Sỏi mật

12/01/2010 17:44 GMT+7

Sỏi mật gặp nhiều nhất ở những người từ 50 tuổi trở lên; bệnh thường diễn tiến âm thầm, không thể hiện triệu chứng...

Khảo sát nghiên cứu của TS-BS Nguyễn Cao Cương và các đồng nghiệp trên những bệnh nhân tại Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho thấy, trong số 240 trường hợp sỏi mật thì có đến 232 bệnh nhân có sỏi nằm ở túi mật. Các yếu tố liên quan đến sỏi mật bao gồm: tần suất mắc sỏi mật tăng theo tuổi; ở nữ gặp nhiều hơn nam giới; người có tiền căn mắc bệnh tiểu đường cũng bị sỏi mật nhiều hơn; người có tình trạng gan nhiễm mỡ cũng gặp sỏi mật nhiều hơn người bình thường. Ngoài ra còn có những yếu tố thuận lợi cho việc hình thành sỏi túi mật là: dùng nhiều thuốc tránh thai; tăng lipid máu; người béo phì...

Cấu tạo của sỏi mật chủ yếu là sỏi cholesterol (chiếm 80% ở bệnh nhân các nước phương Tây), loại sỏi này có màu vàng ngà. Riêng tại VN, rất ít gặp sỏi cholesterol, mà đa số sỏi mật là sỏi sắc tố mật (có màu nâu sẫm, rắn chắc, sỏi sắc tố mật thường có chứa thành phần can-xi) - khác biệt này theo các nhà chuyên môn là do có sự khác nhau về chế độ ăn uống.

Biến chứng do sỏi mật gây ra có thể là: viêm túi mật cấp; viêm đường dẫn mật; tích tụ nước trong túi mật; thủng đường dẫn mật gây viêm nhiễm; nếu sỏi quá nhiều làm tắc hoàn toàn ống dẫn mật thì có thể gây xơ gan (do ứ mật lâu ngày làm tổn thương tế bào gan, lâu dần dẫn đến xơ gan).

Có thể nhận biết bệnh sỏi mật qua các triệu chứng như: đau bụng, đau vùng hạ sườn bên phải, đau lan ra lưng, có thể lan lên vai; sốt; vàng da, vàng mắt, phân bạc màu (màu trắng bạc).

Người có bệnh sỏi mật cần hạn chế các món ăn, thực phẩm chứa nhiều cholesterol (như các loại phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng...), mà các bữa ăn cần có nhiều rau, hoa quả tươi, ưu tiên dùng những loại thức ăn dễ tiêu hóa...

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.