Một duyên, trăm nợ với... thằn lằn

18/03/2010 11:34 GMT+7

(TNTT>) Đã từng nghe, từng biết người sưu tầm đồng hồ cổ, máy ảnh cổ, xe cổ, tem, gốm sứ cổ… nhưng có lẽ, tự mình trèo đèo, băng rừng, lội suối để sưu tầm và công bố các loài thằn lằn mới có lẽ chỉ có một Ngô Văn Trí.

Từ cái thuở ban đầu…

Vừa gọi cho Ngô Văn Trí, đã nghe anh thông báo: tôi sắp đi thực địa rừng 1 tháng ở miền Trung và miền Nam để tìm thằn lằn. Nhẹ tênh hệt như báo sắp đi nghỉ dưỡng.

Ngô Văn Trí quê ở Đà Nẵng, tốt nghiệp khoa Sinh, ĐH Tổng hợp Huế, hiện là cán bộ nghiên cứu động vật rừng của phòng Công nghệ và quản lý môi trường, Viện Sinh học nhiệt đới TP.HCM. 12 năm nay, anh miệt mài lên rừng xuống biển như con thoi chỉ để tìm thằn lằn và các loại động vật hoang dã khác.

Cái duyên cái nợ của anh với thằn lằn cũng bắt đầu khá giản dị. Khoảng năm 1998, khi anh đang làm việc cho dự án bảo tồn voi Tân Phú (Đồng Nai), cho tổ chức Động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) - chương trình Đông Dương. Vào một buổi chiều, khi đang mải miết cắt rừng cùng một đồng nghiệp người Anh, anh Trí vấp phải một sợi dây, táng người vào một thân cây mục. Thân cây nứt ra, một con thằn lằn nhảy phóc lên ngực áo anh. “Phút chạm mặt nhau” ấy đã làm nên duyên nợ bền lâu giữa anh và thằn lằn. Anh Trí kể: “Ngay lúc đó, tôi thấy thắc mắc vô cùng vì con thằn lằn ấy không giống thằn lằn nhà, chân nó nhọn, khi nó bám vào da người thì thấy hơi đau đau. Vậy là tôi tự hỏi, không biết nó thuộc loài thằn lằn nào và Việt Nam mình hiện có bao nhiêu loài thằn lằn? Sau đó, là hành trình tìm hiểu, khám phá”.


Thằn lằn chân ngón Cao Van Sung – Cyrtodactylus caovansungi - Ảnh: Ngô Văn Trí, Tùng Châu

Cũng từ đó, vốn đã yêu thiên nhiên, Ngô Văn Trí càng gắn bó với rừng hơn. Lấy ngắn nuôi dài, anh chạy việc khắp nơi để có kinh phí cho những chuyến thực địa miệt mài tìm thằn lằn.

Định nghĩa một đam mê

Lý giải về sức hút của thằn lằn đối với bản thân, anh Trí say sưa: “Trước hết là những tò mò khoa học của bản thân về thằn lằn. Thứ hai, thằn lằn là loài rất ngộ, ngộ từ chỗ màu sắc cơ thể có thể thay đổi theo môi trường, ngộ từ chỗ thằn lằn có thể đứt đuôi để tự vệ. Thứ ba, thằn lằn đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn của các loài khác, liên quan đến vấn đề khoa học cơ bản về sự sống. Và cuối cùng, là suy nghĩ rất có thể có những giống loài thằn lằn hiếm quý đang biến mất mà chúng ta chưa kịp biết trong bối cảnh khí hậu toàn cầu thay đổi hiện nay”.


Thằn lằn chân ngón Grismeri - Cyrtodactylus grismeri

Bộ sưu tập thằn lằn của anh Ngô Văn Trí hiện có hơn 300 con, trong đó có 10 loài mới anh đã công bố trên các tạp chí nước ngoài như: Zootaxa (New Zealand), Hamadryad (Ấn Độ), Herpetologica (Mỹ)…

Đến nay, Ngô Văn Trí đã công bố cùng với các tác giả khác 10 loài thằn lằn mới. Đây là các loài thằn lằn mới phát hiện trên thế giới và chỉ có ở Việt Nam. Mỗi bài viết đăng trên tạp chí quốc tế là rất nhiều nỗ lực, công phu, tâm huyết của anh Trí. Song, thật giản dị, anh chia sẻ: “Hạnh phúc nhất của người đi tìm thằn lằn như tôi là giây phút tìm được thằn lằn và cảm quan của mình mách bảo đó là loài thằn lằn mới”.


