Cây kiểng hàng “đỉnh”

30/03/2010 04:30 GMT+7

(TNTS) Thú chơi cây kiểng không mới, nhưng việc săn được những cây kiểng “hàng độc” luôn được giới chơi và nhiều người quan tâm, đặc biệt là những cây kiểng cổ thuộc loại “hàng hiếm” có tuổi đời từ 50 đến 100 năm.

Tại Chi hội Chim cảnh - kiểng cổ trực thuộc Hội Sinh vật cảnh TP.HCM có khoảng 500 cây kiểng các loại, trong đó có hơn 100 cây kiểng cổ được nhiều nghệ nhân săn lùng ở hầu hết các tỉnh thành trong nước với giá cũng thuộc hàng “đỉnh”.

Có thể kể đầu tiên là cây khế gân, mà theo nhiều người trong chi hội cho biết là “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Được biết, cây này được mua từ một nghệ nhân ở Đồng Tháp và nó đã trải qua 3 đời chủ, xuất xứ là của một nghệ nhân ở Sa Đéc. Tuổi đời của cây khế gân này đã trên 50 năm. “Điểm đặc biệt là cây khế nổi gân trên thân, các chi, cành trổ rất đều và đẹp, mỗi năm ra đúng 1 quả. Sẽ không có cây khế thứ hai như thế này. Vừa rồi có người muốn sang nhượng lại với giá hơn 1 tỉ đồng nhưng chúng tôi không muốn bán.

Cây khế này sẽ được đem ra trưng bày tại đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Ông Phan Văn Hòa (Phó chủ tịch chi hội) cho biết. Rồi ông chỉ tay về phía cây phát tài, một cây cũng thuộc loại nổi bật trong những loại cây kiểng quý hiếm ở đây với hình dáng hoành tráng, có đường kính hơn 140 cm, trổ 5 nhánh như 5 cánh tay.


Sam rừng

Những người từng “xem mặt” cây này cho đó là cây “năm cánh tay phát lộc”. Theo ông Hòa, đây là cây phát tài độc nhất ở Việt Nam, được nhượng lại từ một bà nghệ nhân ở Đà Lạt với giá hơn 300 triệu đồng và tuổi đời của nó hơn 100 năm.  

Cũng không thể bỏ qua những cây bonsai từng giành nhiều giải thưởng trong các hội hoa xuân như cây chiến thủy (giải bạc Hội hoa xuân 2009) có tuổi đời 80 năm, được mua lại từ một Việt kiều ở Mỹ Tho với giá 400 triệu đồng. Hay cây thanh mai mà chi hội mua lại của một nhà giáo ở Vĩnh Long cũng có tuổi đời trên 50 năm (giải đồng Hội hoa xuân). Và không thể không kể đến một rừng tùng giá trị và độc đáo được sáng tạo bởi lòng say mê, kiên trì của một nghệ nhân ở Đà Lạt. Được biết, để tạo ra được rừng tùng này phải mất gần... 50 năm. Cứ 100 cây tùng thì chỉ sống khoảng 10 cây, vì vậy mà hiện rất hiếm nghệ nhân nào có thể tạo ra một tác phẩm như thế này nữa và giá trị của nó cũng thuộc loại “đỉnh”: khoảng hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra còn có những cây kiểng quý khác như kim quýt, cần thăng, nguyệt quế, linh sam, sam rừng…

Ngoài những loại kiểng thông thường có nhiều hình dáng, kích cỡ khác nhau thì hầu hết kiểng cổ thuộc loại bonsai.

- Bonsai tiểu, đường kính từ 4 cm đến 5 cm
- Bonsai trung từ 6 cm đến 8 cm
- Bonsai đại từ 9 cm trở lên

Phần lớn những cây kiểng có giá trị và được xếp vào loại cổ thường đã trải qua nhiều đời, nhiều thế hệ chuyển đổi. Để xác định được lai lịch của chúng rất khó. Mỗi chủ nhân của chúng thường có cách chăm sóc khác nhau, do sự khác biệt về hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình. Vì vậy, để định hình một cái chuẩn trong cách chăm sóc những cây kiểng này là không dễ. Giá trị của chúng cũng khó xác định chính xác. “Chỉ có những người thật sự nhận biết được giá trị của chúng thì mới ấn định giá chính xác” - ông Phan Văn Hòa chia sẻ.

Hiện nay, chi hội đang vận động và tìm kiếm những loại kiểng cổ ở khắp nước để bảo tồn và sẽ có nhiều cuộc hội thảo để tập hợp, bàn bạc cùng các nghệ nhân phối hợp để phát triển, duy trì các loại kiểng cổ ở Việt Nam.

Thu Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.