Những scandal trong thể thao Trung Quốc

04/03/2010 09:42 GMT+7

Bê bối trong bóng đá Trung Quốc có hơn 1,3 tỷ dân, tiềm năng của bóng đá Trung Quốc rất lớn nhưng không phát huy được là bởi những tiêu cực trong làng bóng đá nước này. Dàn xếp tỷ số, hối lộ, tham nhũng, mua trọng tài, ẩu đả trên sân bóng... phổ biến trong làng bóng đá Trung Quốc khiến các nhà lãnh đạo hàng đầu đất nước này khó chịu

Ông Nan Yong khi còn đương chức

Bê bối trong bóng đá

Trung Quốc có hơn 1,3 tỷ dân, tiềm năng của bóng đá Trung Quốc rất lớn nhưng không phát huy được là bởi những tiêu cực trong làng bóng đá nước này. Dàn xếp tỷ số, hối lộ, tham nhũng, mua trọng tài, ẩu đả trên sân bóng... phổ biến trong làng bóng đá Trung Quốc khiến các nhà lãnh đạo hàng đầu đất nước này khó chịu

Tháng 10.2009, Tổng bí thư ĐCS kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã họp với Ủy ban Thể dục thể thao, các bộ ngành liên quan và phát động một cuộc tổng tấn công vào tiêu cực trong làng bóng đá.

Các cuộc điều tra đã được tiến hành khẩn trương và nhiều nhân vật trong làng bóng đá đã phải tra tay vào còng số 8, trong đó nổi bật có chủ tịch LĐBĐ Trung Quốc Nan Yong, phó chủ tịch Yang Yimin, chủ tịch CLB Thành Đô Blades Xu Hongtao, chủ tịch CLB Thanh Đảo Hailifeng Du Yunqi…

Hành động mới nhất của LĐBĐ Trung Quốc (CFA) là đánh rớt hạng 2 CLB Dược phẩm Quảng Châu và Thành Đô Blades đồng thời cấm đội hạng nhì Thanh Đảo Hailifeng tham gia vào các hoạt động bóng đá. Thế chỗ của Quảng Châu và Thành Đô ở giải Chinese Super League 2010 là các CLB Hàng Châu và Chongqing để giải đấu vẫn đảm bảo có 16 đội tham dự. Giải này sẽ khởi tranh vào ngày 27.3 tới.

Quảng Châu bị phạt vì họ đã hối lộ để xin điểm các đội khác vào tháng 8 và 9.2006. Thành Đô bị phạt cũng vì mua điểm vào tháng 9.2007. Ở giai đoạn cuối mùa bóng 2007, Thành Đô đang chơi ở hạng Nhì và rất muốn có điểm để thăng lên hạng Chinese Super League. Vì thế, họ đã mua điểm từ Thanh Đảo Hailifeng.

“Khi đó, bên phía Thành Đô đề nghị trả 300 ngàn tệ (44 ngàn USD) tiền mặt cộng thêm nơi ăn chốn ở cho chuyến tập huấn trị giá 200 ngàn tệ để mua 3 điểm từ chúng tôi”, Liu Hongwei, HLV của Thanh Đảo Hailifeng khai, “Tôi đã chọn các cầu thủ dự bị vào đội hình trận này vì thế các khán giả bình thường không thể nói rằng chúng tôi cố tình bán điểm. Hiện tượng này thường xuyên xảy ra ở làng bóng đá Trung Quốc”.

Thanh Đảo có lẽ là đội bê bối nhất trong làng bóng đá Trung Quốc, từ chủ tịch, HLV đến các cầu thủ. Trong trận đấu giữa họ với Tứ Xuyên Zhigu vào tháng 9.2009, chủ tịch Du Yunqi đã đánh cược cho đội ông thắng trên một trang cá cược quốc tế. Khi trận đấu chỉ còn 5 phút, Thanh Đảo Hailifeng dẫn trước 3-0. Nhưng Du vẫn muốn ăn dày, ông ta biết nếu một trong hai đội ghi thêm 1 bàn nữa thì tiền thắng cược của ông sẽ nhiều hơn. Vì thế ông ra hiệu cho các cầu thủ của mình phối hợp đốt lưới nhà rất lộ liễu.