Thằn lằn đá người tròn Chân Cam - Cnemaspis aurantiacopes

Ngoài ra, Ngô Văn Trí còn cùng các tác giả khác công bố một loài rắn lục Hòn Sơn - Cryptelytrops honsonensis sp. nov. (Girsmer, Ngô & Grismer, 2008) và phát hiện thêm một loài thằn lằn chân ngón Cardamom - Cyrtodactylus intermedius (Smith, 1917) có ở Việt Nam.

Đi cho chân cứng đá mềm

Bước chân anh Trí đã đến hầu như mọi cánh rừng khắp đất nước, từ những cánh rừng ở Kon Tum, Bạch Mã, Mù Cang Chải đến Lâm Đồng, Quảng Bình, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh… Từ đảo Hòn Tre, Thổ Chu, Hòn Khoai, đến Cù Lao Chàm, Phú Quốc… Có chuyến vài ngày, có chuyến dài cả tháng. Không ít khi lúc đi người lành lặn, khi về lại “tơi bời hoa lá”.


Thằn lằn chân ngón Hòn Tre - Cyrtodactylus hontreensis

Để có được bộ sưu tập như ngày hôm nay, với Ngô Văn Trí sốt rét thành chuyện thường, bị muỗi, vắt cắn như cơm bữa, gặp lâm tặc, suýt bị cuốn trôi sông – anh đều đã trải qua.

Còn nhớ, năm 2004, khi anh đi thực địa Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk), anh bị ve bò cắn đến gục đi vì sốt, tiểu ra máu.  Hay như lần đi rừng Kon Plong (Kon Tum), cầu treo bị đứt sau cơn bão, dòng nước chảy xiết, anh quyết định bơi qua sông. Nếu không nhờ chiếc ba-lô to đùng nổi như chiếc phao, có lẽ anh đã bị dòng nước cuốn trôi.

Rừng thiêng, nước độc, bước chân người nhỏ bé nhưng lại mạnh mẽ một quyết tâm. Nhớ lại những kỷ niệm sóng gió đó, anh Trí cười: “Chắc có lẽ mình mạng lớn và gắn bó với con thằn lằn đã thành cái nghiệp. Mà cái gì đã là nghiệp thì khó bỏ lắm”. Ngô Văn Trí hiện đang được tổ chức Đời sống hoang dã thế giới (WWF) tài trợ cho dự án nhỏ để tiếp tục công bố những loài thằn lằn mới.

10 loài thằn lằn mới mà anh Nguyễn Văn Trí đã công bố cùng với các tác giả khác là:

Thằn lằn đá người tròn Tức Dụp - Cnemaspis tucdupensis sp nov. Grismer & Ngô, 2007

Thằn lằn đá người tròn đuôi trắng - Cnemaspis caudanivea sp nov. Grismer & Ngô, 2007;

Thằn lằn đá người tròn Núi Cấm - Cnemaspis nuicamensis sp nov. Grismer & Ngô, 2007.

Thằn lằn đá người tròn chân Cam - Cnemaspis aurantiacopes sp nov. Grismer & Ngô, 2007.

Thằn lằn chân ngón Grismeri – Cyrtodactylus grismeri sp. nov. Ngô, 2008.

Thằn lằn chân ngón Eisenmani – Cyrtodactylus eisenmani sp. nov. Ngô, 2008.

Thằn lằn chân ngón Ta Koú– Cyrtodactylus takouensis sp. nov. Ngô & Bauer, 2008.

Thằn lằn chân ngón Huỳnh– Cyrtodactylus huynhi sp. nov. Ngô & Bauer,

Thằn lằn chân ngón Hòn Tre – Cyrtodactylus hontreensis sp. nov. Ngô, Grismer & Grismer, 2008.

Thằn lằn chân ngón giả sọc – Cyrtodactylus speudoquadrivirgatus sp. nov. Roesler, Vũ, Nguyễn, Ngô & Ziegler, 2008.

Thảo Tiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.