Chốt lời, cắt lỗ ngường nào?

13/04/2010 10:15 GMT+7

(TNTT>) Lâu nay, giá vàng được tính bằng USD, nên thường biến động ngược chiều với giá USD - đồng tiền mạnh chiếm tới 60% dự trữ quốc tế của thế giới và chiếm 60% thị phần thanh toán trên thế giới - tức là khi giá USD tăng thì giá vàng giảm, khi giá USD giảm thì giá vàng tăng.

Nét đặc biệt trong vài tháng qua, nhất là trong những ngày gần đây, giá vàng tăng ngay cả khi giá USD tăng. Việc giá vàng tăng cùng với giá USD tăng được lý giải: Do cả vàng và USD hiện nay đều được coi là nơi trú ẩn an toàn khi đồng euro bị giảm giá bởi cuộc khủng hoảng nợ xảy ra ở Hy Lạp (cuộc khủng hoảng này có thể lan sang một số nước), và khi Fitch Ratings hạ thấp mức tín nhiệm tín dụng của Hy Lạp.

Sau khi đạt đỉnh cao nhất vào 8.12 năm trước, giá vàng đứng hoặc giảm trong một thời gian khá dài, có lúc như đã xuống dưới mức 1.100 USD/ounce, thậm chí có lúc như đang tiến về mốc 1.000 USD/ounce. Nhưng từ cuối tháng ba đầu tháng tư năm nay, giá vàng trên thế giới đã tăng lên- vào trưa ngày 12.4 (giờ Việt Nam) đã đạt mức 1.166,6 USD/ounce, cao nhất trong 4 tháng qua.

 Giá vàng trong nước, sau khi đạt đỉnh cao nhất vào ngày 11.11 năm trước, cũng đã giảm nhanh và đứng trong thời gian khá dài, có lúc xuống chỉ còn 25,2 triệu đồng/lượng. Nhưng từ đầu tháng tư đến nay, giá vàng ở trong nước cũng đã tăng lên và ngày 12.4 cũng đã đạt 26,6 triệu đồng/lượng.

Nét đặc biệt của giá vàng trong nước thời gian gần đây là giá vàng biến động chậm hơn giá vàng thế giới, và giá vàng trong nước đã chuyển từ chỗ cao hơn giá vàng thế giới sang thấp hơn giá vàng thế giới. Những đặc điểm này do giá vàng trong nước còn phụ thuộc vào một số yếu tố.

Rõ nhất, gần nhất là sự đóng cửa sàn vàng trong nước từ 31.3 (riêng việc chấm dứt hoạt động của các tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài và lùi đến ngày 30.6.2010).

Chủ yếu nhất phải kể đến là giá USD trên thị trường tự do đã được kéo xuống, chênh lệch ngày một giảm, thậm chí đã có lúc bằng mức trần 19.100 VNĐ/USD trên thị trường chính thức.

Ngoài ra còn phải kể đến động thái được phép nhập khẩu vàng (mặc dù quý 1/2010 chưa nhiều); rồi gần đây các ngân hàng thương mại hạ mạnh lãi suất huy động vàng, có thông tin Ngân hàng Nhà nước bãi bỏ việc gửi tiết kiệm bằng vàng, thậm chí có người gửi vàng còn phải mất phí nhờ ngân hàng giữ hộ…Kết hợp các yếu tố ở trong nước và yếu tố quốc tế, các chuyên gia đã dự đoán về ngưỡng hỗ trợ ở mức 1.132 USD/ounce (dưới mức này thì cắt lỗ); ngưỡng kháng cự 1.185 USD/ounce (trên mức này thì chốt lãi).

Cách tính giá vàng bán tại Việt Nam:

Giá vàng thế giới (tính bằng USD/ounce) chia cho 0,83 (ounce/lượng) để biết giá một lượng vàng nhập khẩu tính bằng USD (1);

Nhân kết quả (1) với tỷ giá VNĐ/USD tính bằng nghìn VNĐ/USD để biết giá một lượng vàng nhập khẩu tính bằng VNĐ (2);

Nhân kết quả (2) với 1,01 hoặc 1,02 (chi phí nhập khẩu, chi phí chế tác thành vàng miếng, thuế, lợi nhuận…) sẽ thành giá một lượng vàng bán ra ở thị trường Việt Nam tính bằng VNĐ.

Đào Lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.