diễn viên các vở diễn tham gia trong mùa Tết năm nay. Hơn 40 diễn viên sẽ tham gia diễn ở ba sân khấu. Chị là người “đo số phút” để mỗi diễn viên có thể chạy từ điểm diễn này đến điểm diễn khác sau mỗi suất hoán chuyển vở diễn ở ba địa chỉ: Kịch Phú Nhuận, Kịch Kim Châu và Sân khấu Superbowl. NSƯT Hồng Vân cho biết: “Rất đau đầu khi phải giải quyết vấn đề này vì sân khấu nở nồi, mà diễn viên quá ít, nếu cách dàn dựng, tập tành chỉ làm qua loa cho xong thì sẽ có lỗi với khán giả. do đó tôi kiên quyết siết chặt diễn viên, tránh chạy sô ở kịch Phú Nhuận”.

Vở hài Hợp đồng nuôi cha của tác giả Dũng Phạm nói về chuyện những người con bất hiếu tranh giành gia tài, để qua những tiếng cười xót xa của khán giả, mỗi người lại hiểu hơn về trách nhiệm làm cha, làm con. Vở Bí mật hạnh phúc của tác giả Vương Huyền Cơ lần đầu tiên khai thác kịch cổ trang, mượn chuyện xưa răn đời nay với chủ đề “thấy trăng quên đèn”.

Sân khấu IDECAF năm nào cũng dựng 4 vở để chào xuân mới. Năm nay sân khấu này có hai vở hài khai thác đề tài dân gian: Con Tám, con Cấm của tác giả Mỹ Dung, do đạo diễn Vũ Minh dàn dựng và vở Trai làng do nghệ sĩ Hữu Châu làm đạo diễn. Chọn đề tài “bình cũ rượu mới”, Mỹ Dung dùng bút pháp châm biếm để diễn đạt thông điệp: “Không nên trả thù cái ác bằng điều ác”, câu chuyện hậu Tấm Cám hay nói đúng hơn là Tấm Cám thời nay chất chứa nhiều tiếng cười đả phá tiêu cực nhưng sâu cay.

Vở Trai làng lại nói về một lời nguyền tưởng chừng không thể xóa bỏ ở một vùng đất hoang lâu nay chẳng ai dám đến canh tác, bỗng có tin vùng đất đó là mỏ vàng, thế là vàng đã xóa lời nguyền và xóa luôn căn bệnh lười biếng của dân làng vùng đó. Chính sức lao động của con người mới là “vàng mười” đúng nghĩa.

Kịch Nụ cười mới gấp rút dựng vở Vũ nữ chân dài. Lần này do chính Hoài Linh làm đạo diễn và thủ vai chính. Câu chuyện mang một thông điệp hài hước hóa bi kịch của nghề vũ nữ, những người luôn có khát vọng sống tốt, sống lương thiện và mong người đời nhìn họ với đôi mắt thiện cảm. Nhà hát Kịch TPHCM có sự trở về của Kiều Oanh – Lê Huỳnh sẽ dàn dựng chùm kịch ngắn mang tên Những chuyện tình mùa xuân của tác giả Hà Linh, đạo diễn Hoàng Duẩn, gồm 3 tiểu phẩm hài khai thác những câu chuyện éo le trong ngày Tết của những đôi lứa mới yêu.

Hài hước hóa bi kịch

Hai vở bi kịch được hài hước hóa của Sân khấu IDECAF là Thuốc đắng dã tật do đạo diễn Hùng Lâm dàn dựng và Sát thủ một mảnh (tựa tạm thời) của tác giả, đạo diễn Lê Hoàng. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn (Giám đốc Công ty TNHH Thái Dương): Ngày Tết không dựng kịch bi được, nên phải hài hước hóa hai kịch bản này, tuy nhiên câu chuyện không hẳn là việc chọc cười đơn thuần mà lồng vào đó những ý nghĩa về cuộc sống với thông điệp: Những hành vi cố tình vi phạm nguyên tắc của hạnh phúc đều bị trả giá.

Sân khấu mới ra đời là sàn diễn mang tên Hoàng Thái Thanh nằm trong Nhà Thiếu nhi TP trên đường Lê Quý Đôn, nơi hai đạo diễn Ái Như và Thành Hội đang chăm chút hai vở: Trần gian phải có tình yêu (tác giả Hoàng Thái Thanh, Mỹ Dung), vở thứ hai mang tên Mua bảo hiểm tình (tác giả Hoàng Quốc Thanh, đạo diễn Thành Hội) đã được khởi tập vào trung tuần tháng 11-2009. NSƯT Thành Hội cho biết kịch Tết không hẳn chỉ cười nghiêng ngả cho vui mà cần chất sâu lắng, anh muốn khán giả đổi gu khi đến với sân khấu Hoàng Thái Thanh.

Hai sân khấu chọn vở bi kịch trong mùa Tết này là Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM với vở Đường vòng tình yêu do đạo diễn Thanh Hoàng dàn dựng, câu chuyện kể về những âm mưu toan tính của những lứa đôi đến với nhau không vì sự rung động của trái tim và vở Mua chồng, đạo diễn Trần Minh Ngọc, với câu chuyện hết sức cảm động, được dàn dựng trên Sân khấu Kịch Sài Gòn.

Có lẽ chưa có mùa Tết nào sân khấu kịch nói TPHCM cho khán giả cơ hội lựa chọn món ăn giải trí trong những ngày Tết nhiều như năm nay.

Theo Thanh Hiệp / Người Lao Động 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.