Đổ bệnh vì nắng nóng

14/04/2010 01:20 GMT+7

Nắng nóng gay gắt những ngày qua khiến nhiều người, nhất là người già và trẻ nhỏ, đổ bệnh.

Cao huyết áp, đau đầu...

Hôm 13.4, mặc dù đã gần cuối ngày, lượng bệnh nhân ngồi chờ tại phòng Khám bệnh của Bệnh viện (BV) Nguyễn Trãi (TP.HCM) vẫn đông đúc. Phần lớn bệnh nhân từ 45 tuổi trở lên, nhiều nhất là ngoài tuổi 50, đến khám bệnh với triệu chứng “nắng nóng thấy người khó chịu, đau đầu, chóng mặt, khó ngủ, sợ huyết áp tăng cao...”. Bác sĩ Lý Lệ Thanh, Giám đốc BV, nói: “Trong những ngày qua, thời tiết có phần khắc nghiệt, oi bức, lượng bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú tăng hơn 100 trường hợp, trong ngày 13.4 có 768 bệnh nhân nằm viện. Phần lớn bệnh nhân lớn tuổi bị dao động huyết áp khi nắng nóng, kế đó là bệnh tim mạch, bệnh phổi, trục trặc về hô hấp...”.

Thống kê của BV Đa khoa khu vực Củ Chi từ đầu ngày đến 15 giờ 30 hôm qua, có gần 2.000 bệnh nhân đến khám ngoại trú. Theo bác sĩ Hoàng Công Điền, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp của BV: “Những ngày qua, do nắng quá gay gắt, lượng bệnh nhân mà phần đông là người lớn đến khám tăng cao. Đa phần là bệnh về huyết áp (có cả tăng huyết áp, và tụt huyết áp) hoặc những người lớn tuổi có sẵn bệnh nội khoa, bệnh tim mạch mãn tính, gặp khí hậu khắc nghiệt khiến bệnh nặng hơn... Cũng có những trường hợp say nắng, mất nước, một số ca mệt do đi lâu ngoài trời nắng...”.

BV Nguyễn Tri Phương cũng cho biết lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng trong những ngày gần đây, trong ngày 13.4 có 623 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Tương tự, một lãnh đạo BV Đa khoa khu vực Thủ Đức khẳng định những ngày qua một số bệnh liên quan đến nắng nóng tăng lên như cảm sốt, cảm nắng, nhiễm siêu vi, ho do thời tiết...

Và tiêu chảy, viêm não...  

Về diễn biến bệnh tả ở TP.HCM, chiều qua 13.4, Sở Y tế thành phố công bố có thêm một ca dương tính với khuẩn tả. Đó là bệnh nhân nữ 14 tuổi, em ruột nam bệnh nhân 21 tuổi (nhà ở đường Trần Hưng Đạo, P.7, Q.5) có kết quả xét nghiệm dương tính trước đó. Sở Y tế đã làm việc với UBND và ngành y tế Q.5 về phòng chống tả. Qua điều tra dịch tễ cho thấy, nữ bệnh nhân nói trên trước khi mắc bệnh có dùng món ăn, thức uống bán rong...

Như vậy, đến nay riêng tại TP.HCM đã có 5 trường hợp mắc tả. Ngoài ra, tại BV Bệnh Nhiệt đới còn có hơn 10 bệnh nhân “thuộc diện” theo dõi tả.

Trong khi đó, những ngày qua, tại hai BV nhi lớn của TP là BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2 số lượt trẻ đến khám bệnh ngoại trú lúc nào cũng đông nghẹt, dao động ở mức trên dưới 4.000 lượt/BV/ngày. Tại BV Nhi đồng 1, buổi sáng 12.4, khu vực chờ trước cửa các phòng khám bị nêm cứng bởi các ông bố bà mẹ bồng bế con nhỏ đứng, ngồi. Gần trưa, một người mẹ trẻ 26 tuổi, nhà ở Q.3, đưa con gái đầu lòng chưa đầy 1 tuổi đi khám, than: “Mấy hôm nay, bé cứ nóng sốt và ho hoài. Không đi khám thì không yên, mà đi khám đông quá, chờ đợi từ sáng đến giờ khiến mẹ cũng muốn bệnh luôn”.