Việc phạt nặng 3 CLB trên như một đòn dằn mặt với các CLB khác. Nhưng theo Zhou Qing’an, BLV bóng đá của kênh CCTV, thì những kẻ vừa bị trừng phạt chỉ là những con cá nhỏ, những con cá lớn vẫn đang bơi tung tăng bên ngoài. Đ.Hiệp

Đổi phiếu lấy phiếu

Thất bại trong cuộc vận động giành quyền đăng cai Olympic 2000 về tay thành phố Sydney, thủ đô Bắc Kinh đã giành quyền đăng cai Olympic 2008 sau khi đánh bại các thành phố Toronto, Paris, Istanbul và Osaka trong cuộc bỏ phiếu tại Moscow năm 2001.

Người đứng đầu UB Olympic Trung Quốc lúc đó là ông Yuan Weimin (bên phải ảnh) sau này đã hồi tưởng lại chiến tích đó trong cuốn tự truyện của mình “Yuan Weimin and the Sports World” với những chi tiết rất táo bạo: “Phái đoàn vận động của chúng tôi khi đó đã thỏa thuận miệng với UB Olympic châu Âu EOC là chúng tôi sẽ lôi kéo một số đồng minh ủng hộ ông Jacques Rogge (người Bỉ) trúng cử chức chủ tịch UB Olympic quốc tế-IOC, đổi lại các thành viên EOC phải bỏ phiếu để Bắc Kinh giành quyền đăng cai Olympic 2008”.

Cũng tại Moscow khi đó, ông Rogge đã thắng cử chức chủ tịch IOC với 59 phiếu, bỏ xa ông Kim Un-yong (Hàn Quốc) tới 36 phiếu. Song IOC đã bác bỏ luận điệu của ông Yuan Weimin khi cuốn sách được phát hành. Đ.H (AFP)

Gian lận tuổi trong thể dục dụng cụ

Cuối tháng 2 qua, Liên đoàn TDDC quốc tế - FIG đã gửi văn bản đề nghị Ủy ban Olympic quốc tế - IOC hủy bỏ các kết quả thi đấu của nữ VĐV Dong Fangxiao tại Olympic 2000 vì cô gian lận tuổi khi bước vào thi đấu. Như vậy, chiếc HCĐ đồng đội của đội TDDC Trung Quốc tại kỳ Olympic này  sẽ bị tước. IOC chưa đưa ra quyết định vì họ cần có thời gian để điều tra.


“Cô gái 17 tuổi” Dong Fangxiao với chiếc HCĐ Olympic 2000

Theo quy định được IOC ban hành năm 1996 thì các VĐV dự thi môn TDDC phải có tuổi từ 16 trở lên. Ở môn này, các VĐV càng nhỏ tuổi càng thi đấu mềm mại và đẹp mắt. Nhưng IOC và FIG phải nâng độ tuổi cho các VĐV TDDC lên vì họ lo ngại rằng việc phải tập nặng từ quá nhỏ sẽ khiến các VĐV bị hủy hoại về thể xác lẫn tinh thần.

Năm 2000, Dong được đăng ký là 17 tuổi, sinh ngày 20.1.1983. Nhưng thực ra, cô sinh ngày 20.1.1986, tức là cô chỉ mới 14 tuổi khi tham dự Olympic 2000. FIG tìm ra bằng chứng này khi cô đăng ký xin việc trong ban thi đấu cuộc thi TDDC tại Olympic 2008. Lúc xin việc, cô ghi trong hồ sơ của mình là sinh ngày 20.1.1986. Trên blog của Dong, cô cũng ghi mình tuổi Sửu, nghĩa là được sinh ra trong khoảng thời gian từ 20.2.1985 đến 8.2.1986.

