Chó cắn, mèo cào, chớ nên xem thường!

07/02/2010 11:31 GMT+7

(TNTT>) Hiện nay, việc nuôi thú cưng tại nhà trở nên khá phổ biến, đi kèm theo đó là nguy cơ chú mực hay em mướp "lỡ mõm" cắn bậy…

Ắt hẳn từng có lần trong đời bạn "hú vía" vì bị một chú chó to lớn nhà người quen gầm gừ "hỏi thăm". Nhưng trong một số trường hợp, chính những Miu-miu, Ki-ki hằng ngày bạn nựng nịu, cưng chiều lại quay ra phập một phát vào chân hay cào xoẹt một đường làm bạn sượt da… Không phải chuyện chó mèo phản chủ, đôi khi vật nuôi nhà bạn chỉ hành động theo bản năng, nhưng hậu quả từ vết thương có thể sẽ rất nghiêm trọng nếu bạn xem thường và xử lý không đúng phương pháp.

Vì sao chó mèo trở nên hung dữ?

Ngoài trường hợp bị bệnh dại, thường chó mèo nuôi trong nhà trở nên hung dữ và tấn công người do một số nguyên nhân chủ yếu sau đây: hoảng sợ, bị chọc giận, bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ con… Hầu hết đều là những phản ứng theo bản năng tự nhiên.

Trong số này, trường hợp chó mèo do hoảng sợ mà tấn công rất thường gặp. Nghe ra thấy vô lý nhưng một chú chó St Bernard "đồ sộ" cỡ con bê hoàn toàn có thể xem em bé lạ mặt đang chập chững tập đi như một mối đe dọa và gầm gừ tự vệ. Hoặc lúc Ki-ki nhà bạn đang mê ngủ, do vội vàng không chú ý, bạn lỡ... đạp trúng đuôi của chú sẽ dễ làm Ki-ki giật mình cắn bậy mà chẳng phân biệt khách-chủ.

Thường chó mèo nếu không được luyện tập từ nhỏ cho quen với môi trường đông người, nhiều tiếng động sẽ dễ bị hoảng sợ và phản ứng hung dữ hơn. Điều đáng ngại là trẻ em rất dễ trở thành nạn nhân do không nhận ra các dấu hiệu đe dọa và tiếp tục các trò chơi mà đối với chó mèo là đang tấn công chúng (nắm đuôi, giật râu, nhổ lông…).

Nguy cơ từ những vết thương

Khi bị chó cắn, mèo cào, nguy cơ đầu tiên là việc vết thương bị nhiễm trùng nếu không được xử lý đúng cách. Phần lớn trường hợp, nếu được sát trùng đúng phương pháp và vết thương không quá sâu hoặc nằm ở những vị trí nguy hiểm (mặt, cổ…) thì sẽ mau lành. Tuy nhiên thường các nạn nhân bị chó mèo cắn hay được khuyên đến khám bác sĩ là do nguy cơ mắc phải một số bệnh nghiêm trọng sau đây:

- Bệnh dại: bệnh dại từ chó mèo khi cắn lây sang người có thể gây tử vong.

- Bệnh uốn ván (tétanos): Bị chó, mèo cắn nguy cơ mắc bệnh uốn ván rất nhỏ, nhưng một khi nhiễm phải vi khuẩn tétanos mà không được tiêm ngừa kịp thời sẽ dẫn đến chết người. Nếu bạn chưa tiêm ngừa hoặc hạn tiêm ngừa bệnh uốn ván đã hết (tiêm từ 5-10 năm trước), khi bị vật nuôi cắn, nên đến các trung tâm chủng ngừa để chích.

- Bệnh tụ huyết trùng: Do nhiễm phải vi khuẩn pasteurella. Vài giờ sau khi chó mèo cắn, bệnh nhân sẽ bị phù và rất đau đớn ở vết thương. Nếu không được đưa đến bác sĩ để chữa trị kịp thời, sẽ dẫn đến u viêm, tê và cứng khớp…

- Bệnh mèo cào: 3-10 ngày sau khi bị cào, bệnh nhân bị nổi hạch, sốt nhẹ, chóng mặt, nhức đầu... Bệnh không gây nguy hiểm cho bệnh nhân và thường hết sau khoảng 3 tuần, tuy nhiên có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng như bệnh viêm phổi.

Phòng ngừa nguy cơ chó cắn

Bạn nên chú ý những nguyên tắc sau đây để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình:

* Tránh nuôi chó dữ tại nhà khi có trẻ nhỏ.
* Không bao giờ để trẻ ở một mình với chó, nhất là chó to.
* Không "làm phiền" một chú chó đang ăn hoặc chọc phá khi chó đang ngủ.
* Đừng đến gần chó đang nuôi con nhỏ nếu chưa biết rõ về nó.
* Tránh nhìn thẳng vào mắt chó vì đối với chúng đây là dấu hiệu của sự đe dọa.
* Tránh gây tiếng động lớn hoặc hất tay, chân đột ngột trước một chú chó lạ.
* Không bao giờ dồn chó vào góc kẹt hoặc bít kín lối thoát của chó vì khi hoảng sợ, nếu không bỏ chạy được, chó sẽ dễ tấn công để tự vệ.
* Không để trẻ nhỏ can thiệp vào khi 2 chú chó đang cắn nhau.
* Đối với chó nhà, không chấp nhận cho chúng cắn mình, dù là để đùa giỡn.
* Dạy trẻ nhận biết các dấu hiệu đe dọa của chó: gầm gừ, lông dựng lên, chảy nước dãi, tai dựng lên hoặc cụp về phía sau, mắt nhìn thẳng vào người trước mặt, nhe răng…
* Nên dạy cho chó con quen với môi trường đông người và nhiều tiếng động ngay từ nhỏ.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.