Ở BV Nhi đồng 1 tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh viêm não, màng não (hôm cao điểm có hơn 50 bệnh nhi nằm viện); bệnh tay chân miệng (thường có từ 30 đến gần 40 bệnh nhi điều trị nội trú) và bệnh đường hô hấp (luôn có khoảng 200 bệnh nhi nằm viện). Còn ở BV Nhi đồng 2, lượng bệnh nhi bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa luôn đông (khoảng 120 - 130 bệnh nhi nằm điều trị nội trú).

Các bác sĩ của BV Nhi đồng 2 lưu ý: “Do tiết trời quá nóng, trẻ rất nhanh khát nước, vì vậy với các học sinh đi học cần chuẩn bị cho các cháu chai nước chín đem theo, dặn dò các cháu không được dùng si-rô, nước đá ngoài đường, rất dễ bị tiêu chảy, nhất là bệnh tả hiện đang có nguy cơ lây lan. Đảm bảo vệ sinh cho trẻ trong lúc này, không những phòng bệnh tiêu hóa, tả, mà còn phòng cả bệnh tay chân miệng, viêm não...”. Còn bác sĩ Hoàng Công Điền khuyến cáo cho cả trẻ em và người già trong thời tiết nắng nóng: “Hạn chế thay đổi đột ngột nhiệt độ cơ thể, như đang đi lâu ngoài nắng bước ngay vào phòng lạnh; sử dụng quạt máy không để số quá lớn, máy lạnh không để nhiệt độ quá thấp, tránh để quạt trực diện vào người khi ngủ; tránh đi lâu ngoài nắng vì rất dễ bị say nắng...”.

Lương y Huỳnh Văn Quang (Hội Đông y Q.5, TP.HCM), khuyên để giải nhiệt nhanh, đơn giản trong lúc nắng nóng, có thể dùng 50g bột sắn dây và một ít đường phèn, pha loãng bằng nước đun sôi để nguội, uống khi đi làm về; hoặc nấu đậu xanh cà vỏ với lá nha đam (bỏ vỏ, cắt hình hạt lựu) cùng một ít đường phèn (không ngọt quá).   


Thời tiết nắng nóng cũng khiến BV Nhi đồng TP Cần Thơ quá tải thường xuyên. Tiến sĩ - bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc BV, cho biết BV có quy mô 250 giường, nhưng trung bình phải điều trị nội trú cho khoảng 300 bệnh nhân. Đặc biệt vào thời điểm cuối tháng 3, số lượng điều trị nội trú lên đến trên 400 trường hợp. Bênh cạnh đó là điều trị ngoại trú cho khoảng một ngàn trường hợp mỗi ngày; cao điểm có khi lên đến 1.200 – 1.300 lượt/ngày. Trong số này chủ yếu mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, sốt xuất huyết, bệnh đường tiêu hóa. Theo bác sĩ Sơn, số trường hợp mắc các bệnh theo mùa tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Có gần 60% bệnh nhân của BV đến từ các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng... Tình hình bệnh theo mùa ở trẻ em cũng đang tăng mạnh. Nhiều trường hợp, phụ huynh chưa hiểu biết đầy đủ về các loại bệnh theo mùa nên chủ quan trong điều trị, đến khi nhập viện thì tình hình đã rất nghiêm trọng...

Bác sĩ Võ Huy Danh, PGĐ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang, ngày 13.4 cho biết từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh phát hiện trên 200 trường hợp bị tiêu chảy cấp. Các trường hợp mắc bệnh đều nằm dọc tuyến biên giới VN - Campuchia, thuộc địa bàn huyện An Phú. Trong số này, có 23 trường hợp dương tính với khuẩn tả; 12 trường hợp là người Campuchia và 5 trường hợp là người trên địa bàn huyện An Phú.

Ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 15.1, là một bệnh nhân người Campuchia qua điều trị bệnh ở BV An Phú, bệnh nhân này được xác định là dương tính với khuẩn tả. Từ đó bệnh bùng phát mạnh trên địa bàn. Với đường biên giới giữa hai nước dài trên 40 km, việc đi lại của người dân dễ dàng, thuận tiện là nguyên nhân khiến bệnh lây lan mạnh và khó kiểm soát. Nhiều người dân Campuchia khi mắc bệnh thường qua điều trị tại các trạm y tế xã và BV huyện An Phú... Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, ngành y tế địa phương đã tiến hành triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch bằng nhiều biện pháp, tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân...

Chí Nhân

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.