Trước những bằng chứng của FIG, Liên đoàn TDDC Trung Quốc vẵn khẳng định đó là những bằng chứng thiếu xác thực. Thực tế, chuyện như vậy là rõ như ban ngày. Đồng đội của Dong tại Olympic 2000 là Yang Yun cũng từng thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình trước khi Olympic 2008 diễn ra rằng cô cũng chỉ có 14 tuổi khi tham dự Olympic 2000, nhưng đó không được xem là bằng chứng xác thực nên FIG chỉ cảnh cáo Yang Yun.

Nếu không có chuyện Dong đăng ký xin việc trong ban thi đấu môn TDDC Olympic 2008 thì việc đoàn TDDC Trung Quốc gian lận tuổi ở Olympic 2000 sẽ không bao giờ bị lộ ra ánh sáng. Thực ra, cả FIG và IOC chỉ xem việc tước HCĐ của đội TDDC Trung Quốc tại Olympic 2000 là chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn là họ muốn tìm các bằng chứng để chứng minh đoàn Trung Quốc khai man tuổi cho các VĐV Yang Yilin, He Kexin, Jiang Yuyuan tham dự Olympic 2008. Các VĐV này đã giúp đội TDDC Trung Quốc giành HCV trong sự tức tưởi của đội TDDC Mỹ.

Sau Olympic 2008, người Mỹ đã mở chiến dịch cáo buộc đoàn Trung Quốc khai man tuổi cho các VĐV TDDC. Hãng thông tấn AP khẳng định trong khoảng thời gian 2004-2006, website của Ủy ban TDTT Trung Quốc đưa danh sách He Kexin sinh năm 1994 còn Yang Yilin sinh năm 1993. Tờ New York Times cũng thu thập được các bài báo phát hành ở Bắc Kinh viết He sinh năm 1994. Có cả băng ghi bài nói chuyện của một quan chức thể thao TQ có tên Liu Peng vào tháng 11.2007. Khi đó, Liu nói He mới 13 tuổi. Tức là năm 2008, He chỉ có 14 tuổi.

Trước sự cáo buộc của Mỹ, các quan chức thể thao TQ đã đưa các giấy tờ, hộ chiếu cả cũ lẫn mới ghi He sinh năm 1992 ra để chứng minh. Bản thân He luôn khẳng định: “Tuổi thật của tôi là 16”. Song ở tuổi 16, He chẳng có một biểu hiện dậy thì của một thiếu nữ. Trong một bài phỏng vấn, khi được hỏi vào sinh nhật He làm gì, cô trả lời: “Tôi ở trên đội, đó là ngày bình thường”. Các giấy tờ ghi ngày sinh của He là 1.1, ngày Tết dương lịch. Như vậy, ngày sinh của He trên giấy cũng không đúng. Chính Phong

“Đua” marathon vào đại học

Tại cuộc đua marathon 2010 Xiamen International tổ chức tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc hồi tháng 1.2010, qua băng ghi hình và các trọng tài, ban tổ chức đã phát hiện hơn 30 VĐV về đích trong top 100 gian lận.


Cuộc đua marathon 2010 Xiamen International

Các VĐV này gian lận bằng cách lên xe ô-tô ở giữa đường sau đó đến gần đích thì nhảy xuống chạy, hoặc thuê người chạy giúp. Theo liên kết giữa ban tổ chức cuộc đua và một số trường đại học, cao đẳng có tiếng ở Phúc Kiến thì những VĐV hoàn tất 42,5km dưới 2 giờ 34 phút sẽ được nhận vào trường đại học hoặc cao đẳng. Bởi thế, với một số người, đây là một cuộc đua vào trường đại học chứ không phải là giải đấu thể thao. Cuộc đua marathon này có tới 50.000 người tham dự nhưng chỉ có 200 trọng tài nên việc điều hành cuộc đua gặp rất nhiều khó khăn. Chắc chắn, số VĐV gian lận còn lớn hơn số VĐV bị phát hiện gian lận. Đ.H (theo AFP)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.